“Người nhện”… vào vụ
Gần một tháng qua, nhóm công nhân của công ty anh Nguyễn Văn Tâm (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vệ sinh kính bên ngoài tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. Tòa nhà 34 tầng, nằm bên sông Hàn với thiết kế hình xoáy phủ tấm áo kính màu xanh biếc từ dưới lên trên. Đội thợ chín người, ba người đứng trên đỉnh tòa nhà đảm nhiệm việc thả dây, sáu người vệ sinh trực tiếp.
Dưới mặt đất còn có thêm người giám sát. Anh Tâm nói tòa nhà nằm ven sông, hứng nhiều gió, lại thiết kế hình tròn nên phải tính toán hướng gió rất cẩn trọng mới cho công nhân thả dây làm việc. Nếu làm trái chiều gió, những “người nhện” sẽ bị thổi bạt đi. Rồi nước, hóa chất cũng sẽ bị đẩy ngược lại làm bẩn những ô đã vệ sinh.
Từ sân thượng, sáu công nhân được “thả” xuống. Trên mình tòa nhà đồ sộ, trông từ xa họ chỉ là những chấm nhỏ li ti. Từng người lấy dụng cụ ra tẩy rửa ô kính bằng hóa chất, vệ sinh bằng xà phòng cẩn thận, tỉ mỉ cho sạch các vết bẩn. Cuối cùng rửa lại bằng nước sạch. Cứ thế, làm tới đâu cuốn chiếu tới đó. Sau gần một tháng, toàn bộ mặt kính bên ngoài của tòa nhà được “tắm rửa” sạch sẽ, sáng bóng.
Anh Tâm kể thêm, năm nào cũng vậy, cứ dịp cuối năm là các tòa nhà cao tầng lại được vệ sinh để đón Tết. Những tòa cao tầng, diện tích lớn thường đặt sớm hơn. Đội “người nhện” của anh những ngày này đang “chạy sô” tại các tòa nhà ngân hàng, khách sạn... Hầu hết đều trên 20 tầng, phải bố trí đội công nhân tầm 10 người mới có thể triển khai công việc.
“Làm việc ngoài trời nên ít khi nói trước được thời gian hoàn thành, mọi thứ đều phải “trông trời”. Thời tiết nắng ráo sẽ làm liên tục, còn mưa to, gió lớn phải thu dây thôi!”, anh chia sẻ.
Có năm, nhiều “người nhện” đến chiều 29, 30 tháng Chạp mới “tiếp đất” để về nhà ăn Tết. Công việc dồn dập, đầy nguy hiểm nhưng cũng đem lại cho họ một mức thu nhập kha khá. “Tùy theo công trình, mỗi ngày chúng tôi nhận được khoảng 600.000 - 1.000.000 đồng”, một công nhân chia sẻ.
Trụ được vì yêu nghề, mê mạo hiểm
Giữa chiều, gọi điện cho anh Phạm Bửu Tín (30 tuổi, quê Quảng Nam), anh gấp gáp: “Trời mưa quá, tôi đang thu dây cho mọi người nghỉ, không nói chuyện được”. Cả ngày trời nắng ráo, mọi người miệt mài lau kính tại một tòa nhà ở trung tâm thành phố, bỗng nhiên chiều lại đổ mưa làm công việc dở dang.
|
Cuối năm là thời điểm công nhân lau kính tất bật vì nhu cầu làm sạch đẹp các tòa nhà.
|
Từ hồi còn là sinh viên, anh Tín đã đi làm thêm công việc lau kính phía trong nhà, sau đó dần tập lau bên ngoài, tiếp xúc với những công trình một, hai tầng. Thấy công việc này cũng ổn nên anh đi học các khóa đào tạo về đu dây tiếp cận để có chứng chỉ hành nghề.
“Khi ra làm thực tế, mấy đợt đầu tôi cũng bị ngợp, choáng với độ cao. Nhưng dần dần rồi quen. Đến nay anh đã có gần 10 năm làm “người nhện”. Tòa cao nhất tôi làm là 48 tầng”, anh nói. Với anh, để tiến hành lau kính một tòa nhà, công đoạn chuẩn bị là quan trọng nhất. Đầu tiên là định hướng gió để khi làm sẽ làm theo chiều gió, rồi xác định vị trí buộc neo, thả dây. Một dây buộc vào người và một dây cứu sinh dùng khi có sự cố.
Buộc dây xong mọi người sẽ thắt ghế ngồi. Sau đó công nhân mang theo dụng cụ hít kính, khăn, xô, hóa chất...tiến hành vệ sinh. Mỗi điểm tiếp cận của “người nhện” trên mình tòa nhà đều được giám sát và thông báo qua bộ đàm để người thả dây điều chỉnh.
Anh Tín kể cũng từng gặp nhiều phen nguy hiểm như trời nổi gió to, mọi người đang cheo leo giữa lưng chừng tòa nhà. Tình huống này không thể lên hay xuống được. Chỉ còn cách lấy dụng cụ hít kính bám chặt vào kính, cứ bám như vậy cho đến khi gió qua đi. Ở những công trình ven biển, gió rất kinh hoàng.
Làm nghề nguy hiểm như vậy, anh có bị gia đình ngăn cản không? Anh Tín cười, bảo hồi mới bắt đầu, anh giấu cả nhà không cho ai biết. Đến khi có chứng chỉ, làm thành thạo rồi mới dám khai. Đồng nghiệp của anh cũng toàn người trẻ, vì yêu thích công việc này mới gắn bó chứ không hẳn chỉ vì mưu sinh.
“Chúng tôi còn có chút đam mê mạo hiểm trong người nữa. Cảm thấy rất thích thú khi chinh phục những tòa nhà cao tầng và làm sạch đẹp nó”, anh chia sẻ.
Còn anh Hữu Tùng (27 tuổi), gần 5 năm làm “người nhện”, bộc bạch chưa khi nào chán nản với công việc này.
Hai năm nay, dịch bệnh căng thẳng, anh chỉ lo bị thất nghiệp vì các tòa nhà không đủ chi phí vệ sinh. Anh kể, không ít đồng nghiệp của anh đã bỏ nghề vì vất vả và sợ hiểm nguy. Anh nói: “Có lần làm xong, chủ các tòa nhà cám ơn ríu rít vì nếu không có chúng tôi, những người làm công việc đầy mạo hiểm này thì tòa nhà của họ sẽ như thế nào. Khi ấy thật sự mình mới thấy được cái nghề mình làm được quý trọng và càng yêu nghề hơn nữa”.
Dở khóc dở cười phía trong ô cửa
Mỗi lần vệ sinh kính, đơn vị thi công sẽ báo trước với tòa nhà để thông báo cho người lưu trú bên trong. Nhưng cũng không tránh khỏi nhiều tình huống bi hài. “Có lần đang đu dây xuống lau kính ở phía ngoài một căn phòng thì tôi nhìn thấy bên trong, do họ không kéo rèm. Để giữ tế nhị, mình liên tục tạo tiếng động cho họ chú ý, bảo vệ không gian riêng”, anh Tín nói.
Cũng có lần, anh Tín vệ sinh kính gần một trường học, các em nhỏ thấy “người nhện” đã kéo nhau ra hành lang xem rồi hò hét vỗ tay rất phấn khích. Anh đã búng dây lại gần để các em nhỏ được chụp ảnh với khoảnh khắc thú vị hiếm gặp.
|
“Người nhện” vệ sinh kính cho tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng.
|