San hô ở Hòn Mun sụt giảm nghiêm trọng
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Tổng diện tích khoảng 160km2, bao gồm 122km2 vùng nước xung quanh các đảo.
Trong đó, Hòn Mun là vùng bảo vệ nghiêm ngặt vì ở đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam. Nơi đây được ví như thiên đường san hô với hệ sinh thái đặc biệt quý hiếm, ít nơi nào có được.
Những tưởng sau một thời gian du lịch bị ngưng trệ do Covid-19, các hệ sinh thái san hô tại khu vực này được hồi sinh vì không có tác động của con người. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi du lịch mở cửa, nhiều du khách trong và ngoài nước trở lại Nha Trang đi các tour lặn biển, ngắm san hô tỏ ra tiếc nuối vì chứng kiến các rạn san hô trong vịnh Nha Trang đã chết hàng loạt, chỉ còn cảnh hoang tàn, xơ xác.
|
Cảnh hoang tàn, xơ xác ở rạn san hô tại vịnh Nha Trang (Ảnh: Minh Châu). |
Ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang thừa nhận về tình trạng có sự suy giảm hệ sinh thái san hô ở Hòn Mun.
"Theo các nhà khoa học của Viện Hải Dương học Nha Trang, có nhiều nguyên nhân gây suy giảm độ phủ và diện tích rạn san hô vịnh Nha Trang như bão, biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng lên…" - ông Thái nêu.
Nói về nguyên nhân thiên tai, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang cho hay một số khu vực có rạn san hô phong phú đa dạng như Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và Đông bắc Hòn Tre bị thiệt hại nặng nề đến 70-80% sau cơn bão số 12 Damrey tháng 11/2017.
Năm 2019, san hô bị tẩy trắng một số khu vực trên vịnh do nhiệt độ nước biển tăng. Qua 3 năm đã có dấu hiệu hồi trở lại tuy nhiên, đến cuối năm 2021 khu vực trên tiếp tục bị ảnh hưởng của cơn bão số 9/2021 làm gãy đổ và bị sóng đánh lên bờ tới 70% diện tích phân bố rạn san hô.
Ông Thái bác bỏ nhận định Khu Bảo tồn biển Hòn Mun có hành vi "bán bãi", "đánh bắt tuyệt diệt" dẫn đến tình trạng hệ sinh thái san hô bị "chết dần, chết mòn".
Cần cả triệu năm để hình thành một rạn san hô
Khi xem những hình ảnh chụp ở đáy biển Hòn Mun, PGS.TS Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang tỏ ra bất ngờ, xót xa vì không thể tin được một quần đảo san hô quý hiếm, đẹp nay bị chết dần xóa trắng.
"Để hình thành một rạn san hô cần đến hàng nghìn, thậm chí cả triệu năm. Do vậy việc san hô bị chết hàng loạt như hiện nay chắc chắn rất khó phục hồi, mà có được cũng mất rất nhiều thời gian, tiền bạc" - PGS.TS Nguyễn Tác An nhấn mạnh.
|
Theo PGS.TS Nguyễn Tác An để hình thành một rạn san hô cần đến hàng nghìn, thậm chí cả triệu năm (Ảnh: Minh Châu). |
PGS.TS Nguyễn Tác An nhận định, những nguyên nhân cơ quan quản lý phân trần san hô chết vì thiên tai, địch họa… đều đúng. Tuy nhiên còn một nguyên nhân vô cùng lớn là do sự tác động mạnh từ con người.
"Vịnh Nha Trang nói chung và hệ sinh thái san hô trong vịnh đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế. Hàng loạt công trình lấn, lấp biển đã làm các rạn san hô biến mất, điều này rất có hại cho tương lai" - PGS.TS Nguyễn Tác An đưa ra ý kiến.
PGS.TS Nguyễn Tác An cho rằng cần có một đánh giá khách quan, khoa học về nguyên nhân thực sự của việc san hô chết hàng loạt ở Hòn Mun để từ đó có chính sách bảo tồn và phát triển.
Bên cạnh đó, cần dừng ngay việc khai thác tài nguyên biển khu vực trong vịnh Nha Trang, kiểm soát chặt các dự án san lấp biển để làm sạch khu vực. "Đây là vấn đề nghiêm trọng và cần cơ quan quản lý vào cuộc, đồng thời chọn giải pháp tối ưu để bảo vệ các rạn san hô chưa bị hoặc bị ảnh hưởng ít hơn". - ông An nhấn mạnh.