Những cánh thư của người vợ là nguồn động lực cho nam phạm nhân

Google News

Trong thời gian chờ đưa ra xét xử về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, nhân cơ hội được tại ngoại, vợ chồng Nguyễn Anh Tuấn, SN 1959, trú ở quận Long Biên, Hà Nội đã trốn vào Lâm Đồng.

Hiện nay, phạm nhân Nguyễn Anh Tuấn, SN 1959, trú ở quận Long Biên, Hà Nội đang cải tạo bản án 13 năm tù về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy ở trại giam Suối Hai. Tuấn đã có lần tâm sự, chính tình yêu và những lá thư đều đặn từ vợ đã khiến cho Tuấn có thêm những động lực, yên tâm cải tạo. Nếu sau này được mãn hạn tù, anh ta sẽ tiếp tục chọn mảnh đất Tây Nguyên là nơi sinh sống.
Túi hàng định mệnh...
Vẫn còn mẹ và các anh, chị nhưng Tuấn từ chối những cuộc thăm nuôi của người thân, vì Tuấn nghĩ đơn giản, chuyện ăn uống không quan trọng nữa, tiêu chuẩn của trại là đủ dùng rồi đâu phải tiếp tế mà bắt mọi người lên thăm nuôi làm gì cho mất thời gian, mệt mỏi rồi đâm ra lại nghĩ ngợi. Tuấn tâm sự, trước khi ra đầu thú, Tuấn cũng đã mua được đất, cất nhà và cũng sắp xếp cho vợ đâu ra đấy. Cách nói chuyện của Tuấn với những người xung quanh, khiến chúng tôi có thêm niềm tin vào những phạm nhân trót một thời lầm lỡ ấy.
Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, ngay từ nhỏ, Tuấn được nhận xét là có tính tự lập. Học hết lớp 9/10 thì Tuấn nghỉ đi làm phụ xe rồi học lái xe. Tuy nhiên, cái tính mải chơi và không thích gò bó trong khuôn khổ nên Tuấn không làm được nơi nào cố định. Ngoài 30 tuổi, Tuấn lập gia đình và ngày đó anh ta cũng dự định xin vào một cơ quan xí nghiệp nào đó làm việc để có đồng lương ổn định nhưng giữa lúc đó hàng loạt cơ quan, xí nghiệp giải thể nên Tuấn lại thất nghiệp. Đi phụ xe cho một vài người, thấy nhu cầu đi lại của người dân mỗi ngày một tăng trong khi bản thân lại có nghề trong tay, Tuấn bàn với vợ thuê xe làm phương tiện chở khách. Do cần cù chăm chỉ, chọn tuyến đường xa từ Hà Nội lên Hà Giang nên mỗi tháng, trừ chi phí ăn uống dọc đường và 600 nghìn đồng tiền thuê xe, Tuấn cũng đủ tiền nuôi vợ khi đó đang ở cữ.
Công việc đang trên đà phát triển, để mở rộng những mối đưa hàng và có thêm nhiều khách, Tuấn nhận chuyển cả hàng gửi từ Hà Nội lên Hà Giang và ngược lại, thậm chí nếu ai có nhờ, trả công hơn một tí, anh ta sẵn sàng mang tới điểm hẹn.
Một buổi chiều ngày 21.3.1993, Tuấn đang dọn dẹp nhà cửa sau một tuần đi xa thì có người đến gọi, bảo có khách nhờ chuyển hàng. Tuấn vội vàng khoác áo tới điểm hẹn là một quán nước, gặp Tiến và Sơn, Tuấn nhận ngay ra khách thường xuyên đi xe của mình nên vui vẻ trò chuyện. Sơn và Tiến nhờ Tuấn ra chợ Gia Lâm nhận hộ túi hàng để chuyển cho người quen. Tuy nhiên vì muốn kiểm tra hàng trước khi gửi đi, hai người này đề nghị Tuấn nhận hàng xong đem về cho họ xem lại, tiền công với họ không thành vấn đề, miễn là được việc.
Tuấn nhận lời. Mượn xe máy của người hàng xóm, Tuấn phóng bến xe Gia Lâm. Tuấn được người đàn ông tên Cường đưa cho một chiếc túi du lịch bên trong là hơn 8kg thuốc phiện. Nghĩ tới con trai nhỏ còn đang bú mẹ, Tuấn quay về nhà rủ vợ là Hoàng Thị Giang, SN 1969 đi cùng với mục đích để vợ ôm hộ túi hàng, tiện thể vào nội thành mua luôn sữa cho con. Khi hai người đèo nhau đến phố Hàng Đậu thì bị CA quận Hoàn Kiếm thấy nghi ngờ, giữ lại kiểm tra, phát hiện bên trong là 9 gói thuốc phiện có trọng lượng là 8,1kg. Căn cứ vào tài liệu điều tra, tang vật bắt giữ quả tang, CA quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Anh Tuấn và Hoàng Thị Giang về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong thời gian chờ đưa ra xét xử, lợi dụng cơ hội được tại ngoại, vợ chồng Tuấn rủ nhau bỏ trốn. Họ đưa nhau vào Bảo Lộc, Lâm Đồng, kiếm sống bằng việc làm thuê. “Ngày hai vợ chồng tôi rời Hà Nội bỏ trốn, đứa con trai mới được chưa đầy 1 tuổi, nhưng phải gửi gia đình để đi. Nghĩ thương vợ, thương con, nhưng không biết làm thế nào. Thế rồi, trong suốt thời gian tội lỗi, lương tâm cắn rứt nghĩ là không thể lẩn trốn mãi nên tôi đã cố làm thuê, vun vén, cày cuốc và mua được mảnh đất dựng nhà. Ngày 20.12.2007, vợ chồng tôi sa lưới pháp luật...”, phạm nhân Nguyễn Anh Tuấn tâm sự.
Phạm nhân Nguyễn Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) cùng các phạm nhân khác đang lao động ở trại giam Suối Hai. 
Cánh thư đều đặn của vợ tiếp thêm nguồn động lực...
Sau khi ra đầu thú cả hai vợ chồng Tuấn cùng được di lý về Hà Nội nhưng chỉ có Tuấn là chịu án tù còn vợ anh ta thì vô tội. Mừng cho vợ nhưng cứ nghĩ đến đứa con bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc còn nhỏ, cả hai lại ôm nhau khóc.
Theo lời tâm sự của Tuấn thì sau khi cùng vợ bỏ trốn vào Tây Nguyên, lúc đầu cả hai đi làm thuê để kiếm sống, nhiều đêm nghe tiếng trẻ con khóc lại cồn cào nhớ con nhưng vì sợ bị bắt nên không dám liên lạc về nhà. Mấy năm sau, vì quá thương con nên Tuấn lén về nhà nhưng cũng chỉ dám chơi với con một lúc rồi lại lặng lẽ bỏ đi. Tuấn vào trại giam cải tạo được hơn 1 năm thì được tin bố ốm nặng. Xin được dừng thi hành án 6 tháng và đó là khoảng thời gian hiếm hoi duy nhất để Tuấn có cơ hội báo hiếu đấng sinh thành. Chính trong khoảng thời gian đó Tuấn có thêm đứa con thứ hai.
Cũng trong trại giam, khi nhắc đến cậu con trai đầu, Tuấn có phần lo lắng. Anh ta bảo rằng, cũng có lẽ vì thiếu tình thương yêu của cha mẹ nên ngay từ nhỏ, sau giờ học trên lớp con anh thường theo ông nội lên chùa. Bởi vậy, sau này khi cùng người anh họ mở cửa hàng buôn bán, nhưng thỉnh thoảng đứa con trai của Tuấn vẫn lên chùa ở năm bữa, nửa tháng. “Đã có lần tôi và vợ đón con vào ở cùng, nhưng chỉ được ít thời gian, cháu lại đòi trở về Hà Nội và theo chân ông nội...”, phạm nhân Nguyễn Anh Tuấn kể.
Từ ngày Tuấn vào cải tạo ở trại giam, vợ anh ta vẫn không ra Hà Nội mà ở lại Tây Nguyên - nơi mà gia đình Tuấn đã coi là quê hương thứ 2. Tuấn bảo rằng, nơi ấy khí hậu khá tốt và cũng bởi sống gần 20 chục năm trong đó nên vợ chồng đã quen với nếp sống trong ấy. Không có điều kiện để hàng tháng ra thăm, tháng nào vợ Tuấn cũng viết thư cho chồng, kể chuyện nhà, chuyện con khiến Tuấn không cảm thấy xa cách. Tuấn bảo nhờ những lá thư của vợ mà cảm thấy đỡ buồn chán, càng có quyết tâm cải tạo hơn để mỗi năm một lần vợ con ra thăm có chuyện để kể.
Thông cảm với điều kiện của Tuấn nên những lần vợ con ra thăm, anh ta lại được Ban giám thị tạo điều kiện để vợ chồng có một khoảng không gian riêng để trò chuyện, tâm sự. Tuấn bảo đó là khoảng thời gian hạnh phúc và hồi hộp nhất trong năm. Cũng chính giây phút ấm áp ấy và cũng chính bởi những cánh thư đầy ắp tình thương yêu của vợ đã khiến cho người đàn ông một thời lầm lỡ mang tâm hồn hướng thiện, có thêm động lực để lao động, sớm quay về với gia đình và xã hội.
Theo Nguyễn Vũ - Hạ My /Pháp Luật Xã Hội

>> xem thêm

Bình luận(0)