Mô hình nhà bán trú bằng container cho học sinh vùng cao do Cty cổ phần đầu tư xây dựng và thiết kế Khang An (Hà Nội) thực hiện theo hợp đồng của Cty cổ phần xã hội H.E.L.P để làm nơi sinh hoạt bán trú cho con em đồng bào dân tộc Kor trong năm học 2016 - 2017 tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Trà Lãnh, huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nhà bán trú container đầu tiên cả nước. Sau hơn 5 tháng đưa vào sử dụng, mô hình trên đã đạt được hiệu quả vượt bậc.
|
Niềm vui trong ngôi nhà tiện ích. Ảnh: T.H |
Thiếu thốn, thiệt thòi…
Không có nhà bán trú, các em học sinh dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi phải sống trong những căn lán, chòi lá tạm bợ bằng tre nứa do bố mẹ và nhà trường dựng lên. Số khác, các em phải vượt hàng chục cây số đường rừng, cơm đùm gạo gói mỗi ngày để đến trường. Sự thiếu thốn, thiệt thòi của các em kéo dài trong nhiều năm qua tại các huyện miền núi nói chung và ở các địa phương vùng cao tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, khiến cho ngành giáo dục địa phương nhiều phen “đau đầu”. Nhưng ý tưởng cải tiến những thùng hàng container cũ thành những căn nhà sắt, làm nơi nội trú cho trẻ em miền núi đã mở ra một giải pháp hữu hiệu vốn làm các nhà quản lý bế tắc lâu nay.
Những ngày tháng 2 này, ở huyện miền núi Tây Trà trời rét như cắt da, mà gió lại thổi mạnh. Con đường vào Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Trà Lãnh trở nên khó khăn hơn bởi những cơn mưa rừng bất chợt. Thế nhưng, khi vào đến điểm trường, một không khí vui tươi, rộn ràng hiển hiện trên những khuôn mặt và nụ cười của các em học sinh nơi đây.
Ngồi trước cửa ngôi nhà bán trú bằng container, em Hồ Văn Kỳ (học sinh lớp 6A, trú ở thôn Trà Lương) ánh mắt đượm buồn nhìn khoảng không hun hút núi rừng khi lục lại trong trí nhớ non nớt của mình bao thiếu thốn, thiệt thòi...
“Nhà em ở cách xa điểm trường gần 10 cây số đường rừng, phải mất hơn 2 tiếng đi bộ. Vì vậy em phải thức dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị áo quần, thức ăn… và đi thật nhanh mới kịp giờ học. Chưa kể những lúc mưa gió, con đường đến trường trở nên lầy lội, trơn trượt, áo quần, sách vở ướt sạch. Đến lớp, ngồi học mà miệng cứ run lập cập, chân tay tím tái đi sau mỗi đợt gió lùa vào. Em cũng muốn ở lại căn lán tạm bợ do bố mẹ và nhà trường dựng lên ở trường, nhưng vì quá lụp xụp, ban đêm gió lùa vào lạnh tê cả người, không ngủ được. Đáng sợ nhất là những đêm gió to, căn lều bị xiêu vẹo kêu răng rắc như muốn sập, rất nguy hiểm”.
Đường sá đi lại khó khăn cách trở, thiếu cơ sở vật chất, thiếu ăn, thiếu mặc bủa vây khắp các huyện miền núi Quảng Ngãi, khiến nhiều em học sinh phải bỏ học giữa chừng để theo bố, mẹ lên nương, rẫy cuốc đất, cắt cỏ… mong cải thiện kinh tế gia đình. “Biết khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng tôi và tất cả thầy cô ở trường luôn tìm đến thăm hỏi, vận động các em đến trường. Nhờ những nỗ lực ấy mà tình trạng bỏ học giữa chừng ngày một giảm” - thầy Lê Văn Tư - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở - cho biết.
Thương các em lặn lội mưa gió, giáo viên ở trường cùng phụ huynh lên rừng chặt tre nứa về, dựng được 5 cái lán tạm bợ cho hơn 100 học sinh có nơi trú ngụ. Nhưng vì làm bằng tre nứa nên bị hư hỏng thường xuyên, phải sửa chữa rất nhiều lần, vừa tốn thời gian, công sức của bố mẹ các em. Cách này cũng chỉ cầm cự được vào mùa nắng, chứ mùa mưa, mùa đông thì bị dột nát và lạnh lẽo lắm. Thương nhất là những năm mưa gió triền miên, giữa đêm khuya gió lạnh ùa vào, chịu không nổi các em phải ôm chăn, chiếu vào phòng học để trú ngụ.
Ngôi nhà thứ hai
Huyện Tây Trà cũng như năm huyện miền núi còn lại của Quảng Ngãi gồm Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng có địa hình núi cao và sông suối cách trở, việc xây dựng nhà bán trú cho học sinh còn nhiều khó khăn bởi thiếu nguồn kinh phí, mặt khác, do địa hình xa xôi cách trở, việc vận chuyển vật liệu, nhân công tăng lên nên gây khó khăn cho địa phương trong việc xây dựng trường. Do vậy, mô hình thực nghiệm nhà bán trú làm bằng container phù hợp sẽ là hướng mở cho Quảng Ngãi cũng như nhiều tỉnh có địa hình núi cao.
Có lẽ không ai có thể ngờ rằng, 20 thùng container nằm chênh vênh trên sườn núi là nơi ăn ở, sinh hoạt của gần 200 em học sinh. Và cũng không thể ngờ được rằng bên trong những thùng container ấy được thiết kế gọn gàng, đẹp mắt, có đầy đủ khu vực sinh hoạt, học bài và ngủ nghỉ cho các em. Trong phòng được trang bị chăn màn, nệm, quạt, góc học tập riêng và được kê cao cách mặt đất chừng 30cm nên dù trời mưa ẩm ướt nhưng bên trong vẫn khô thoáng.
|
20 ngôi nhà bán trú bằng container cho học sinh vùng cao Tây Trà, Quảng Ngãi. Ảnh: T.H |
Bên ngoài các container được sơn, vẽ những bức tranh sinh động, đẹp mắt, vừa làm “mềm mại” đi những khoang thùng sắt, khiến căn nhà tưởng chừng khô cứng này hài hòa với môi trường giữa rừng núi. Ngoài ra, khoảng sân giữa những chiếc thùng container còn có những chiếc xích đu, cầu bập bênh… tạo một sân chơi để các em vui đùa, giải trí sau giờ học.
Mỗi nhà bán trú bằng container đơn có chiều dài 6m, rộng 2,5m, cao 2,5m, có sức chứa 8 giường/8 em và một khoảng trống để làm bàn học chung. Còn container đôi được bố trí 10 giường đôi/20 em và 2 dãy bàn học chung. Đảm bảo cho 100% là con em của đồng bào thiểu số người Kor địa phương đang theo học tại đây có nơi ở. Bên cạnh đó với thời hạn sử dụng trên 30 năm và có thể di chuyển dễ dàng đi nơi khác là rất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Để chống nóng cho các em học sinh, đơn vị tài trợ và nhà trường đã thiết kế phần mái lợp lá dừa, các nhà bán trú container cũng đều được sơn cách nhiệt, bố trí quạt đầy đủ. Với mức đầu tư thấp chỉ từ 20 - 30 triệu đồng/nhà bán trú container.
Ngồi học bài cùng với bạn trong ngôi nhà bán trú container, em Hồ Thị May (học sinh lớp 8) - vui vẻ nói, “bây giờ chúng em không còn sợ hãi mỗi khi mưa gió nữa, không phải trèo đèo lội suối hàng giờ mỗi ngày để đến trường. Không chỉ riêng em mà tất cả các bạn đang sống trong ngôi nhà này đều cảm thấy rất vui và yên tâm học tập. Nơi đây xem như là ngôi nhà thứ hai của em”.
Cùng chung niềm vui với các em học sinh - thầy Lê Văn Tư - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, từ ngày có nhà container, các em và cha mẹ đỡ khổ hơn, nhà trường cũng yên tâm, bởi các em có nơi ở an toàn và ấm áp, tạo điều kiện cho các em bám lớp, bám trường trong mùa mưa lũ. Đây là trường duy nhất ở huyện miền núi này được chọn đặt thí điểm những ngôi nhà bằng container. Sau hơn 5 tháng đưa vào sử dụng, chúng tôi thấy mô hình này rất hiệu quả. Hy vọng, trong thời gian tới, ngành giáo dục cũng như doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ, để mở rộng mô hình trên. Không riêng ở Trà Lãnh, nhiều học sinh ở huyện miền núi khác cũng đang gặp cảnh khó khăn, thiếu thốn tương tự…