Mới đây, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ CSGT thuộc Đội CSGT đường thủy trong thời gian 60 ngày để xác minh, làm rõ vụ việc “làm luật” trên sông Đồng Nai. Đồng thời, Phòng cũng lập tổ công tác để thanh tra, xử lý vụ việc trên.
3 CSGT đường thủy bị đình chỉ do có những dấu hiệu “làm luật” được báo chí phản ánh qua clip, hình ảnh ghi lại trong quá trình các cán bộ này kiểm tra phương tiện trên sông Đồng Nai.
|
CSGT đường thủy Bình Dương kiểm tra chớp nhoáng các phương tiện thủy. (Ảnh: Báo Pháp luật TP HCM)
|
Cụ thể, theo điều tra của báo chí, Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương) có chức năng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính, sông Bé. Thời gian gần đây, cán bộ CSGT của đội này liên tục kiểm tra các phương tiện thủy trên sông Đồng Nai. Quá trình kiểm tra cho thấy có nhiều dấu hiệu bất thường như không tuân thủ đầy đủ quy định về tuần tra, xử lý phương tiện đường thủy. Một số cán bộ CSGT đường thủy còn có dấu hiệu nhận tiền của chủ tàu để làm ngơ cho phương tiện lưu thông.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu quá trình xác minh xác định có sự “làm luật” thì sau đình chỉ công tác, 3 CSGT sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, qua hình ảnh, clip mà báo chí phản ánh cho thấy dấu hiệu của hành vi đưa, nhận hối lộ. Do đó, cơ quan chức năng tạm đình chỉ công tác 3 CSGT đường thủy Bình Dương là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật để làm rõ hành vi, sai phạm và có hình thức xử lý.
Luật sư Cường cho rằng, thời gian qua, hoạt động tội phạm về buôn lậu trên đường sông, đường biển diễn ra hết sức phức tạp. Điển hình là vụ án buôn lậu xăng giả mới đây ở Đồng Nai có liên quan đến hành vi nhận hối lộ, tiếp tay của người có chức vụ quyền hạn trong việc phòng chống tội phạm buôn lậu. Những vụ việc vi phạm pháp luật diễn ra thời gian dài, giá trị hàng hóa rất lớn nhưng khó khăn trong việc xử lý là do có cán bộ thoái hóa biến chất đã bao che dung túng.
Bởi vậy, qua các vụ việc buôn lậu xăng dầu, hoạt động buôn lậu hàng hóa trên đường sông, đường biển thời gian vừa qua gây bức xúc trong dư luận đã đến lúc cần phải siết chặt kỷ luật kỷ cương trong thi hành công vụ, xử lý nghiêm các cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay dung túng cho tội phạm.
Liên quan nghi vấn “làm luật” của 3 CSGT trên, luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi đưa nhận tiền xảy ra như thế nào, số tiền là bao nhiêu. Nếu số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên có thể xử lý hình sự về tội nhận hối lộ theo điều 354 bộ luật hình sự năm 2015.
Hành vi nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền là hành vi nhận hối lộ, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Chế tài nghiêm khắc nhất của tội danh này là tử hình nếu như số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên.
Hành vi nhận tiền để bỏ qua sai phạm của những người vi phạm giao thông là hành vi “nhận hối lộ”, hành vi vi phạm pháp luật chứ không phải là những từ ngữ xảo ngữ như “bôi trơn”, “mãi lộ” hay “làm luật”. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ có hành vi nhận hối lộ hay không, ai là người nhận hối lộ, số tiền nhận hối lộ là bao nhiêu tiền để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Qua sự việc trên, luật sư Cường cho rằng, một lần nữa cho thấy nguy cơ suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, tác phong của một số cán bộ, chiến sĩ – những người mang trọng trách thực hiện nhiệm vụ.
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ để xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Với những cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, không đủ phẩm chất đạo đức để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ có thể tước danh hiệu công an nhân dân và sẽ áp dụng những chế tài theo quy định của pháp luật.
“Số tiền mà những người này nhận có thể không nhiều nhưng hành vi như vậy là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, của lực lượng thi hành công vụ và có thể bỏ lọt tội phạm, bỏ qua những sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân” – luật sư Cường nêu ý kiến và cho rằng, đến lúc cần siết chặt hơn nữa kỷ luật kỷ cương trong lực lượng công an nhân dân. Cùng với kế hoạch giảm biên chế trong lực lượng vũ trang, với những cán bộ không đủ phẩm chất cần phải loại bỏ để nhường chỗ cho những người xứng đáng tiếp tục phục vụ nhân dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người dân sắp được giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình
Nguồn: Truyền hình Vĩnh Long.