Sự việc gian lận điểm thi tại Hà Giang đang gây bức xúc trong dư luận, gây ra những hoài nghi về sự “nghiêm túc, an toàn, khách quan và nhẹ nhàng" của kỳ thi cũng như trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục và lãnh đạo các địa phương xảy ra sai phạm trong thi cử.
Xung quanh sự việc trên, PV Kiến Thức đã có buổi trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.
|
Tổ công tác rà soát công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang - Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an. |
Sẽ thật khủng khiếp nếu gian lận thi cử không được phát hiện
- Thưa PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, vụ việc sai phạm trong khâu chấm thi tại Hà Giang đang khiến dư luận “sốc” vì bất ngờ và phẫn nộ, là một người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, ông đánh giá thế nào về những sai phạm này?
- Câu chuyện sửa điểm thi ở Hà Giang khiến người làm công tác giáo dục như tôi cảm thấy rất buồn khi tiếp nhận những thông tin như vậy.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã đạt được sự thành công nhất định về khâu ra đề cũng như khâu tổ chức thi tương đối nghiêm túc. Nhưng việc một cán bộ can thiệp vào điểm thi tại Hà Giang đã khiến niềm tin của người dân vào ngành giáo dục bị vơi đi dù trước mắt “đó chỉ là một con sâu làm rầu nồi canh”.
Tuy nhiên, vụ việc gian lận điểm thi này là rất nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ có bao nhiêu thí sinh có năng lực, bao ước mơ chân chính bị “giết chết”. Bên cạnh đó, trường đại học nào đó có thể tuyển được những thí sinh có năng lực, học giỏi thật sự thì vụ việc sửa điểm trên nếu không bị phát hiện sẽ có nhiều người kém năng lực được nhận vào thay thế do chỉ tiêu có hạn.
- Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, dù quy trình chấm bài thi trắc nghiệm được cho là khoa học và nghiêm ngặt nhưng đã có những kẽ hở. Bộ phải làm gì để tìm ra những kẽ hở đó, thưa ông?
- Giờ là lúc Bộ GD&ĐT phải nhìn nhận lại, khâu tổ chức xem kẽ hở ở đâu để xảy ra việc gian lận điểm số như vừa qua tại Hà Giang. Thực tế lĩnh vực nào cũng có sơ hở như trong việc quản lý nhà nước, chống tham ô, tham nhũng nhưng vẫn có vị quan cao cấp tham ô rồi phải vào tù. Việc thi cử này cũng như vậy. Vấn đề ở chỗ ta phải tìm ra kẽ hở nào và xử lý chuyện đó.
Bộ GD&ĐT phải xem lại những quy định, thời tôi từng làm Chủ tịch Hội đồng thi, những bài thi được quản lý rất chặt chẽ. Khi đưa bài thi về thì phòng đó hết giờ là niêm phong có chữ ký của chủ tịch Hội đồng thi, không ai được mở ra. Đến khi lấy bài chấm thi thì chủ tịch Hội đồng thi sẽ chịu trách nhiệm mới mở niêm phong. Khi bài thi ở phòng 10 chẳng hạn thì chính Chủ tịch Hội đồng thi điền mã số và đưa lên phòng 20.
Do vậy, không thể nào mà xảy ra tiêu cực vì không biết đâu mà tìm. Ngay cả thí sinh số báo danh 20 chẳng hạn, người ta mã số một lần số báo danh thành 30 nên cán bộ không thể biết được chính xác số báo danh của thí sinh. Thậm chí ngay ở phòng thi đó cũng không ở trong phong bì phòng thi đó. Mã số đó chỉ chủ tịch Hội đồng thi mới biết và chịu trách nhiệm.
Hiện nay thi trắc nghiệm có máy móc thì đưa ra quy chế quản lý người thực hiện trên máy vi tính đó như thế nào. Trong vụ việc ở Hà Giang rõ ràng là có sơ hở trong quản lý nên cán bộ Lương mới thực hiện được hành vi vi phạm.
Xử lý nghiêm để răn đe cán bộ khác
- Ngay trong ngày 19/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vụ điểm thi cao bất thường tại Hà Giang. Việc xử lý nghiêm minh vụ việc này rõ ràng là rất cần thiết. Ông nghĩ sao về điều này?
- Trong sự việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, công an họ nói rất đúng là không có vùng cấm, dù ở cấp nào đi nữa mà vi phạm cũng phải xử lý nghiêm minh.
Các cơ quan chức năng cần phải làm rõ nguyên nhân, mục đích, động cơ và hành động sửa điểm thi của ông Vũ Trọng Lương để xử nghiêm, loại bỏ khỏi ngành giáo dục những người gian lận, cán bộ thoái hóa, biến chất.
Hành vi của ông Lương là quá rõ ràng nên cần phải xử lý nghiêm minh. Cùng với đó, nếu ai là đồng phạm với ông Lương cũng phải bị xử lý nghiêm minh. Nếu ông Lương khai ở trên có người chỉ đạo làm thì phải xử lý nặng người chỉ đạo. Thậm chí, nếu ai đó nhắn tin, gọi điện nhờ vả can thiệp điểm số mà có dấu hiệu tiêu cực thì cũng phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Hội đồng thi ở Hà Giang làm công tác quản lý mà để xảy ra sự việc đó thì cũng phải trách nhiệm. Ngay Sở GD&ĐT Hà Giang phải nhận trách nhiệm khi không giám sát chặt chẽ các công đoạn của kỳ thi, để ông Lương qua mặt dễ dàng.
Dù biết rằng phải xử lý nhưng xử lý ở mức độ nào cũng là một vấn đề đáng bàn. Theo tôi, phải nghiêm minh để răn đe.
Ngày xưa tại các nước Trung Đông, người ta khi bắt được kẻ ăn cắp đều chặt tay từ đó không ai dám ăn cắp nữa. Ví dụ như vậy để có thể thấy rằng, trong thời điểm này, nhất là một số tỉnh đang có dấu hiệu bất thường về điểm số thì việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật rất quan trọng.
Như ông Vũ Trọng Lương có khuyết điểm vi phạm lớn cần cho ra khỏi ngành, thậm chí khởi tố nếu vi phạm pháp luật. Nếu làm nghiêm vụ này thì tất cả những kỳ thi sau này, cán bộ nào trước khi vi phạm thì cũng nhìn tấm gương này để tự răn mình.
Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?
- Khi xảy ra vụ việc điểm thi bất thường tại Hà Giang, một số ý kiến cho rằng, nên bỏ thi tốt nghiệp, ông nghĩ vào về ý kiến này?
Vừa qua, sau khi xảy ra vụ việc điểm thi bất thường ở Hà Giang, nhiều người lại đặt ra vấn đề là có nên thi tốt nghiệp phổ thông hay không nên thi phổ thông. Tôi đánh giá việc thi THPT Quốc gia là điều rất cần thiết.
Một nhà máy sản xuất hàng hóa ra phải có bộ phận QA để xem sản phẩm nào dùng được, sản phẩm nào không dùng được. Ngành giáo dục 12 năm đào tạo phổ thông thì cuối cùng cũng phải tổ chức kiểm tra thi cử đánh giá ai được, ai không được. Ở đây chính là cách tổ chức thi như thế nào chứ không nên đặt vấn đề có nên thi THPT hay không.
|
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ,Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các trường cao đẳng, đại học Việt Nam. Ảnh: VOV. |
|
Trên thực tế, có thi cử thì học sinh mới học, mới có thể đánh giá được chất lượng học sinh. Chúng ta không thể đánh đồng việc gian lận thi cử với việc có nên không thi. Sai phạm ở Hà Giang vừa qua nằm ở sự quản lý, bảo mật bài chấm thi không được nghiêm túc. Vậy chúng ta phải làm cho nghiêm túc chứ không phải cứ có gian lận, cứ có lùm xùm là hô nhau bỏ.
Hiện nay ở trên thế giới, nếu đánh giá tốt nghiệp cấp phổ thông, nhiều nước họ giao hẳn về cơ sở, thậm chí giao cho trường. Nhưng ở nước ta chưa thể làm được như vậy. Bởi ở các nước họ làm được bởi người giáo viên họ có kinh tế, no đủ, người ta còn có trình độ đủ để đánh giá khách quan việc đó.
Ở ta, tôi nhiều năm trong ngành giáo dục đánh giá, nhiều giáo viên chưa có thể làm một cách khách quan. Họ còn phụ thuộc vào cái này, cái kia. Ngay cả thi người ta còn bị sức ép ở trên xuống “phải lo cho con tôi thế này, thế kia”.
Nếu ta bỏ thi, không thi thì tiêu cực sẽ xảy ra nhiều hơn. Nên việc thi THPT là phải thi nhưng phải được tổ chức nghiêm túc đó là phương châm của ngành giáo dục.
- Hiện nay, không chỉ Hà Giang, mà ngay cả các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn…cũng xuất hiện nhiều bất thường trong điểm thi THPT. Bộ GD&ĐT đã phải thành tổ kiểm tra bất thường về điểm thi tại Sơn La, Lạng Sơn. Có ý kiến cho rằng, nếu hai tỉnh này phát hiện sai phạm như Hà Giang thì Bộ có nên mở rộng ra cả nước hay không?
Cái này thuộc về vấn đề quản lý của Bộ GD&ĐT, bây giờ Bộ thấy có hiện tượng bất thường rộng rãi thì ở địa phương nào có dấu hiệu bất thường thì phải thành lập tổ công tác đến địa phương ấy kiểm tra, nếu có sai phạm thì phải kỷ luật nghiêm. Nếu địa phương nào không có dấu hiệu bất thường thì tất nhiên không cần kiểm tra, bởi như vậy sẽ gây mất thời gian, ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, phụ huỵnh đó. Do vậy, không nên làm tùm lum, nơi nào không có biểu hiện bất thường thì thôi để tránh gây hoang mang cho tình hình xã hội ở địa phương đó.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Xử lý nghiêm theo quy định, không có vùng cấm
Trước những sai phạm trong khâu chấm thi tại Hà Giang và nghi vấn sai phạm tại một số địa phương khác, trong cuộc họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 chiều 19/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dù công tác kỹ thuật trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là khâu chấm thi hoàn thiện thế nào nhưng vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, sự việc xảy ra tại Hà Giang vừa qua là cảnh tỉnh đối với những người làm công tác tổ chức thi và đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chấm thẩm định bài thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 theo đúng Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.
Trong quá trình chấm thẩm định nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp với cơ quan công an khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm.
Cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển ĐH, CĐ tới đây thì vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ kiểm tra, đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp được giao nhiệm vụ thanh tra, giám sát trong quá trình chấm thi bỏ vị trí, không hoàn thành nhiệm vụ.