Đúng 1 tháng sau khi nhận bản án 13 năm tù giam ở phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), sáng nay (19/3), ông Đinh La Thăng sẽ tiếp tục hầu tòa trong vụ án thứ 2 liên quan tới việc để xảy ra thiệt hại 800 tỷ trong thương vụ PVN đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng và các đồng phạm gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng Giám đốc PVN), Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV PVN) và Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Riêng Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) bị truy tố cả hai tội danh là “Cố ý làm trái…” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
|
Ông Đinh La Thăng đã nhận mức án 13 năm tại phiên xử sơ thẩm vụ án PVN-PVC. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ |
Sai lầm của ông Đinh La Thăng lớn tới mức nào?
Theo cáo trạng của vụ án, sau khi PVN không được thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần Hồng Việt, ông Đinh La Thăng khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN đã chỉ đạo Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn đầu tư, trong đó có OceanBank.
Tiếp đó vào tháng 9/2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đã trao đổi, bàn bạc và thống nhất về việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank. Thực hiện thỏa thuận này, từ ngày 1/10/2008 đến ngày 16/5/2011, PVN đã 3 lần góp vốn với tổng số tiền là 800 tỷ đồng vào OceanBank để duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn tại OceanBank.
Trong quá trình góp vốn, ngày 1/1/2011, Luật các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực đã quy định “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên vào thời điểm đó, với vai trò Chủ tịch HĐTV của PVN, ông Đinh La Thăng đã không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho người khác là người đại diện 20% vốn của PVN tại OceanBank trái quy định pháp luật.
Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng vào OceanBank. Hậu quả từ hành vi vi phạm của ông Đinh La Thăng và đồng phạm đã dẫn tới việc toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng.
Ông Đinh La Thăng làm gì để gỡ tội ở phiên tòa thứ 2?
Có thể thấy rõ, so với vụ án “cố ý làm trái” xảy ra tại PVN-PVC liên quan tới Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, mức độ thiệt hại trong vụ án PVN-OceanBank “khủng” hơn rất nhiều (thiệt hại tới 800 tỷ). Do đó hình phạt dành cho ông Thăng và các đồng phạm nếu bị chứng minh là có tội có thể sẽ cao hơn hẳn phiên tòa thứ nhất.
|
Nếu bị chứng minh là có tội, tổng hình phạt 2 vụ án đối với ông Thăng sẽ rất nặng. Nguồn ảnh: TTXVN |
Thực tế, ông Đinh La Thăng có lẽ hiểu rõ điều này khi mà trước khi bắt đầu phiên tòa, đội ngũ luật sư bào chữa cho ông đã tăng lên con số 5. Điều đó cho thấy “quyết tâm” gỡ tội của ông Thăng trong phiên xử hôm nay.
Đáng chú ý, bị cáo Đinh La Thăng ngay từ phiên xử PVN-PVC đã không ít lần bày tỏ, kiến nghị với HĐXX về việc “gộp 2 vụ án” xử một lần thay vì tách thành 2 lần xử do cùng một tội danh.
“…Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét có mức án phù hợp, nhân văn vì sau vụ án này còn vụ án khác, bởi vì cùng một thời điểm, cùng bị truy tố một tội danh nhưng lại tách ra thành hai vụ án thì “bất lợi” cho bản thân bị cáo”, ông Đinh La Thăng tự bào chữa trong phiên xử ngày 13/1.
Sau đó tại phiên xử ngày 17/1, được nói lời sau cùng, bị cáo Thăng vẫn không quên nhắc lại này. “Kính thưa HĐXX, sau vụ án này, bị cáo phải đối mặt với một án khác cũng xảy ra tại PVN cũng tội Cố ý làm trái trong thời gian bị cáo làm Chủ tịch từ năm 2006-2011. Bị cáo mong HĐXX xem xét đến tình cảnh cụ thể của bị cáo để bị cáo còn đủ thời gian chấp hành án phạt”, ông Thăng nói lời sau cùng.
Tất nhiên, chúng ta đã thấy rõ rằng kiến nghị của ông Đinh La Thăng đã không được HĐXX chấp thuận. Dẫu vậy, vẫn không loại trừ khả năng, trong phiên tòa xét xử 10 ngày tới (19-29/3), ông Thăng sẽ một hoặc nhiều lần nữa nhắc lại kiến nghị này. Bởi nếu bị xử với tội danh này ở phiên tòa thứ 2 thì ông Thăng khó mà có một cái án nhẹ nhàng hơn.
Và như thế, bị cáo Đinh La Thăng khó thực hiện được ước vọng “muốn làm sao chấp hành án trước khi chết được ra tù để chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Nếu có chết thì bị cáo muốn làm ma tự do chứ không phải ma tù”.