Ngày 24/7, phiên toà xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết Quyết và 49 bị cáo khác về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
|
Bị cáo Trịnh Văn Quyết. |
Trước đó, khi được hỏi về trách nhiệm khắc phục thiệt hại, Trịnh Văn Quyết cho biết, nếu HĐXX tuyên án phải bồi thường, bị cáo xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng của mình đang bị phong tỏa để khắc phục.
Theo ông Quyết, hiện nay ngoài các tài sản đang phong tỏa, ông không còn thêm tài sản nào khác. Mới đây, ông được cơ quan tố tụng cho phép bán tài sản "tâm huyết" là hãng hàng không Bamboo Airways, trước mắt đã thu gần 200 tỷ đồng. Số tiền này đã chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra.
Còn khoảng 500 tỷ đồng tiếp theo từ việc bán hãng hàng không Bamboo, sau khi nhận ông Quyết sẵn sàng nộp để hoàn thành nghĩa vụ dân sự.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch FLC cũng đang nhờ gia đình huy động thêm từ bạn bè, người thân.
“Bị cáo kính mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo xử lý khối tài sản cá nhân trị giá 5.000 tỷ đồng mà cơ quan điều tra phong tỏa hơn 2 năm qua", ông Quyết bày tỏ.
Ông Quyết khẳng định: “Mọi quy kết trong cáo trạng như thế nào bị cáo đều thấy đúng và tôn trọng”.
Trong cáo trạng thể hiện, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chỉ đạo bị can Doãn Văn Phương (cựu tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Faros) và bị cáo Trịnh Thị Minh Huế tăng khống vốn góp Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Viện Kiểm sát xác định, bị can Phương và bị cáo Huế nhờ một số người đứng tên cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Faros. Lãnh đạo công ty ghi nhận thông tin gian dối này vào báo cáo tài chính kiểm toán và cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS.