Vụ cháy quán karaoke và một số toà nhà cao tầng liền kề ở đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) ngày 1/11 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, khiến 13 người chết đang đặt công tác phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke ở mức báo động.
Ngay khi nhận được báo cáo về vụ cháy karaoke 13 người chết ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm những người mắc kẹt trong đám cháy. Thủ tướng đồng thời chỉ đạo Công an thành phố sớm điều tra, kết luận nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm trong vụ cháy karaoke Trần Thái Tông.
Nhiều nhân chứng cho biết, vụ cháy cả dãy nhà xuất phát từ quán karaoke 68 Trần Thái Tông. Ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy, cho biết: "Chủ quán karaoke số 68 Trần Thái Tông là bà Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). Quán này được xác định là điểm khởi đầu xảy ra hỏa hoạn và quán chưa đủ điều kiện kinh doanh, nhiều lần đã bị các cơ quan chức năng nhắc nhở". Dư luận quan tâm việc xử lý trách nhiệm trong vụ cháy thế nào nếu có sai phạm?
|
Quán karaoke ở Trần Thái Tông - nơi xảy ra vụ cháy. (Ảnh Mạnh Hưng)
|
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã đưa ra nhiều phân tích pháp lý về vụ việc cháy karaoke ở Hà Nội.
Theo Luật sư Thơm nhìn nhận, gần đây, có rất nhiều vụ chập cháy các biển quảng cáo karaoke cỡ lớn được thiết kế lắp đặt kiên cố trước mặt tiền của cơ sở kinh doanh. Đa phần chủ sơ sở tận dụng hết cả mặt tiền ngôi nhà, nhiều biển quảng cáo chiếm đến hết các tầng từ tầng 2 lên đến tầng 4, 5 của ngôi nhà. Hệ thống biển quảng cáo này chính là nguyên nhân gây chập cháy, sau đó lan vào phía bên trong gây hậu quả lớn về tài sản và con người.
Luật sư Thơm nhìn nhận, theo điều 34 Luật quảng cáo 2012 về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh như sau:“ Kích thước biển hiệu được quy định như sau: a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2 mét, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1 mét, chiều cao tối đa là 4 mét nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng”.
Luật sư Thơm đánh giá, hầu như các chủ cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay đã vi phạm Luật quảng cáo và phải bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ theo Điều 60 Nghị định 158/2013/NĐ-CP: “Vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo, băng-rôn tại vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”.
Nói về việc khi cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây vụ cháy, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm và như vậy ai sẽ phải bồi thường thiệt hại về người và tài sản, Luật sư Thơm phân tích, theo thông tin báo chí đưa tin, đám cháy diễn ra ở Trần Thái Tông hiện chưa xác định được nguyên nhân nhưng hậu quả đã làm 13 người tử vong cùng với thiệt hại cháy 4 nhà và nhiều tài sản bị hư hỏng.
Tuy nhiên, theo một số người dân chứng kiến sự việc kể lại, nguyên nhân đám cháy có thể do hàn xì cháy biến quảng cáo của quán karaoke sau đó cháy lan sang 3 nhà khác. Nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn là do thợ hàn xì biển quảng cáo quán karaoke gây cháy thì người thợ trực tiếp hàn xì đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 240 Bộ luật hình sự. Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo qui định của pháp luật.
Trong trường hợp vụ cháy xuất phát từ biển quảng cáo quán karaoke thì trách nhiệm của người chủ nhận thi công trình sửa chữa biển quảng cáo rá sao? Luật sư Thơm cho biết: “Nếu xác định người thợ thi công hàn xì được thuê mướn thì người chủ thi công (nếu có) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường dân sự vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản”.
“Trường hợp xác định quán karaoke bị sự cố chập điện gây cháy nhà và lan sang các nhà khác, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các qui định về phòng cháy chữa cháy để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
Nói về việc, cơ sở kinh doanh karaoke chưa đủ giấy phép, điều kiện kinh doanh như thiếu chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy thì chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm thế nào? Luật sư Thơm cho biết:
“Để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phạm này thì cần phải xác định rõ cụ thể qui định nào mà chủ cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Mặt khác, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra. Trường hợp chủ cơ sở karaoke không có Giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện ANTT và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi vi phạm hành chính. Do vậy, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới cháy thì mới có thể qui trách nhiệm cho chủ cơ sở. Ngoài ra, chủ cơ sở để xảy ra cháy lan sang nhà người khác đều phải có trách nhiệm bồi thường dân sự. Chủ cơ sở chỉ không không phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự trong trường hợp bất khả kháng, vụ việc xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết hoặc tình thế cấp thiết (điều 161 Bộ luật dân sự).
Nói về việc quán karaoke 68 Trần Thái Tông bị cháy là cơ sở chưa đủ giấy phép, điều kiện kinh doanh như thiếu chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy thì cơ quan chức năng về PCCC và chính quyền địa phương có phải chịu trách nhiệm? Luật sư Thơm cho hay, nói về trách nhiệm của chính quyền địa phương và của chức năng PCCC bây giờ là rất khó bởi Chính quyền địa phương có đến kiểm tra va yêu cầu chỉ được hoat động khi có đủ điều kiện, nhưng cơ sở vẫn cố tình vi phạm. Trường hợp này cơ sở sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh. Còn cơ quan chức năng nhà nước cũng nhiều lần đến xử phạt nên cũng rất khó để nói về trách nhiệm.