Liên quan đến vụ việc chủ quán bánh xèo miền Trung bạo hành hai nhân viên, mới đây, Công an huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đã nhanh chóng làm rõ và ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 34 tuổi ở huyện Nghĩa Tư, tỉnh Quảng Ngãi, chủ quán bánh xèo miền Trung ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong về hành vi “Hành hạ người khác”.
Tại cơ quan Công an, Tuyết đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Những lời khai về hành vi bạo hành, tra tấn nhân viên của Tuyết khiến không ít người rùng mình, phẫn nộ.
|
Nguyễn Thị Ánh Tuyết tại cơ quan công an. |
Theo lời khai của Tuyết, nữ chủ quán đã đánh cháu Trương Quang Duy (14 tuổi) và Võ Văn Đức (Quảng Ngãi) khi cho rằng 2 nhân viên này lười, ở bẩn, hay ăn vụng đồ ăn.
“Kêu cháu đi ra phía sau làm, cháu lại không làm. Cháu chống đối lại nói rằng cô chú bảo làm đến khi nào xong việc thì thôi. Em nói làm lẹ lên nhưng cháu chống đối. Em mới dùng cây ống nước, em uýnh vào lưng, tay cháu. Sau đó cháu vẫn không nghe. Bức xúc quá nên em lấy cái chày đâm tiêu bằng đá, em kêu cháu bỏ 2 tay xuống đất, đánh vào 2 tay, cháu không nói năng gì em lại lấy cây cọ chà nhà vệ sinh đánh, chọc vô mắt, sau đó chọc vô tai rồi đánh 2 bên chân cháu nữa” – Nguyễn Thị Ánh Tuyết khai nhận hành vi đánh cháu bé.
Đáng chú ý, để tránh bị phát hiện và giữ chân được Duy, Đức làm việc cho mình, Tuyết đã bắt hai nhân viên làm việc quần quật từ 7h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau, không trả lương, không cho ăn cơm và không được gặp gỡ, giao tiếp với người ngoài.
Mỗi khi tức giận, Tuyết lại lôi nhân viên vào phía sau nhà đánh đập bằng những dụng cụ làm bếp như bàn chải sắt đánh vảy cá, dao, chày giã tiêu, xẻng xúc bánh…
Những hành vi bạo hành của Tuyết đối với hai nhân viên khiến dư luận phẫn nộ. Đồng thời, thương cảm với hoàn cảnh của hai cháu nhỏ. Rời quê hương từ Quảng Ngãi đến Bắc Ninh xin làm thuê tại quán bánh xèo miền Trung ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, những tưởng được đồng hương cưu mang, giúp đỡ, cậu bé Trương Quang Duy, 14 tuổi ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đâu ngờ, 2 tháng làm việc ở đây là những chuỗi ngày kinh hoàng khi bị bóc lột sức lao động và hứng chịu những trận đòn roi như thời trung cổ, thậm chí còn phải ăn đồ ăn thừa của khách.
Không chỉ có Duy bị chủ quán hành hạ, Võ Văn Đức, 21 tuổi ở huyện Nghĩa Tư, tỉnh Quảng Ngãi nhân viên làm việc cùng Duy cũng bị đánh đến mức gãy ngón chân, xây xát khắp cơ thể.
Theo lời cháu Trương Quang Duy: “Bà chủ đánh em 1 tháng nay rồi, lấy chày đập đá đập vào đầu, vào chân; lấy dĩa bánh xèo nóng dí vào tay chân, em van xin nhưng bà chủ không tha". Em Võ Văn Đức kể lại: "Mỗi lần đánh là 1 lần đau, làm không nổi thì bà ấy lại đánh".
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt khẩn cấp nữ chủ quán bánh xèo tra tấn nhân viên:
Nguồn: Công an tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó, vào khoảng 21h ngày 21/11/2020, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Yên Phong phát hiện một cháu bé tại khu vực Chùa thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong có biểu hiện bất thường. Sau khi đưa về trụ sở Công an huyện, cháu bé cho biết tên là Trương Quang Duy, quê quán Thuận Hòa, Thành Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.
Tháng 9/2020, Duy được anh ruột đưa ra Yên Phong làm thuê tại quán bánh xèo do vợ chồng Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1986, quê quán Phú Mỹ, Nghĩa Mỹ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) và Ngô Thanh Vũ (sinh năm 1985 ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ, thuê địa điểm kinh doanh tại Ấp Đồn, Yên Trung, Yên Phong, Bắc Ninh. Trong quá trình làm việc tại quán, cháu Duy bị Tuyết đánh đập nên chiều 21/11/2020, Duy đã bỏ đi khỏi quán.
Thượng tá Nguyễn Huy Chiêu – Phó trưởng công an huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) cho biết: "Chúng tôi xác định đây là 1 vụ việc phức tạp, liên quan đến trẻ em nên sẽ tăng cường các biện pháp điều tra, trưng cầu giám định đối với các nạn nhân để làm căn cứ xử lý đối tượng Tuyết sau này".
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định vụ việc có dấu hiệu của tội hành hạ người khác, theo điều 140 Bộ luật Hình sự, hành vi này có thể bị xử phạt lên đến 3 năm tù. Không những thế, chủ quán bánh xèo còn có thể đối diện với tội danh sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi với mức phạt lên đến 200 triệu đồng.
Qua thời gian, những vết thương trên cơ thể các em dần dần có thể lành lại nhưng những vết thương về tinh thần sẽ rất khó để chữa lành. Nguyễn Thị Ánh Tuyết sẽ nhận được bản án thích đáng về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Đây cũng là bài học răn đe cho những đối tượng coi thường tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác.
Hiện Công an huyện Yên Phong đang tiến hành giám định thương tích, hoàn thiện hồ sơ để xử lý đối tượng trước pháp luật.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, hành vi của nghi phạm Tuyết đối với cháu bé trong suốt thời gian dài là rất tàn ác, xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ. Hành vi của nghi phạm đã trực tiếp xâm hại đến quyền được bảo hộ về thân thể, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị lệ thuộc đã cấu thành tội Cố ý gây thương tích và tội Hành hạ người khác. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 134 và điểm a, Khoản 2 Điều 140 BLHS.
Trong đó, hành vi của nghi phạm đã đánh đập cháu bé bằng các hung khí nguy hiểm đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe là khách thể cao nhất nên cần thiết phải xem xét xử lý cả về tội Cố ý gây thương tích. Tỷ lệ thương tích của cháu càng cao thì nghi phạm càng phải chịu trách nhiệm tương ứng với định khung tăng nặng theo quy định tại Điều 134 BLHS. Trường hợp tỷ lệ thương tích của cháu bé dưới 11% thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm theo Khoản 1 Điều 134 BLHS là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Đối với hành vi Hành hạ người khác được thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác với người bị lệ thuộc vào người phạm tội. Hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như: đánh đập, giam hãm không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm,… Tuy nhiên, nếu việc hành hạ đó còn gây thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân thì nghi phạm còn phải chịu trách nhiệm về khách thể cao hơn đó là xam phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS.
Đây là vụ việc xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trẻ em là người yếu thế, là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ mà nghi phạm lại đang tâm đánh đập, hành hạ cháu bé trong suốt thời gian dài như thời nô lệ là điều không thể bao biện và chấp nhận được trong xã hội văn minh.