Một thông tin đang được dư luận quan tâm liên quan vụ nổ súng 2 người chết ở Nghệ An chính là việc nghi phạm Cao Trọng Phú (SN 1962, trú tại xóm 7, xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An) nghi bị ngáo đá và hoang tưởng. Thông tin này được Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cung cấp khi trao đổi với báo chí.
Theo đại tá Hùng, ông Phú thời gian gần đây có biểu hiện hoang tưởng, ngáo đá, nhiều lần lấy dao đâm phía dưới xe vì nghĩ rằng có người đang lẩn trốn, khi nào trong tâm lý cũng lo sợ vì nghĩ rằng có người muốn giết mình. Thời điểm nhóm 4 người đến trước cổng nhà, ông Phú cho rằng nhóm người này đến để giết mình nên đã nổ súng và làm 2 người chết.
Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp Phú ngáo đá và hoang tưởng có thuộc giết người trong trạng thái tâm lý bị kích động, không có chủ đích từ trước, liệu có được giảm tội từ khung tử hình xuống mức thấp hơn? Trường hợp Phú biết các đối tượng và chủ đích nổ súng bắn chết người do mâu thuẫn sẽ bị xử thế nào?
|
Nghi phạm Phú tại cơ quan công an. |
“Ngáo đá” giết người không phải là tình tiết giảm nhẹ
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, dù nguyên nhân mâu thuẫn thế nào đi nữa, việc đối tượng Phú sử dụng súng K59 bắn chết 2 người sẽ bị xem xét xử lý về hai tội danh là tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015.
Với tội danh giết hai người trở lên, Phú sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự.
Luật sư Cường cho rằng, quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ 4 người đến nhà Phú có mang theo hung khí, vũ khí hay không, có đe dọa, uy hiếp tinh thần của Phú hay không?
Tại thời điểm thực hiện hành vi nổ súng vào 2 nạn nhân, tính mạng của Phú có bị đe dọa hay không để xác định hành vi của Phú có thuộc trường hợp phòng vệ, tự vệ, tình thế cấp thiết hay không? Có căn cứ để xử lý về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không?
|
Xe bọc thép được điều đến hiện trường. (Ảnh Truyền hình Nghệ An) |
Trường hợp không có căn cứ cho thấy 4 người đã đe dọa uy hiếp tinh thần, tính mạng của đối tượng Phú nhưng vì nóng giận, bực tức mà Phú đã sử dụng súng để bắn vào nhóm người này, hành vi của Phú là giết người và còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “có tính chất côn đồ”. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ để xác định tội danh và làm cơ sở áp dụng mức hình phạt khi tòa án xét xử vụ án này.
Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi bắn súng của Phú, mục đích nổ súng của nghi phạm này nhằm sát hại nạn nhân nào? Trường hợp Phú nổ súng bắn thẳng nhóm 4 người khiến 2 người tử vong, những người còn lại chạy thoát thì những người thoát nạn cũng sẽ là người bị hại trong vụ giết người này. Bởi các nạn nhân chạy thoát nằm ngoài ý chí chủ quan của đối tượng gây án.
Trường hợp vị trí đứng của những người chạy thoát không cùng hướng, vị trí với 2 nạn nhân đã chết, Phú không có mục đích bắn chết 2 người chạy thoát thì chỉ có 2 người đã tử vong được xác định là nạn nhân trong vụ giết người.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi của hai người đã chạy thoát khỏi hiện trường vụ án. Nếu có căn cứ cho thấy những người này đến để đòi nợ, gây sự, đánh nhau, những người này có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản hoặc tội gây rối trật tự công cộng nếu hiện trường vụ án được xác định có phần là nơi công cộng.
Còn trường hợp sự việc không xảy ra nơi công cộng, cơ quan điều tra không chứng minh được có hành vi đe dọa, uy hiếp của hai người này với Phú nhằm chiếm đoạt tài sản của đối tượng Phú thì không có cơ sở để xử lý hình sự đối với hai người này.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ hành vi của cả hai bên để đánh giá tính chất mức độ của hành vi phạm tội đồng thời làm cơ sở để xác định đúng, sai, làm căn cứ để xử lý đối với từng đối tượng theo quy định của pháp luật.
Sẽ mở rộng điều tra sai phạm
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ mở rộng điều tra về mối quan hệ và làm ăn của hai bên, nếu phát hiện ra có những hành vi vi phạm pháp luật khác thì cũng sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ khi Luật đầu tư năm 2021 có hiệu lực pháp luật thì dịch vụ đòi nợ đã bị cấm hoạt động. Bởi vậy nếu trường hợp nhóm bốn đối tượng này đi đòi nợ thuê, đây là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu như cơ quan điều tra có căn cứ xác định các đối tượng đến nhà đối tượng Phú là để đòi nợ thuê thì sẽ xem xét xử lý về hành vi này.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định khẩu súng mà đối tượng Phú đã sử dụng để sát hại hai nạn nhân. Trong trường hợp kết luận của cơ quan chức năng xác định khẩu súng gây án là súng quân dụng thì đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự thêm 1 tội danh nữa là tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015. Mức hình phạt sẽ là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Trong trường hợp bị xử lý về hai tội danh là tội giết người và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình. Nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân, hình phạt chung sẽ là tù chung thân; nếu cả hai tội danh đều là tù có thời hạn, mức hình phạt tù sẽ không quá 30 năm.
Nói về thông tin, nghi phạm Phú thời gian gần đây có biểu hiện hoang tưởng, ngáo đá, luật sư Cường cho rằng, dưới góc độ luật pháp, “ngáo đá” có thể khiến người sử dụng ma túy gây các tội ác trong tình trạng loạn thần nặng nhưng không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật đã có quy định về trường hợp người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và “ngáo đá” cũng không ngoại lệ.
Luật sư Cường cho rằng, đây là một vụ án gây rúng động dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, sự việc một lần nữa cho thấy nguy cơ mất an toàn trong xã hội khi các đối tượng cộm cán, có số mà tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và động viên các đối tượng đang tàng trữ trái phép vũ khí giao nộp cho cơ quan chức năng để phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ nổ súng trường gà ở Tiền Giang: 1 người tử vong
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp 1.