Ngày 10/12, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, liên quan vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Nguyễn Lê Thanh Tú (SN 1985, ở TP HCM) cầm đầu lừa chiếm hơn 10 tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh này vừa tạm giữ hình sự hàng loạt nhân viên ngân hàng để mở rộng điều tra vụ án.
Theo đó, cơ quan chức năng tạm giữ hình sự Đoàn Lê Trí Viễn (27 tuổi, cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Trường Sơn, quận Gò Vấp, TP HCM) để làm rõ vụ chiếm đoạt tài sản. Hai đồng phạm của Viễn cũng bị tạm giữ, gồm Lê Thái Nhân (25 tuổi, nhân viên BIDV chi nhánh Trường Sơn) và Nguyễn Thái Thịnh (25 tuổi, cán bộ ngân hàng Sacombank chi nhánh Gò Vấp)."
|
Tang vật vụ án bị thu giữ.(Ảnh: Zing.vn). |
Qua sự việc, dư luận đặt ra câu hỏi nhân viên ngân hàng BIDV bán thông tin cho tội phạm lừa đảo doanh nghiệp sẽ bị xử phạt thế nào? Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Vụ việc nhân viên ngân hàng bán thông tin của khách hàng cho nhóm đối tượng lừa đảo thì cơ quan điều tra sẽ xác định các cán bộ nhân viên ngân hàng này có biết việc sử dụng thông tin và mục đích lừa đảo hay không.
Nếu có căn cứ cho thấy những người này biết các đối tượng sử dụng thông tin và mục đích lừa đảo nhưng vẫn cung cấp thông tin cho các đối tượng đó thì các cán bộ ngân hàng này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Trong trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự thì sẽ xác định người này là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự đó và phải liên lạc với bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do hành vi cung cấp thông tin của khách hàng gây ra những thiệt hại.
Luật sư Cường cho biết thêm, trong trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự thì cơ quan điều tra vẫn có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với các cán bộ này do vi phạm các quy định của các tổ chức tín dụng, mua bán trái phép thông tin của khách hàng gây hậu quả xấu trong xã hội. Vụ việc này sẽ là một bài học cho những ai đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bất chấp pháp luật để mua bán thông tin trái phép.
Trước đó, Phòng cảnh sát kinh tế Công an Phú Thọ xác định đầu tháng 10, Nguyễn Lê Thanh Tú (34 tuổi, trú quận Phú Nhuận, TP HCM) biết một số ngân hàng có sơ hở trong quản lý hồ sơ khách hàng nên lên kế hoạch chiếm đoạt tiền.
Để thực hiện, Tú chỉ đạo đàn em thuê căn cước công dân của người khác để mở tài khoản tại ngân hàng Vietinbank. Tiếp đó, Tú liên hệ 3 cán bộ nhà băng nói trên để mua thông tin các doanh nghiệp, trong đó có Công ty thép Đông Hưng. Viễn và 2 nhân viên ngân hàng đã truy cập mạng nội bộ, lấy thông tin công ty rồi bán Tú với giá 13-15 triệu đồng mỗi hồ sơ.
Có được thông tin doanh nghiệp thép, Tú làm giả giấy tờ, con dấu của công ty này rồi cho đàn em đến ngân hàng giao dịch, rút khoản tiền hơn 3 tỷ đồng. Phi vụ lừa đảo thành công, Tú giữ lại 2,8 tỷ và chia số tiền còn lại cho nhóm đàn em tiêu xài. Tú và đồng bọn bị Công an Phú Thọ bắt giữ hồi đầu tháng 12.
>>> Xem thêm video: Giả danh Lãnh đạo Bộ Công an đi lừa đảo