Ông Lê Đức Thọ phạm tội thế nào trong vụ Xuyên Việt Oil?

Google News

Ông Lê Đức Thọ bị khởi tố, bắt giam do có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" liên quan vụ án Xuyên Việt Oil.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở đối với ông Lê Đức Thọ (SN 1970) để điều tra hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" liên quan vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Tháng 9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; bà Nguyễn Thị Như Phương, Phó Giám đốc Xuyên Việt Oil. Hai bị can này bị điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ong Le Duc Tho pham toi the nao trong vu Xuyen Viet Oil?
Ông Lê Đức Thọ  
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý cho biết, việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Lê Đức Thọ là câu chuyện đáng buồn nhưng không gây bất ngờ. Bởi trước đó, ông Thọ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng do có những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật của nhà nước.
Thời điểm trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố một số bị can về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại công ty Xuyên Việt Oil.
Quá trình mở rộng điều tra vụ án này, cơ quan điều tra xác định có hành vi vi phạm pháp luật của ông Lê Đức Thọ nên đã tiến hành xem xét làm rõ và khởi tố, xử lý hình sự đối với ông Thọ.
Thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ để điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Ông Lê Đức Thọ bị bắt trong quá trình Cơ quan an ninh điều tra thụ lý, điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm, làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội và các tình tiết khác có ý nghĩa trong việc xác định tội danh, làm cơ sở quyết định hình phạt đối với ông Lê Đức Thọ.
Hiện Cơ quan điều tra chưa thông tin cụ thể về hành vi phạm tội của ông Lê Đức Thọ. Tuy nhiên, thông tin cung cấp cho thấy, ông Thọ có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Cường cho rằng, đây là tội danh có yếu tố vụ lợi của người có chức vụ quyền hạn. Theo quy định của pháp luật, người phạm tội đối với tội danh này là người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi hỏi nhận lợi ích của người khác để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn thực hiện một công việc theo yêu cầu để có lợi cho người đã đưa lợi ích cho mình.
Trong mối quan hệ này sẽ có 3 bên, một bên đang có nhu cầu người có chức vụ quyền hạn thực hiện một hoạt động công vụ nào đó có lợi cho mình nhưng lại không trực tiếp liên hệ với người đó có chức vụ quyền hạn để nhờ vả nên đã thông qua bên thứ ba và bên thứ ba đã sử dụng chức vụ của mình như một công cụ để tác động đến người có chức vụ quyền hạn trực tiếp phải thực hiện một công việc có lợi cho người đang có nhu cầu (gây ảnh hưởng đến người có chức vụ quyền hạn để trục lợi).
Lợi ích có được trong trường hợp này xuất phát từ chức vụ quyền hạn, từ mối quan hệ của mình. Trong trường hợp này người có chức vụ quyền hạn trực tiếp đến công việc có thể không bị xử lý, người đưa lợi ích vật chất (để được việc) cũng không bị xử lý, chỉ có người đứng giữa trục lợi bằng chức vụ quyền hạn của mình thì sẽ bị xử lý hình sự. Giữa ba bên không có thoả thuận về công việc phải làm và lợi ích được hưởng. Nếu có ba bên cùng thỏa thuận thống nhất ý chí với nhau về công việc phải làm và lợi ích được hưởng, người có chức vụ quyền hạn chia chác lợi ích thì sẽ là hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Nếu hai bên kết nối trực tiếp với nhau để thỏa thuận đưa lợi ích đổi lấy việc thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa lợi ích thì đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Trong tình huống này không chỉ có hai bên là người có chức vụ quyền hạn và người đang mong cầu được lợi từ chức vụ quyền hạn đó mà đã xuất hiện bên thứ ba. Bên thứ ba chính là người là người đã nhận lợi ích để tác động đến người có chức vụ quyền hạn (nhờ vả, yêu cầu người có chức vụ quyền hạn đó thực hiện một công việc để có lợi cho người đã đưa lợi ích). Hành vi này là lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác (cũng là người có chức vụ quyền hạn) để trục lợi.
Hành vi này là một trong các hành vi tham nhũng được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng và người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo điều 358 bộ luật hình sự với mức thấp nhất là 1 năm tù, mức cao nhất là tù chung thân.
Như vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ người đã đưa lợi ích cho bị can này là ai, số tiền mà bị can đã nhận là bao nhiêu để tác động đến người có chức vụ quyền hạn, yêu cầu, nhờ vả người có chức vụ quyền hạn thực hiện một công việc để có lợi cho người đã chi tiền.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì đó là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự. Ngoài ra bị can, bị cáo là người có thành tích suất sắc trong quá trình học tập, công tác, gia đình có công với cách mạng thì cũng là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi tòa án lượng hình.
Đây là vụ án phức tạp, có liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân, cơ quan điều tra đã khởi tố về nhiều tội danh, hành vi phạm tội kéo dài nên cơ quan điều tra sẽ thận trọng trong việc thu thập đánh giá chứng cứ để xác định sự thật, làm cơ sở xác định các hành vi vi phạm của các bị can, có thể tiến hành mở rộng điều tra làm rõ các hành vi vi phạm khác, những người khác để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, trước đó, ông Thọ đã bị kỷ luật liên quan đến việc kê khai tài sản không trung thực, có những tài sản dấu hiệu bất minh.
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguồn gốc số tài sản này, sẽ xác định tài sản do phạm tội mà có là tài sản nào để tiến hành thu hồi, xung vào công quĩ nhà nước. Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy người phạm tội đã nhận tiền, tài sản hoặc những lợi ích vật chất khác để tác động đến người có chức vụ quyền hạn thì những tài sản này sẽ bị thu hồi để xung vào công quỹ nhà nước. Người đưa tài sản cho người phạm tội có thể sẽ không được nhận lại tài sản vì động cơ mục đích đưa tài sản là không trong sáng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật (tương tự như hành vi đưa hối lộ nhưng trong trường hợp này không cấu thành tội đưa hối lộ).
Cơ quan điều tra sẽ từng bước làm sáng tỏ bản chất của vụ án, xác định hành vi của các bên liên quan, trên cơ sở các quy định của pháp luật để đánh giá, phân loại và kiến nghị hình thức xử lý phù hợp đối với từng tổ chức cá nhân có liên quan và đối với những tài sản có liên quan đến vụ án này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố vụ án, khởi tố bị can vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)