Phá rừng phòng hộ và trả lời không giống ai của “quan” Việt

Google News

(Kiến Thức) - Phá rừng phòng hộ để nuôi bò, thi hoa hậu hay "tố" lâm tặc cấu kết với phóng viên... là những cách trả lời gây xôn xao của không ít lãnh đạo.

Vội vã phá hàng trăm ha rừng phòng hộ ở Phú Yên
Trong những này gần đây, dư luận nóng thông tin UBND tỉnh Phú Yên đã giao 115ha đất rừng phòng hộ ven biển cho công ty TNHH New City Việt Nam thực hiện dự án khu du lịch cao cấp New City Việt Nam, hiện đang trồng cỏ và làm sân golf. Điều đáng nói là dự án “khủng” này được triển khai khi chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường; chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Phú Yên vội vã chặt hàng trăm hecta rừng để giao cho doanh nghiệp. Trong khi vụ việc 377 hecta rừng bị chặt phá để phục vụ nuôi bò tại Sông Hinh đang được thanh tra, tỉnh Phú Yên lại tiếp tục giao 115 hecta rừng phòng hộ ven biển cho doanh nghiệp làm Khu du lịch liên hợp cao cấp.
Pha rung phong ho va tra loi khong giong ai cua “quan” Viet
Phá rừng phòng hộ ở Phú Yên. Ảnh: Vietnamnet. 
Và sự vội vã phá rừng phòng hộ ven biển vượt các thủ tục này đã được các nhà quản lý giải thích theo cách “không giống ai”.
Giải thích vấn đề này, ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên cho biết, chủ đầu tư đã hoàn tất việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nhưng ngày 15/2/2017, công ty TNHH New City Việt Nam mới chuyển cho Sở Tài nguyên - Môi trường và đang chờ thẩm định. “Dự án này chưa có quyết định giao đất. Và theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp thì nhà đầu tư đang hoàn tất các thủ tục gửi Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định giao đất và ký kết hợp đồng cho thuê đất”, ông Lộc nói.
Điều đáng nói là khi các thủ tục chưa hoàn thành nhưng tại hiện trường, dự án đang được triển khai khá rầm rộ. Rừng phòng hộ với những cây phi lao 30 năm tuổi trở lên đã được phát dọn để lấy đất triển khai các hạng mục như thi công đường nội bộ, trồng cỏ và làm sân golf.
Lý giải về việc tại sao các thủ tục chưa hoàn thành nhưng dự án vẫn được triển khai, ông Mai Kim Lộc cho biết thêm: "Sở TN&MT không có chức năng cho phép thực hiện dự án. Tuy nhiên, thực hiện năm doanh nghiệp (năm doanh nghiệp Phú Yên) và vào tháng 7/2017 tỉnh Phú Yên đăng cai tổ chức cuộc thi hoa hậu Hữu nghị Asean nhằm tạo điểm nhấn để quảng bá du lịch nên UBND tỉnh đã đồng ý cho triển khai một số hạng mục đồng thời với hoàn tất các thủ tục có liên quan".
Ngày 25/4, UBND tỉnh Phú Yên đã phát đi Thông báo 283/TB-UBND nhằm thông tin lại một số nội dung đã được phản ánh thời gian qua liên quan đến vụ rừng phòng hộ đang bị phá bỏ để xây dựng Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam, nêu rõ những việc còn thiếu sót trong việc cho triển khai dự án này và sẽ tìm cách chỉ đạo khắc phục. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các bước tiếp theo đúng quy định.
Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản số 2001, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, địa phương liên quan rà soát quá trình thực hiện Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam; tổng hợp, báo cáo cụ thể, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 26/4/2017, theo phản ánh của báo chí.
Phá rừng ở Khánh Hòa: Phó giám đốc sở nói “lâm tặc cấu kết phóng viên phá rừng”
Tháng 4/2017, tại tiểu khu 205 rừng phòng hộ Khánh Phú do Công ty TNHH MTV lâm sản Khánh Hòa quản lý, phát hiện hàng chục cây gỗ (từ nhóm V - VIII) bị cắt khúc, xẻ nhỏ nhưng chưa đưa ra khỏi rừng. Trong đó có những cây gỗ có đường kính lên đến cả mét. Vụ việc này đã khiến dư luận xôn xao và bức xúc.
Tuy nhiên, trả lời của vị Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa – ông Nguyễn Tuấn Kiệt về việc phá rừng ở Khánh Hòa còn gây “choáng” hơn rất nhiều. Tại cuộc làm việc với đoàn công tác Quốc hội ngày 11/4, ông Kiệt "tố" lâm tặc cấu kết với phóng viên.
Cụ thể, tại cuộc họp này, báo cáo với Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, ông Kiệt cho rằng vụ phá rừng ở tiểu khu 205, rừng phòng hộ đầu nguồn xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh) là do lâm tặc thông tin, sau đó chở các nhà báo đi ghi nhận, đưa tin, để trả đũa cơ quan chức năng.
"Điểm phá rừng mà báo chí nêu rất xa, cách trung tâm huyện Khánh Vĩnh từ 12 đến 15km, điều kiện đi lại rất khó khăn. Vấn đề là tại sao rừng mênh mông, sâu như thế, nhà báo lại phát hiện được?”, ông Kiệt đặt câu hỏi.
Rồi vị phó giám đốc này tự trả lời: "Lý do là gần đây chúng tôi tổ chức truy quét rất quyết liệt nạn phá rừng. Do khai thác gỗ trái phép bị tịch thu gỗ nên các lâm tặc bức xúc và gọi các nhà báo đến, có người hướng dẫn và chở vào quay phim", ông Kiệt nói.
Pha rung phong ho va tra loi khong giong ai cua “quan” Viet-Hinh-2
Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Khánh Hòa bị chặt hạ không thương tiếc. Ảnh: An Bình 
Rừng bị phá, chủ tịch xã nói: "Diện tích rừng bị phá luôn biến động, nên lúc khác tôi trả lời".
Theo tìm hiểu của báo Nông nghiệp Việt Nam hồi tháng 3/2016, hàng trăm ha rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc hồ chứa nước Vạn Định (xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị tàn phá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc - ông Phan Văn Nhanh lại có cách trả lời về thực trạng này "không giống ai". Ông Nhanh nói: “Chủ tịch thì đâu phải chuyện gì cũng ôm. Bây giờ, sổ sách, số liệu liên quan chuyện này cán bộ chuyên môn nắm. Với lại, diện tích rừng bị phá luôn biến động, nên lúc khác tôi trả lời, anh thông cảm (!?)”.
Pha rung phong ho va tra loi khong giong ai cua “quan” Viet-Hinh-3
Nhiều khoảnh rừng tự nhiên thuộc khu vực lòng hồ Vạn Định bị chặt phá trơ trọi. Ảnh: Nông nghiệp VN.
Linh Hoàng (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)