Những ngày Tết Đinh Dậu, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Chấn kể về 11 cái Tết ở trong tù. Hầu như Tết năm nào ông cũng ngồi một góc buồng giam rồi khóc vì tủi thân, vì nhớ vợ con đang chịu cực khổ ở quê.
Ám ảnh ông nhất là hai cái Tết đầu tiên trong tù. “Giờ nghĩ lại thôi cũng khiến tôi sởn da gà”, ông Chấn nói.
Ông kể, thời điểm trước 30 Tết, người thân tù nhân vào thăm đông lắm, lúc đó nhìn bạn tù khác được ra gặp người thân, nước mắt ông cứ giàn dụa rồi mong ngóng được gặp người nhà nhưng không thấy.
Thời điểm đó, bà Chiến (vợ ông Chấn) sức khỏe đang không tốt, lại phải một mình chăm sóc 4 đứa con nên không vào thăm chồng được.
Hai năm đó, vẫn có bánh chưng và thịt, nhưng ông nuốt miếng bánh mà nước mắt lăn dài trên gò má.
|
Ông Nguyễn Thanh Chấn kể về 11 cái Tết khổ sở khi ngồi tù oan của mình. |
Kể xong, ông nhìn sang người vợ đang nằm trên giường vì ốm nói: “Tủi thân là vậy nhưng chưa bao giờ tôi có suy nghĩ trách vợ mình, vì tôi biết khi đó vợ đang phải xoay sở lo cho gia đình và bầy con. Lại thêm phải đi khắp nơi làm thuê để đi kêu oan cho tôi”.
Ông bảo, người ông mang ơn nhất là vợ ông, nếu không có bà Chiến thì sẽ không có ngày ông được minh oan như bây giờ.
Còn bà Chiến lúc nào cũng im lặng khi ai đó nói về công lao của bà trong việc kêu oan cho chồng. Bà chỉ kể chuyện về cái Quyền (con gái ông Chấn) quyết định đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan kiếm tiền gửi về cho mẹ đi kêu oan cho bố.
Ông Chấn tiếp lời, "mấy ngày đầu về hai vợ chồng cứ ôm nhau mà khóc, vì nhớ đến những cái Tết khổ sở trong tù, vì thương vợ thương con... Giờ tôi cũng chẳng biết lấy gì để bù đắp cho vợ của mình cả, chỉ biết giúp đỡ bà ấy vượt qua bệnh tật".
Uống xong chén nước chè, ông Chấn đứng lên dọn lại bàn thờ cho ngăn nắp, ông bảo từ ngày ra tù, việc hương khói tự tay ông lo liệu đề bù cho cái không khí lãnh lẽo trong suốt hơn 10 năm qua. Ngày ông chưa đi tù, Tết năm nào mẹ vợ cũng đến nhà gói bánh chưng cho vợ chồng ông. Khi ông ra tù, thì mẹ đã không còn đợi được nữa.
Nói về những cái Tết khi ông Chấn bị ngồi tù oan, bà Chiến kể: "Nhớ 11 Tết trước, cứ đến mùng 1 Tết dọn mâm cỗ ra là mấy mẹ con lại ôm nhau khóc. Nhiều năm thương con quá nên cứ phải ngoảnh mặt đi chỗ khác để lau nước mắt... Con cái nó biết nên nó cũng động viên mẹ nhiều lắm.
Vì mang tiếng là vợ, con của kẻ giết người, nên cả nhà chẳng dám đi đâu ngày Tết vì bị mọi người khinh bỉ... Bây giờ, đến ngày Tết thì tôi ngẩng cao đầu mà đi chúc Tết mọi người, ngày chồng trở về làng xóm cũng nói, khổ thân ông Chấn bị ngồi tù oan".
Bà Chiến cho biết thêm, từ khi ông Chấn được về, bà làm mâm cỗ to hơn các năm trước để bù đắp cho những ngày cả gia đình phải đón Tết trong lặng lẽ tủi nhục và nước mắt.