Ớn lạnh với những chiêu trò đòi nợ thuê khiến dân nghèo điêu đứng

Google News

Với chiêu bài cho vay tiền “nóng”, cầm đồ,… những đối tượng này đã bắt người vay phải trả lãi suất cao hơn rất nhiều lần so với quy định. Điều đáng nói, mặc dù các cơ sở hoạt động riêng lẻ nhưng chúng luôn cấu kết với nhau để đối phó với lực lượng chức năng.

Sử dụng đối tượng giang hồ xiết nợ
Ngày 22/3, Trung tá Trần Ngọc Tuấn, Trưởng Công an thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 3 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Danh tính các đối tượng gồm: Đặng Anh Dũng (SN 1989), trú tại khối Tân Phú; Đoàn Hỷ (SN 1993), trú tại khối Đồng Tiến, cùng phường Hòa Hiếu và Nguyễn Văn Đàn (SN 1987), trú tại xóm 9, xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa.
Theo hồ sơ vụ án, qua việc theo dõi tình hình trên địa bàn, Công an thị xã Thái Hòa phát hiện những năm gần đây, tình trạng cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản với lãi suất cao diễn ra hết sức phức tạp. Liên tục sau đó, cơ quan chức năng nhận được nhiều đơn thư kêu cứu của người dân địa phương về việc bị các đối tượng “tín dụng đen” xiết nợ bằng tài sản, đòi nợ, gây thương tích...
On lanh voi nhung chieu tro doi no thue khien dan ngheo dieu dung
 Công an thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 3 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Qua xác minh ban đầu, Công an thị xã Thái Hòa xác định, trên địa bàn có hơn 40 tiệm cầm đồ và công ty tài chính đang hoạt động với nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật như thiếu điều kiện thành lập và hoạt động; một số cơ sở cầm đồ hoạt động khi chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT; các công ty tài chính hoạt động cấp tín dụng khi chưa có giấy phép hoạt động của ngân hàng Nhà nước...
Mặt khác, các đối tượng đứng ra thành lập tiệm cầm đồ và công ty tài chính đều là các đối tượng cộm cán, quan hệ phức tạp với nhiều đối tượng có tiền án tiền sự trong và ngoài địa bàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và gây dư luận tiêu cực trong quần chúng nhân dân.
Vì vậy, Công an TX. Thái Hòa đã xác lập chuyên án 319L để đấu tranh với tội phạm cho vay nặng lãi trên địa bàn. Chuyên án do Trung tá Trần Ngọc Tuấn, Trưởng Công an thị xã, Thủ trưởng cơ quan CSĐT làm Trưởng ban. Ngay sau đó, các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm lập tức vào cuộc thu thập chứng cứ, tài liệu về hoạt động “tín dụng đen” này.
Quá trình điều tra, ban chuyên án nhận thấy, nguyên nhân là do không ít người có thói quen tiêu dùng không có kế hoạch, ngại vay vốn tại các tổ chức tín dụng do nhiều thủ tục, giải ngân chậm, hoặc cần tiền sớm,... nên đã bị các đối tượng “tín dụng đen” dụ dỗ. Với chiêu bài vay tiền nhanh, không cần thế chấp, không cần giấy tờ,... rất nhiều người dân đã “sập bẫy”.
“Khó khăn nữa mà ban chuyên án gặp phải đó là hầu hết bị hại đều không hợp tác do sợ bị các đối tượng trả thù. Dù đây là loại tội phạm không mới nhưng liên quan đến hoạt động của các đối tượng cộm cán, xã hội đen có uy tín, quan hệ rộng nên quá trình thu thập tài liệu, vật chứng không hề dễ dàng”, một điều tra viên cho hay.
Bởi nếu không chứng minh được vấn đề lãi suất cho vay và số tiền bất chính thì cơ quan điều tra sẽ gặp khó khăn trong việc kết luận hành vi phạm tội. Ngoài ra, trước đó vào năm 2018, Công an thị xã Thái Hòa cũng đã bắt một số đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nên từ đó nhiều ổ nhóm lui vào hoạt động bí mật chứ không công khai, phô trương thanh thế như thời gian trước.
Thủ đoạn tinh vi
Tuy nhiên, với quyết tâm phá án, ban chuyên án đã tập trung lực lượng xây dựng kế hoạch điều tra, xác minh. Đồng thời tổ chức trinh sát theo dõi, nắm bắt diễn biến hoạt động của các đối tượng, cách thức cho vay, các tài sản đang ở tiệm cầm đồ nghi là tài sản cầm cố,... từ đó dựng lên chân dung các đối tượng nghi vấn.
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ khẳng định hành vi phạm tội, ban chuyên án đã tiến hành bắt giữ 3 đối tượng Đặng Anh Dũng, Đoàn Hỷ và Nguyễn Văn Đàn. Đây là các đối tượng hoạt động cầm đồ nhưng thực chất là cho những người có nhu cầu vay tiền với lãi suất cao. Trong đó, đối tượng Dũng nổi lên là kẻ liều lĩnh, vừa mới đi cai nghiện trở về địa phương
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng thừa nhận lợi dụng vào nhu cầu cần tiền nhanh của các cá nhân, nên đã dụ dỗ họ vay tiền với lãi suất do chúng đưa ra cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất quy định của ngân hàng Nhà nước. Điều đáng nói, dù hoạt động riêng tại các cơ sở khác nhau, thực hiện các giao dịch riêng biệt nhưng giữa chúng có sự cấu kết chặt chẽ với những thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với lực lượng công an.
“Để che mắt cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát hoạt động cơ sở, chúng hạn chế tối đa việc ghi thông tin về lãi suất trên các hợp đồng, giấy tờ cầm cố. Việc dùng phần mềm, bảng excel, điện thoại tổng hợp quản lý số liệu đều có tài khoản, mật khẩu. Nếu dùng sổ sách thì cất giữ trong két sắt, những nơi an toàn, kín đáo, sau khi tất toán thì hủy luôn các giấy tờ, tài liệu liên quan”, một điều tra viên cho biết thêm.
Đặc biệt, khi bị phát hiện hoặc thấy lực lượng chức năng kiểm tra, chúng nhanh chóng tẩu tán, hủy tất cả các tang vật, tài liệu liên quan, gây ảnh hưởng không nhỏ cho quá trình đấu tranh. Tuy nhiên, bước đầu cơ quan chức năng đã làm rõ số tiền các đối tượng sử dụng để cho vay là gần 3 tỷ đồng.
Với mức 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương lãi suất 109,5%/năm. Trong khi lãi suất cho phép tối đa trong giao dịch dân sự theo quy định không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Với mức lãi suất kể trên, hàng tháng, các đối tượng thu lời bất chính gần 300 triệu đồng. Hiện, chuyên án vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng.
Những cái “bẫy” chết người
Với những thủ đoạn hết sức tinh vi, hàng loạt vụ xiết nợ thuê của giới giang hồ trên địa bàn cả nước thời gian qua, theo cảnh báo của một cán bộ phòng 6, cục Cảnh sát Hình sự (bộ Công an), thực trạng hoạt động tín dụng đen hiện nay đã len lỏi khắp các ngóc ngách từ vùng sâu vùng xa đến thị thành.
Các đối tượng dùng hình thức quảng cáo trái phép như quét sơn tại các khu vực công cộng; dán, phát tờ rơi; quảng cáo trên mạng xã hội... với các nội dung dụ dỗ người dân như: “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”, “Alo là có tiền”...
Kèm theo đó là số điện thoại liên lạc với thủ tục nhanh gọn nhận tiền ngay, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần bản photo một số giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy... “Thực chất đó là cái “bẫy” vay tiền với lãi suất rất cao. Đối tượng vay thường là những người có kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất...”, vị này cảnh báo.
Khi đã “sập bẫy”, nhiều con nợ không có khả năng chi trả sẽ đối mặt với những chiêu đòi nợ ớn lạnh. Ngoài việc người vay phải chịu lãi suất "cắt cổ" thì lập tức xuất hiện các đối tượng "đầu gấu", "xăm trổ" đến đòi nợ. Bọn chúng đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình của "con nợ" để đe dọa, đòi thanh toán tiền lãi và nợ gốc.
Có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa viếng, dán cáo phó để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ. Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang, lo ngại trong quần chúng nhân dân. Sau khi thực hiện hành vi, các đối tượng đều nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường, gây khó khăn cho công tác xác minh, xác định đối tượng để xử lý.
Theo nhận định của một điều tra viên, một trong những khó khăn khi xử lý các băng nhóm tín dụng đen là các đối tượng có ghi biên nhận nhưng không ghi lãi suất nên khó đấu tranh, khởi tố. Người dân không dám tố giác vì sợ khủng bố về tinh thần. Tín dụng đen hoạt động hết sức chuyên nghiệp, có nguồn cung cấp tài chính, kẻ đi tiếp thị cho vay, người đi thu gom nợ và các đối tượng hình sự đi xiết nợ... Những người này rất manh động, dùng mọi chiêu trò để đòi nợ cho bằng được, thậm chí có thể giết người.
Theo Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)