Chiều qua, báo Đại biểu nhân dân tổ chức toạ đàm “Tăng cường chất lượng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm".
Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao) cho biết, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn hạn chế.
Nguyên nhân theo ông Hùng do số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật rất nhiều nhưng đội ngũ giúp việc cho tòa Tối cao, cấp cao ít…
Ông chỉ ra thực tiễn chất lượng xét xử của tòa án ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều vấn đề chưa ổn, chất lượng chưa ổn thì lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm sẽ cao.
|
Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao) |
“Có rất nhiều vụ án gần đây gây bão dư luận vì những điều rất “sơ đẳng”. Như vụ Hồ Duy Hải xử về tội giết người nhưng các chứng cứ chứng minh có nhiều vấn đề”, nguyên thẩm phán dẫn chứng.
Hay vụ Trung Nguyên, luật sư Hùng không nghĩ có những sai lầm của bản án đến mức hết rất sơ đẳng như sử dụng các thẩm định giá về tài sản đã hết hiệu lực rồi làm cơ sở để phân chia tài sản cho vợ chồng người ta.
“Đó là điều không thể chấp nhận được. Tòa án sơ thẩm cũng sử dụng kết quả đó, tòa phúc thẩm cũng giữ nguyên, bác kháng cáo. Cuối cùng Viện kiểm sát kháng nghị chỉ ra thì ai cùng ồ lên tại sao lại kỳ cục như vậy”, ông Hùng kể.
Nếu sai mà không sửa là thiếu sót của nền tư pháp
Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng kể, khi ông còn là luật sư đi bào chữa có đọc những bản án viết như vỡ lòng, rất buồn.
“Quyền lợi bị xâm phạm, tội phạm bị bỏ lọt thì đương nhiên người ta tiếp tục phải khiếu nại”, ông Nhưỡng khẳng định rằng, đơn giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều là do chất lượng xét xử.
|
ĐB Lưu Bình Nhưỡng |
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ở đây không phải đổ tội cho tòa án nhưng tòa làm ra sản phẩm cuối cùng, nếu có sai sót thì trước hết phải xem đến tòa đã.
“Có những việc tòa không phát hiện được vì quá trình điều tra, quá trình làm hồ sơ đưa ra tòa thì người ta đã làm quá “tròn”.
Vụ Cầu Voi còn bộc lộ một số lỗ hổng, sơ suất mà UB Tư pháp phát hiện ra, dư luận phát hiện ra, nhưng có những trường hợp không phát hiện được, thậm chí sử dụng dấu của cơ quan điều tra, kiểm sát đóng vào đấy rồi”, ông Nhưỡng nói.
Bên cạnh đó, ĐB Nhưỡng cho rằng, một trong những nguyên nhân nữa, không chỉ do các cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn do bản thân các luật sư.
“Có những luật sư không phải bảo vệ công lý mà chỉ vì tiền, nặng về dịch vụ”, ông Nhưỡng lưu ý.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH đoàn TP.HCM) nhắc đến vụ Hồ Duy Hải và cho biết, UB Tư pháp của QH giám sát trực tiếp và ông cũng là thành viên tham gia đoàn giám sát.
“UB Tư pháp họp rất nhiều cuộc, có Chánh án, có Viện trưởng VKSND tối cao dự, UB Tư pháp đến nay vẫn giữ ý kiến. Vấn đề là có những cái sai phải sửa, nếu sai mà không sửa, đó là một thiếu sót của nền tư pháp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
|
Luật sư Trương Trọng Nghĩa |
Theo ông Nghĩa, trong vụ Hồ Duy Hải, một nguyên tắc rất cơ bản ở mọi quốc gia là phải đủ chứng cứ để buộc tội.
“Luật pháp chúng ta, văn minh không kém nước nào, tại sao anh không làm vậy? Có thể anh nghi ngờ người đó, nhưng luật Hình sự bắt buộc, muốn buộc tội người ta thì phải có bằng chứng, chứng cứ. Một khi không đủ chứng cứ, thì anh không được buộc tội người ta”, luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích.
Tôi cho rằng, cả chục nước, trong bộ luật hình sự, họ nhấn mạnh chỉ buộc tội khi không còn chút nghi ngờ hợp lý nào.
Ông nhắc lại tình tiết, 8 giờ sáng công an điều tra đến, nhưng vật chứng là cái thớt, đi mua cái thớt giống như vậy.
“Vụ Hồ Duy Hải là như vậy, không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ, không thể xử ép. Sơ thẩm, phúc thẩm có vấn đề về chứng cứ”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhận định.