Dịch bệnh nặng nề tại TP.HCM khiến chính quyền gia tăng các biện pháp giãn cách. Nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa, nhà xưởng tạm ngừng hoạt động, chợ búa im ỉm,... khiến những lao động trong ngành này mất việc. Với những người chạy ăn từng bữa như vậy, việc phải nghỉ ở nhà vài ba tháng nay khiến họ khánh kiệt.
Trong một khu trọ trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), hàng chục con người sống trong những căn phòng chật hẹp, gương mặt lam lũ. Covid-19 để lại dấu ấn nơi đây những hoàn cảnh đáng thương, chờ được giúp đỡ.
Anh Tuấn, một trong nhiều hộ dân sống trong khu trọ, làm nghề phụ hồ nhưng mấy tháng nay phải ở nhà vì các công trình xây dựng ngưng lại. Cả gia đình sống bằng số tiền công ít ỏi đang cạn dần của anh, vì vậy phải chắt chiu từng bữa. Anh hiện đang sống bằng sự hỗ trợ ít ỏi từ một số nhà hảo tâm, và hàng xóm giúp đỡ.
|
Anh Tuấn nhận quà từ các nhà hảo tâm. |
Không chỉ người dân khu vực vùng ven gặp khó khăn, các hộ gia đình sống ở các quận trung tâm cũng chịu cùng cảnh ngộ.
Như tại Quận Phú Nhuận, trong căn nhà tươm tất nhưng nhỏ xíu trong hẻm 524 Phan Đăng Lưu, chị Nguyễn Thị Thành cùng chồng và 5 người con trai, con dâu sinh sống chật vật mấy tháng nay. Ba người con trai đi làm nhưng dịch phải nghỉ, chồng chị chạy xe ôm gặp giãn cách nên cũng ở nhà, chị thường chở học sinh đi học nhưng nay cũng không thể ra đường.
Trong giai đoạn dịch, cả xóm giúp đỡ nhau, có gì ăn nấy. “Ăn nhịn nhịn nhín nhín qua ngày. Dịch ở nhà chỉ dám ăn một hai bữa, không ăn nhiều”, dù khó khăn nhưng chị Thành cố cười lạc quan.
Sống kế bên nhà chị Thành, nhà chị Nhuỵ chỉ có 3 người. Chị làm tạp vụ ở trung tâm tiếng Anh, chồng chị làm bảo vệ ở đây, con chị phụ việc cùng chỗ này. Dịch bệnh khiến trường học đóng cửa, cả nhà mất việc, sống dè sẻn từ cuối tháng 4.
Trung tâm ngoại ngữ chỉ hoạt động hai ngày cuối tuần nên thường ngày thu nhập của nhà chị Nhuỵ không cao, chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ nên không để dành được. Dịch bệnh này chỗ chị làm cũng không hỗ trợ gì nên giờ “khó khăn thì bà con mỗi người cho một ít, ai cho gì ăn nấy”.
Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu đóng cửa, hạn chế đi lại khiến những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng ngoài các lao động tự do, sinh viên nghèo ở trọ, còn có nhóm lao động trong ngành du lịch, vận tải.
|
Những người dân khó khăn ở phường 2, Phú Nhuận đang xếp hàng chờ hỗ trợ. |
Chẳng hạn, anh Vinh (phường 2, Phú Nhuận), làm nghề hương dẫn viên du lịch. Anh mẹ là lao động chính nuôi 6 người trong gia đình. Dịch ập đến, ngành du lịch bị ảnh hưởng, anh phải ở nhà mấy tháng nay. Hiện cả nhà phải chi tiêu hết sức dè sẻn để mong vượt qua đại hạn.
Gần nhà anh Vinh có hộ gia đình của chú Nguyễn Minh Hiếu cũng khó khăn. Chú Hiếu cùng con trai đang ở trọ. Người con làm phục vụ ở khách sạn nhưng nay thất nghiệp, chú Hiếu trước làm công nhân nhưng nay chân tay yếu do bị tai nạn giao thông. Hai bố con sống cực nhọc trong phòng trọ thuê ở hẻm trên đường Phan Đăng Lưu, lâu lâu nhận được tiếp tế từ những nhà hảo tâm.
Mặc dù thành phố có chính sách hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện tiếp cận. Hơn nữa, nhiều hộ gia đình dù nhận được nhận trợ cấp nhưng vẫn không đủ duy trì.
Anh Trần Hữu Thiện, Chủ tịch UBND Phường 2 (Phú Nhuận) kể, có những hộ gia đình có 12 người, giả sử giúp một suất thì không đủ, do đó khi có đợt hỗ trợ khác lại phải ưu tiên tiếp cho những hoàn cảnh này. Trong thời gian tới khi nhiều người tiếp tục không được đi làm, các trường hợp khó khăn sẽ càng tăng lên.
Bà Đặng Thị Lý, Phó chủ tịch UB MTTQ Quận Phú Nhuận cho hay, chính sách của quận kiên quyết không để người dân bị đói, tuy nhiên số lượng người gặp khó khăn vẫn còn nhiều. Chẳng hạn, ở đợt hỗ trợ gần nhất có được 10 ngàn phần quà phát cho dân, nhưng quận đang phải kêu gọi thêm mạnh thường quân vì số lượng cần thiết phải từ 16 đến 20 ngàn.
Khi thành phố tiếp tục áp dụng lệnh giãn cách những ngày tới, số lượng người khó khăn chắc chắn sẽ tăng lên. Do đó, các địa phương trên toàn thành phố đang tích cực kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ tiền và nhu yếu phẩm để giúp những hoàn cảnh khó khăn.