Sáng nay (28/2) phiên xét xử thứ hai Hà Văn Thắm và đồng phạm trong đại án kinh tế tại ngân hàng Oceanbank đã bắt đầu.
|
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xét xử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN). |
Ocean Bank chi lãi ngoài hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa xét xử ngày thứ hai đại án Hà Văn Thắm: trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, từ việc thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng huy động vốn, Hà Văn Thắm và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Dương hơn 1.576 tỷ đồng. Số tiền này dùng để chi lãi ngoài cho khách hàng trên toàn hệ thống Oceanbank.
Do cần huy động tiền vốn nên Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc Oceanbank) đã đề ra chủ trương chi lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền trên toàn bộ hệ thống Oceanbank. Ngoài mức lãi suất tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng khi gửi tiền tại Oceanbank (từ 1 tỷ đồng trở lên) sẽ được nhận một khoản lãi suất ngoài. Khoản lãi suất này không được thể hiện trong hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm khách hàng đã ký với OceanBank mà được chuyển thẳng cho khách hàng – thông tin báo Tuổi Trẻ đưa.
Theo điều tra, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến tháng 11/2014, có tới trên 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại ngân hàng Oceanbank và nhận các khoản tiền chi lãi ngoài.
Hàng loạt sếp ngân hàng hầu tòa
Trong đại án xảy ra tại Oceanbank, có 34 bị can nguyên là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch, đã tiếp nhận chủ trương từ lãnh đạo Oceanbank để thực hiện chi tiền ngoài lãi suất huy động cho khách hàng, vi phạm quy định của Ngân hàng nhà nước về trần lãi suất huy động gây thiệt hại cho Oceanbank.
Điều đáng nói là ngoài 34 bị can, còn có 227 cán bộ ngân hàng đã có chung hành vi tiếp nhận chủ trương chi trả lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền. Trong đó, có 6 người là giám đốc phòng giao dịch có hành vi chi lãi ngoài trái quy định gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/cá nhân. Có 17 đối tượng là giám đốc phòng giao dịch có hành vi chi lãi ngoài trái quy định gây thiệt hại từ 100-300 triệu đồng/cá nhân. Có 204 Phó giám đốc, nhân viên các chi nhánh/Phòng giao dịch có hành vi chi trả lãi ngoài gây thiệt hại trên 100 triệu đồng trở lên/cá nhân.
Sau khi điều tra phân tích đánh giá về vai trò, vị trí thấy diện đối tượng này có số lượng lớn, những cá nhân này là cấp dưới thực hiện theo chỉ đạo từ các giám đốc chi nhánh không phải Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu hay lãnh đạo Hội sở; những sai phạm về chi lãi ngoài hợp đồng thì 34 người chịu trách nhiệm chính là Giám đốc các chi nhánh/Phòng giao dịch đã được khởi tố điều tra. Cơ quan điều tra cho rằng nếu khởi tố, xử lý hình sự hết 227 đối tượng nêu trên thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống của Oceanbank trong giai đoạn tái cơ cấu.
Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao thống nhất không xem xét trách nhiệm hình sự của các đối tượng nêu trên mà yêu cầu xử lý nghiêm về mặt hành chính và liên đới bồi thường một phần thiệt hại.
Tạm đình chỉ vụ án đối với một nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank
Ngay khi khai mạc phiên xử đầu tiên ngày 27/2, thông tin được các thư ký phiên tòa gửi tới HĐXX là trong số 48 bị cáo được triệu tập tới tòa án vắng mặt bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1975) - nguyên Phó tổng Giám đốc Oceanbank.
Lý do khiến nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank không đến tòa là do đang phải điều trị ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Theo cung cấp của bệnh viện Bạch Mai ngày 24/2, bị cáo Phương đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu, sức khỏe yếu, không thể tham gia phiên tòa được.
Trong quá trình điều tra vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, bị cáo Phương thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp, cung cấp nhiều tài liệu cho cơ quan điều tra phục vụ án nên cần được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Thời điểm bản cáo trạng được hoàn tất, cựu Phó Tổng giám đốc Oceanbank được xác định đang mắc bệnh hiểm nghèo. Sau khi hội ý, HĐXX thấy rằng, bị cáo Phương bị ung thư từ giai đoạn điều tra, đã mổ và xạ trị nhiều lần. Hiện bị cáo đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. HĐXX quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Phương.
Vụ án sẽ được tiếp tục xét xử khi lý do tạm đình chỉ vụ án không còn.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương bị truy tố tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3, Điều 165 - BLHS.