Phiên xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đồng phạm sáng ngày hôm nay (10/5) tập trung vào phần xét hỏi của các luật sư với một số bị cáo như ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Bùi Mạnh Hiển, Vũ Đức Thuận...
|
Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh TTXVN. |
Luật sư hỏi ông Đinh La Thăng: Khi PVN làm chủ đầu tư tất cả các nghĩa vụ của chủ đầu tư trong công việc chọn thầu, cách thầu là PVN phải không? Với trách nhiệm, ông đã chỉ đạo rà soát quá trình PVN đã làm khi làm chủ đầu tư, trong đó có cả hợp đồng EPC 33 phải không? Ông Đinh La Thăng đều trả lời ngắn gọn: “Dạ vâng”.
Trả lời câu hỏi của luật sư, năm 2010-2011, có nhà đầu tư Việt Nam nào đã làm tổng thầu trong dự án nhà máy nhiệt điện lớn chưa? Ông Thăng nói rằng: “Tại thời điểm PVC được chỉ định làm Tổng thầu Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 không có nhà thầu nào có đủ năng lực, kinh nghiệm. Tóm lại, tại thời điểm đó không có một doanh nghiệp nào có kinh nghiệm làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện lớn (công suất trên 1.200W). Chỉ có một trường hợp là Lilama làm nhà máy điện…
Đến tháng 8/2011, tôi đã chuyển công tác. Sau này, tôi được biết dự án do Lilama tổng thầu chậm tiến độ 3 năm. Lúc đó, Lilama cũng lần đầu tiên làm dự án lớn chứ chưa có kinh nghiệm”.
Ông Đinh La Thăng một lần nữa khẳng định: “Giai đoạn đó, không có bất kỳ nhà thầu nước ngoài nào đồng ý làm liên doanh. Do đó, PVN xin phép Chính phủ cho phép chỉ định PVC làm tổng thầu. Được sự chỉ định thầu là theo chỉ định của Chính phủ nhưng phải đúng theo quy định của pháp luật, mong HĐXX xem xét”.
Với câu hỏi trên cương vị là Chủ tịch HĐTV để nắm bắt tiếp nhận các thông tin chỉ đạo, ông phải thông qua các văn bản báo cáo của đơn vị thành viên hay ông trực tiếp xử lý? Bị cáo Đinh La Thăng cho hay: “Theo điều lệ Tập đoàn, có các ban giúp việc cho Hội đồng thành viên, mọi thông tin đều thông qua báo cáo của các ban chuyên môn và đơn vị thành viên. Trên cơ sở các báo cáo đó, lãnh đạo sẽ kiểm tra…”.
Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định rằng, bản thân “có từ chối” khi PVC đề nghị ứng vốn, vì “không liên quan đến thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên, liên quan đến tài chính thì có người phụ trách. Tôi xin nhận trách nhiệm của người chỉ đạo. Quy buộc tôi đã chấp nhận cho PVC tạm ứng vốn như thế không phù hợp, theo quy định của pháp luật và quy chế của tập đoàn. Chủ tịch Hội đồng thành viên không có chức năng, nhiệm vụ để giải quyết vấn đề như thế”, bị cáo Đinh La Thăng nói.
Trả lời câu hỏi của một luật sư khác liên quan đến hợp đồng EPC số 33, ông Thăng khẳng định: PV Power phải chịu trách nhiệm…
Trả lời HĐXX: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 ai là chủ đầu tư? Ông Thăng nói: EVN chủ đầu tư. Còn Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN. Công suất của Thái Bình 1 bằng một nửa Thái Bình 2”.
Tại phiên xử sáng nay, HĐXX đã mời đại diện PVN (nguyên đơn dân sự) lên trả lời một số câu hỏi liên quan.
Tại tòa, đại diện PVN cho biết, PVN tôn trọng mọi phán quyết của tòa và không có kháng cáo. Tuy nhiên, PVN đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Thực, Khánh, Quỳnh, Mậu vì đã có những thành tích trong Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam trong quá trình công tác. Các bị cáo đều cống hiến và nhân thân tốt.