Ổ nhóm đánh bạc 10000 tỷ của người Trung Quốc: Bàn giao hay xét xử theo pháp luật Việt Nam?

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư cho rằng, trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Vụ việc lực lượng cảnh sát Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hải Phòng triệt phá thành công nhóm đối tượng người Trung Quốc hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bởi vụ án trên liên quan đến ổ nhóm tượng gồm hơn 380 người Trung Quốc núp bóng trong Khu đô thị Our City, đường Phạm Văn Đồng (phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) để tham tham gia tổ chức điều hành các website tổ chức cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến với các hình thức như cá cược thể thao, dự đoán kết quả xổ số, đánh số lô đề…
Lực lượng cảnh sát bước đầu xác định, số tiền đã giao dịch trên hệ thống mạng đánh bạc là hơn 3 tỷ Nhân dân tệ (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng Việt Nam). Cơ quan Công an đã thu giữ gần 2.000 điện thoại di động thông minh, 533 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt, cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án.
O nhom danh bac 10000 ty cua nguoi Trung Quoc: Ban giao hay xet xu theo phap luat Viet Nam?
 Hiện trường vụ án và một số tang vật bị thu giữ.
Nhóm đối tượng trên là tổ chức tội phạm có phương thức thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, thực hiện trên không gian mạng, được tổ chức trong “vỏ bọc” của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là vụ án với số lượng đối tượng người nước ngoài và số tiền đánh bạc, cá cược trên mạng lớn nhất từ trước đến nay đã được đấu tranh triệt phá tại Việt Nam.
Liên quan vụ án trên, ngày 30/7, cơ quan Công an vẫn đang tiến hành công tác kiểm tra, lưu giữ nhóm đối tượng hơn 380 người Trung Quốc tham gia vận hành hệ thống đánh bạc công nghệ cao trong khu đô thị Our City. Dự kiến khi kết thúc công việc, Bộ Công an, Công an Hải Phòng sẽ bàn giao các đối tượng cho cơ quan chức năng Trung Quốc để xử lý theo quy định.
Vậy việc bàn giao các đối tượng trên cho các cơ quan chức năng Trung Quốc, hiểu thế nào cho đúng?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, tại Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về hiệu lực của Bộ luật hình sự đó là áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
"Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Như vậy, cho dù là người nước ngoài thì vẫn phải bị điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật Việt Nam", Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.
"Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án; Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án", Luật sư Bình cho hay.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, hiện nay Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa ký hiêp định dẫn độ, như vậy căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành thì nhóm người Trung Quốc này sẽ bị xét xử ở Việt Nam.
"Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế", Luật sư Bình cho biết.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)