Nữ quái mua bán hóa đơn nghìn tỷ: Đối mặt án phạt 5 năm tù… quá nhẹ?

Google News

Vụ “nữ quái” ở Hà Nội lập 28 doanh nghiệp “ma” để thực hiện mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng đến hơn 1.553 tỷ một lần nữa cho thấy mức phạt cao nhất của tội danh này chỉ 5 năm tù là không đủ sức răn đe.

Mức án cao nhất 5 năm tù
Ngày 21/3, Cơ quan CSĐT Công TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Hạnh (SN 1985; ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng 4 đối tượng khác để điều tra hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. 
Nu quai mua ban hoa don nghin ty: Doi mat an phat 5 nam tu… qua nhe?
Đường dây do Lê Thị Hạnh (người phụ nữ quấn khăn trên đầu) cầm đầu.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Lê Thị Hạnh cầm đầu đường dây trên vốn là chủ cửa hàng bán phụ tùng xe máy tại "chợ Giời" (Hà Nội). Hạnh đã cấu kết với các đối tượng, sử dụng 28 công ty “ma” để thực hiện mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, trong đó có cả hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử.
Sơ bộ điều tra xác định, nhóm đối tượng đã thực hiện mua bán trái phép 48.629 hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy, tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn bước đầu được xác định là hơn 1.553 tỷ đồng, thuế VAT là trên 155,3 tỷ đồng.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, Lê Thị Hạnh được xác định đã cùng các đồng bọn đã thực hiện việc mua bán hơn 48.000 hóa đơn với giá trị cực lớn thông qua 28 công ty "ma".
Theo luật sư Tùng, hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, hóa đơn là một loại chứng từ ghi nhận viêc mua bán, kinh doanh của doanh nghiệp, là cơ sở để nộp thuế và xác định nguồn gốc, xuât xứ của sản phẩm.
Do đó, các hành vi làm sai lệch các thông tin trên hóa đơn, mua bán hóa đơn, lập khống hóa đơn... là những hành vi vi phạm pháp luật bởi sự ảnh hưởng của chúng đến việc quản lý của các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, hành vi mua bán hóa đơn là hành vi vi phạm pháp luật và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều Điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Mức án cao nhất mà các đối tượng trên phải đối mặt là phạt tù đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Mức phạt chưa đủ sức răn đe
Thời gian qua, tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế vẫn có chiều hướng gia tăng. Điều này cho thấy một thực tế, mức phạt theo quy định đối với tội danh này hiện vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Một con số thống kê từ Tổng cục Thuế cho thấy, từ năm 2017-2019, ngành Thuế đã phát hiện trên 7.400 doanh nghiệp mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, truy thu gần 200 tỷ tiền thuế. Năm 2019 là 135 vụ và năm 2020 là 162 vụ có dấu hiệu vi phạm. Đến nay, tình trạng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng tiếp tục đến mức báo động khi các sự việc được phanh phui, các đường dây bị triệt phá đều có con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Nu quai mua ban hoa don nghin ty: Doi mat an phat 5 nam tu… qua nhe?-Hinh-2
 Tang vật vụ án.
Điển hình mới đây là vụ Công an tỉnh An Giang khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can trong đường dây mua bán hóa đơn GTGT khống để trốn thuế. Đáng chú ý, trong đó có 3 cán bộ chi cục thuế tại An Giang do đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp mua hóa đơn GTGT khống để hưởng lợi bất chính trên 600 triệu đồng. Các bị can khác bị khởi tố về hành vi mua và sử dụng hóa đơn GTGT khống để trốn thuế. Đường dây này gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng.
Tháng 9/2020, Công an TP. Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với đại gia Ngô Văn Phát (SN 1964, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xăng dầu Phát) về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn”. Doanh nghiệp này có giao dịch lên đến 5.000 tỷ đồng. 
Đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy thủ đoạn tinh vi của các doanh nghiệp trong việc lập ra các công ty “ma” để thực hiện các hành vi trái pháp luật mua bán trái phép hóa đơn.
Việc mua bán hóa đơn GTGT khống của các doanh nghiệp thông thường thể hiện qua các hành vi lập khống các hóa đơn các giao dịch không có thật trên thực tế hoặc có giao dịch những nội dung của các hóa đơn không có thực toàn bộ hoặc một phần để cho tổ chức khác lập khi bán hàng mà khi hạch toán, kê khai nộp thế cho ngân sách nhà nước nhằm mục đích hợp pháp hóa các hàng hóa, dịch vụ của mình không có hóa đơn chứng từ để bán hàng nhằm gian lận trốn thuế hoặc không kê khai số thuế phải nộp.
Nhằm ngăn chặn việc mua bán hóa đơn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế thành lập Ban chỉ đạo ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành, bán hoá đơn bất hợp pháp, triển khai tăng cường các biệp pháp quản lý, ngăn chặn và phát hiện, xử lý doanh nghiệp vi phạm in, phát hành, bán hoá đơn bất hợp pháp.
Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác chỉ đạo tiếp tục tổ chức nhận dạng doanh nghiệp, nắm bắt hành vi, cách thức để lập danh sách người nộp thuế có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn.
Tuy nhiên nhiều ý kiến chuyên gia pháp luật cho rằng, để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp “ma” mua bán trái phép hóa đơn, ngoài việc các cơ quan chức năng vào cuộc, cũng cần phải bổ sung, nâng cao mức phạt đối với các hành vi này. Bởi trục lợi lớn mà mức án cao nhất chỉ có 5 năm tù sẽ không đủ sức răn đe.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát

Nguồn: VTV TSTC

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)