Mới đây, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đường thủy nội địa kiểm tra làm rõ việc cơ quan báo chí phản ánh một số cảng vụ viên có dấu hiệu “làm luật” trên sông và xử lý theo quy định. Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II cũng đã yêu cầu hai trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Bắc Ninh và Hà Nam làm báo cáo giải trình, đồng thời đã ký quyết định đình chỉ công tác đội trưởng, tổ viên.
Các cảng vụ viên có “làm luật” hay không, thực hiện sai quy trình thế nào sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi, nếu quá trình xác minh xác định có tình trạng “làm luật” thì trách nhiệm các trưởng đại diện các Cảng vụ liên quan thế nào?
|
Chủ tàu (dưới) đưa tiền cho nhân viên cảng vụ tại khu vực Thanh Liêm (Hà Nam). Ảnh: Báo Tiền Phong.
|
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, khi tiếp cận những thông tin vụ việc trên, bản thân ông rất bức xúc. Tại sao xảy ra quá nhiều vụ việc “làm luật” như vậy, CSGT, TTGT nhận mãi lộ, giờ lại đến nhân viên cảng vụ đường thủy nội địa cũng “làm luật” như vậy?
“Tình trạng tiêu cực, tham nhũng vặt liên tiếp cứ xảy ra. Thời gian qua, nhiều biện pháp được đưa ra để bài trừ tình trạng này. Nói thì rất nhiều nhưng để khắc phục, triệt tiêu vấn nạn này thì nhận thức ý thức của con người rất hạn chế. Hàng năm bỏ ra số tiền rất nhiều để giáo dục đạo đức cho các bộ đảng viên, công nhân viên chức nhưng một số cán bộ vẫn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức như vậy. Cho thấy, công tác giáo dục đạo đức lối sống, răn đe, phòng ngừa, công tác học tập cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động phải xem xét lại” – đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Hòa cho rằng, cùng với việc làm rõ hành vi của các nhân viên cảng vụ trên, nếu sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu đến mức hình sự phải xử lý hình sự, mức xử phạt vi phạm hành chính là phải xử phạt, thậm chí buộc thôi việc.
Đồng thời, ông Hòa cho rằng, đối với người đứng đầu, người quản lý có nhân viên vi phạm như trên phải có trách nhiệm liên đới.
“Đã có quy định rất rạch ròi trong việc phòng chống tham nhũng, người lãnh đạo trực tiếp quản lý phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng nhân viên của mình thực hiện các hành vi tham nhũng. Mức độ xử lý như thế nào, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét nhưng trách nhiệm liên đới mà quy định và luật Phòng chống tham nhũng đã nói rất rõ, cụ thể, rành mạch, khi để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình, thủ trưởng, người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm liên đới” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Ông Hòa nói thêm rằng, trách nhiệm liên đới đó là do thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, giáo dục đạo đức lối sống cho các cán bộ, nhân viên của mình để xảy ra tình trạng tiêu cực thì phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hiện những thông tin trên chưa thể khẳng định rằng, tiền các chủ tàu đưa cho nhân viên cảng vụ có phải là tiền phí, lệ phí ra vào cảng, bến thủy nội địa hay không. Trường hợp là tiền phí, lệ phí ra vào cảng, bến thủy nội địa mà thiếu sự ghi chép dẫn đến thất thoát tiền, nhân viên cảng vụ, lãnh đạo cảng vụ sẽ phải chịu trách nhiệm về quản lý, bồi thường số tiền thất thoát.
Trường hợp có căn cứ chứng minh, đây không phải tiền phí, lệ phí ra vào cảng, bến thủy, nhân viên cảng vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Khi đó, trách nhiệm của lãnh đạo cảng vụ sẽ phụ thuộc vào việc có tham gia chỉ đạo hay biết việc làm của nhân viên cảng vụ hay không.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, hành vi trên mặc dù số tiền không nhiều, mỗi lần số tiền không đến 2.000.000 đồng và hiện nay chưa có ai bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhận tiền nêu trên. Nhưng có thể thấy hành vi nêu trên diễn ra nhiều lần lặp đi, lặp lại và đã từng diễn ra trong thời gian dài, cơ quan chức năng vẫn xem xét khởi tố điều tra về hành vi nhận hối lộ.
“Vấn nạn trên không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường, minh bạch của cơ quan nhà nước mà còn tạo điều kiện cho các tội phạm khác lộng hành như buôn lậu, lợi dụng sơ hở để vận chuyển hàng hóa bị cấm…Do đó, vấn đề đã trở nên nghiêm trọng rất nhiều, hậu quả cũng nặng hơn và việc đấu tranh phòng chống tội phạm cũng gặp khó khăn nhiều hơn” – luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Trước đó, báo Tiền Phong phản ánh tình trạng một số cảng vụ viên có dấu hiệu “làm luật” trên sông xảy ra tại khu vực Bến Hồ, sông Đuống thuộc đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Bắc Ninh và khu vực sông Đáy địa phận huyện Thanh Liêm (Hà Nam) thuộc đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Hà Nam quản lý. Trung bình các chủ tàu chung chi 100 nghìn đồng mỗi chuyến cho các cảng vụ viên tại các khu vực trên.
Trao đổi trên báo này, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cho biết, cái sai nhất là cảng vụ viên bỏ qua các thủ tục.
Khi các thủ tục ra vào cảng không được thực hiện đúng quy trình có nghĩa các tàu này chưa vào cảng, không kiểm soát, không có thống kê về tải trọng, lượng tàu thuyền ra vào. Theo quy định, cảng vụ viên làm thủ tục phải thu phí, lệ phí, phải vào sổ ngày giờ, thủ tục tàu ra vào cảng, bến, thiếu những gì và nộp đúng biểu phí theo thông tư của Bộ Tài chính.
Ông Thu cho rằng, về nguyên tắc, khi tàu cập cảng, bến phải ghi rõ thời điểm, ngày giờ để quản lý đảm bảo an toàn giao thông. Đây là cơ sở để tra soát lại nếu xảy ra tai nạn. Tàu thuyền là đối tượng quản lý, cảng vụ viên thực thi nhiệm vụ đó. Nếu họ không làm nhiệm vụ quản lý là sai.
“Đây là hành vi sai trái, nếu thường xuyên là hiện tượng rất nguy hiểm. Không có chuyện cảng vụ viên được thu ngoài quy định, nếu nó diễn ra thường xuyên, trở thành tiền lệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, hình ảnh của cảng vụ viên. Cục sẽ kiểm tra, xác định, có biện pháp xử lý” – ông Thu cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng: