Nhóm ĐH tốp đầu miền Bắc tuyển sinh ĐH 2019 như thế nào?

Google News

Mùa tuyển sinh năm 2019, 56 trường tham gia nhóm xét tuyển phía Bắc qua phần mềm lọc thí sinh ảo, một thí sinh đăng ký được nhiều trường nhưng chỉ đỗ 1 trường trong nhóm. 

Nhom DH top dau mien Bac tuyen sinh DH 2019 nhu the nao?
 Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Hải Nguyễn
Ngày 8.7, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết tính đến nay, toàn bộ 55 trường đại học phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) tham gia năm 2018 và thêm một trường ngoài công lập đã đăng ký tham gia vào nhóm xét tuyển miền Bắc.
Các trường đại học "tốp đầu" đều có mặt trong danh sách nhóm xét tuyển miền Bắc như Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân…
Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Mô hình xét tuyển nhóm được hình thành từ năm 2016 với tên gọi là nhóm GX, có 12 trường tham gia. Phần mềm lọc thí sinh ảo do nhà trường xây dựng dựa trên thuật toán gọi vui là “kết hôn bền vững”, nghĩa là một người đăng ký được nhiều trường nhưng chỉ đỗ 1 trường trong nhóm. Những năm sau đó, số lượng các trường tham gia nhóm lên tới 55.
Năm 2019, nhóm xét tuyển miền Bắc vẫn tiếp tục hoạt động và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị chủ trì việc xét tuyển này. Phần mềm lọc ảo đã hoạt động rất tốt. Dù có hai nhóm xét tuyển lớn miền Nam và miền Bắc nhưng sự giao thoa giữa thí sinh hai miền là không lớn.
Theo kế hoạch, sau khi có điểm thi, các trường phải chuyển cho trường chủ trì dữ liệu về ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu, tổ hợp môn xét tuyển, các tiêu chí phụ (nếu có) và điểm sàn để cập nhật vào phần mềm xét tuyển.
Ban chỉ đạo nhóm miền Bắc có trách nhiệm kiểm tra, hiệu đính dữ liệu, chạy thử phần mềm xét tuyển, tiếp nhận dữ liệu đăng ký xét tuyển, dữ liệu điểm thi THPT của thí sinh, họp các trường trong nhóm để chốt dữ liệu trước khi chuyển lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT. Phần mềm đã cải tiến cũng chấp nhận thêm các điều kiện xét tuyển riêng của từng trường.
Dự đoán về điểm chuẩn năm nay, ông Trần Văn Tớp cho rằng đề thi năm nay khó hơn 2017, dễ hơn 2018 nên khả năng điểm chuẩn sẽ nhích lên so với năm ngoái. Tuy nhiên, điểm chuẩn tăng lên bao nhiêu, cụ thể như thế nào cần phải có phổ điểm.
“Sau ngày 14.8, trường sẽ phân tích phổ điểm, dữ liệu, lượng thí sinh đăng ký vào các ngành của nhà trường và đưa ra dự báo điểm chuẩn. Mặc dù, điểm sàn có thể tăng lên nhưng cũng tuỳ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký. Ví như, năm ngoái, thí sinh ồ ạt vào ngành “hot” như ngành Công nghệ Thông tin thì điểm chuẩn tăng cao. Năm nay, nếu thí sinh không dám đăng ký nhiều thì điểm chuẩn vẫn thấp” – ông Tớp cho hay.
Về việc vẫn có trường khu vực miền Bắc không tham gia vào nhóm, PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng có những trường ngoài nhóm bởi họ sử dụng phương pháp như đăng ký xét tuyển theo phương thức học bạ hay số lượng thí sinh đăng ký ít hơn chỉ tiêu.
Theo HUYÊN NGUYỄN/ Lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)