Nước mắt gái trẻ hoàn lương vướng lao lý vì ma túy

Google News

Người ta nói với chị rằng, bán ma túy tuy nguy hiểm nhưng kiếm được không ít tiền lại không cần vốn lớn, không phải đổ một giọt mồ hôi nào.

Trái mít thật to để ngay giữa nhà. Với con dao sắc bén, chị bổ trái mít ra thành nhiều miếng. Từ những miếng nhỏ ấy, chị cặm cụi lấy ra từng múi, bỏ hạt, sắp gọn trong đĩa xốp rồi bọc giấy kính trông rất đẹp mắt. Ngày làm việc của một cô gái quá nửa chừng xuân bắt đầu...
Tuổi thơ khốn khó
Trước căn nhà cấp 4 trong con hẻm nhỏ trên đường Vĩnh Viễn (phường 4, quận 10, TP.HCM) trưng bày khá nhiều trái cây, được bày biện như một cửa hàng.
Chủ nhân "cửa hàng" này là một người phụ nữ. Chị cao, gầy, gương mặt hiền lành. Cách nói chuyện và giao tiếp với khách hàng của chị rất dịu dàng, thân tình và cởi mở. Chị là Trịnh Ngọc Thúy, 34 tuổi.
Nuoc mat gai tre hoan luong vuong lao ly vi ma tuy
 Thúy đang bổ mít để bán lẻ.
Trịnh Ngọc Thúy mới về tiếp quản căn nhà này được 4 tháng sau khi mẹ chị qua đời. Căn nhà này do mẹ chị mua và ở với người chồng thứ hai trong nhiều năm. Câu chuyện của chị khá dài...
Năm 1996, vừa học xong lớp 6, Thúy nghỉ học. Gia đình chị lúc bấy giờ cư ngụ trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Cư Trinh. Cả 7 người gồm cha mẹ và 4 em trai sống trong căn nhà nhỏ hẹp chưa đầy 20m2.
Khu vực này lúc bấy giờ người ta gọi là khu Mả Lạng. Dân ở đây tứ xứ đổ về, họ sống bằng đủ nghề.
Lúc này cô gái Trịnh Ngọc Thúy mới 13 tuổi, ban ngày Thúy phụ mẹ làm nghề uốn tóc. Tối cô gái trẻ đi bán đậu phụng, thuốc lá dạo ở phố Tây (đường Bùi Viện).
Cuộc sống cứ như thế trôi đi. Từ một đứa trẻ, Thúy lớn lên trong môi trường không ít những chuyện cướp giật, mua bán dâm, ma túy... Điều này ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến suy nghĩ còn non nớt của cô.
Đến 16 tuổi, Thúy không còn đi bán dạo mà về bán bánh mì ngay đầu hẻm. Đồng tiền kiếm được cũng khá nhiều nhưng rất vất vả. Trong khi đó, ở đầu hẻm nơi chị sống, số người bán ma túy cũng không ít.
Bán bánh mì được 3 năm, đến năm 19 tuổi, trong lần nói chuyện với một người chuyên bán ma túy, chị Thúy đã suy nghĩ nhiều. Người ta nói với chị rằng, bán thứ này tuy nguy hiểm nhưng kiếm được không ít tiền lại không cần vốn lớn, không phải đổ một giọt mồ hôi nào.
Thế là một ngày đẹp trời Thúy dẹp hàng bánh mì và bắt đầu lao vào... ma túy.
Một thời ... khu Mả Lạng
Thúy nói: "Khu Mả Lạng nằm lọt trong tứ giác Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Cống Quỳnh, thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM. Trước đây, khu này là nghĩa địa, sau đó chính quyền giải tỏa rồi những người đi kinh tế mới khắp nơi quay về thành phố.
Họ chen chúc sống trong những căn hộ lụp xụp, ẩm thấp. Khu Mả Lạng nổi tiếng về ma túy. Vào thời điểm chuyên án Năm Cam được phát động, tình hình ma túy tại đây càng trở nên phức tạp. Chính quyền địa phương đã bố trí dân quân trực gác ngày đêm ở đầu các con hẻm nhưng cũng không làm giảm tệ nạn.
Sôi nổi và rầm rộ nhất là ở các con hẻm 245 Nguyễn Trãi, 168 Nguyễn Cư Trinh… Những người lạ mặt vào hẻm đều bị những người bán ma túy dễ dàng nhận diện và sẵn sàng "động tay động chân".
Trẻ con, thanh niên mới lớn trong khu Mả Lạng luôn phải đối diện với mưu sinh. Chúng làm bất cứ việc gì để có tiền kể cả ăn cắp và bán ma túy. Đời sống của cư dân trong khu Mả Lạng thời bấy giờ vô cùng hỗn độn.
Nuoc mat gai tre hoan luong vuong lao ly vi ma tuy-Hinh-2
Hẻm 168 Nguyễn Cư Trinh, một thời khét tiếng là nơi buôn bán ma túy. Hiện nay tất cả đã được dọn sạch không còn bóng dáng của cái chết trắng. 
"Con cũng không thoát khỏi và đã lao vào bán ma túy để kiếm sống", Thúy nói. Tuy nhiên, cô mới bán được 4 ngày thì lực lượng an ninh ập vào. Thúy bị bắt với tang vật ma túy trong người.
"Con mang bản án 11 năm và 6 tháng tù giam. Trời đất như sụp đổ. Vào tù lúc 19 tuổi cho đến 30 tuổi ra tù thì đời con còn gì nữa chú ơi?", Thúy nghẹn ngào kể lại.
Thúy được đưa đến một trai giam trên Tây Nguyên. Những ngày đầu, chị thật sự bỡ ngỡ với cuộc sống mới. Xung quanh chị tất cả đều xa lạ, không một người thân thích.
Thúy kể: "Con được bố trí công việc bóc vỏ hạt điều bằng máy. Việc không nặng lắm và mức khoán cũng không cao.
Được hơn một năm, một đợt thăm nuôi nọ con bất ngờ được kêu tên. Lúc này, mẹ con đi cùng một người đàn ông khác lên thăm. Mẹ cho biết, ba con cũng bị bắt sau đó cùng một tội danh như con.
Căn nhà ở Mả Lạng bây giờ chỉ còn 4 đứa em ở vì mẹ con mua được căn nhà khác để sống chung với người tình mới. Đó là lần thăm đầu tiên và cũng là duy nhất của mẹ dành cho con trong suốt thời gian con bị giam".
Nói đến đây, giọng Thúy chùng xuống, chị kể tiếp: "Sau đó con được chuyển sang công việc khác là cào vỏ lụa hạt điều, rồi đi làm cỏ điều. Một thời gian sau, con được đưa sang phân trại khác chuyên về cao su.
Sau một khóa huấn luyện 15 ngày, con trở thành thợ cạo mủ. Hàng ngày, con phải dậy từ 4 giờ sáng cạo khoảng hơn 1.000 gốc cao su đến 9 giờ thì nghỉ. 11 giờ bắt đầu đi trút chén, gom mủ.
Công việc đó kéo dài đến tận 10 năm. Lắm lúc nghĩ lại con thấy hối hận vô cùng. Chỉ vì ham tiền con đã không nghĩ đến hậu quả, giờ đây cũng chính là lúc con phải trả giá...".
Thúy tiếp tục câu chuyện của mình: "Con chỉ mong sớm có ngày về. Lúc này, ban chỉ huy trại nhận xét con có nhiều cố gắng nên đã đề nghị cho con được giảm án. Tháng 8/2011, con được đặc xá để đoàn tụ với gia đình".
Đã qua tuổi 30, Thúy lo ngại: "Ai mà thương con hả chú? Lúc bị bắt con mới có 19 tuổi. 10 năm trong trại xung quanh toàn là nữ có bóng dáng đàn ông nào để quen? Đến giờ này, con đã 34 tuổi rồi nhưng vẫn chưa có mối tình vắt vai".
Ngày ra trại, Thúy về thì nhà đã bán. Lúc này chị mới biết, sau khi ba chị được giảm án trở về, thấy vợ có chồng khác ông sinh ra buồn bực. Ông bán nhà đi tìm duyên mới. 4 đứa em chị mỗi đứa một nơi. Rồi ông cũng mất vài năm sau đó.
Chị về tá túc nhà người bạn ở Cây Da Xà (quận Bình Tân, TP.HCM). Hàng ngày chị đi bán bánh bò, bánh tiêu kiếm sống suốt 4 năm. Trong khi đó, em chị người làm ở nhà hàng, người chạy xe ôm. Người em út đang học ngành công nghệ thông tin ở một trường đại học.
Tháng 12/2016, mẹ chị mất. Căn nhà được giao lại cho mấy chị em Thúy. Hàng ngày, chị mở cửa hàng bán hoa quả tại nhà. Bà con trong xóm biết chuyện thương tình nên ủng hộ rất nhiều. Nhờ vậy chị có tiền để sinh sống và nuôi em.
"Giờ đây, con tạm hài lòng với cuộc sống hiện tại. Con có nhà để ở, có việc để làm. Chỉ mong sao, lớp trẻ bây giờ tránh xa những cám dỗ để không phải vướng vào vòng lao lý như con", Thúy nói với tôi trong nước mắt ...
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)