Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng đã từ trần vào hồi 3 giờ 25 ngày 19/2 tại nhà riêng, ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Với 79 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng, hoạt động cách mạng liên tục cho Đảng, cho dân, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tinh thần tận tụy, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa X; Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, X; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI (dự khuyết), VII, VIII, IX, X; Phó Thủ tướng (6.2006 - 8.2011); Đại biểu Quốc hội khóa VIII, XI.
Người cộng sản trọn đời vì nước, vì dân
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng sinh ngày 11/11/1942, ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Người dân Bến Tre vẫn thường gọi ông bằng cái tên thân mật "Hai Nghĩa".
Từ năm 1960, ông bắt đầu hoạt động bí mật trong phong trào học sinh chống chế độ Ngô Đình Diệm. Năm 1962, ông thoát ly gia đình, tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và công tác ở Tiểu ban giáo dục tỉnh Bến Tre.
Tháng 10/1964, ông được kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam và được đề bạt làm Ủy viên Tiểu ban giáo dục. Sau đó, được bầu làm Tỉnh ủy viên phụ trách khối Tuyên huấn tỉnh.
Ông từng kinh qua các chức vụ: Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng Ban Nội chính Trung ương...
Tại Đại hội Đảng lần X (2006), ông được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tháng 6/2006, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng. Năm 2011, ông về nghỉ hưu tại quê nhà.
|
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Ảnh: TTXVN
|
Dù cương ở vị công tác nào, ông cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; gương mẫu giữ gìn phẩm chất đạo đức, gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, tôn trọng, lắng nghe cấp dưới, phát huy trí tuệ tập thể trong lãnh đạo; kiên quyết, bản lĩnh trong xử lý công việc; tận tình giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho các lớp thế hệ đi sau, học tập, tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Ông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huy Hiệu 55 năm tuổi Đảng… Mới đây, tỉnh Bến Tre tặng ông danh hiệu “Công dân Đồng khởi”.
Người cán bộ nội chính mẫu mực
Với cương vị là Trưởng Ban Nội chính Trung ương từ năm 2001, ông luôn phát huy vai trò người đứng đầu; tâm huyết, trách nhiệm với công việc, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan tham mưu về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính.
Ông luôn giữ phong cách làm việc, lãnh đạo dân chủ, sâu sát, chủ động, sáng tạo. Trước mỗi vấn đề mới từ thực tế cuộc sống, ông chủ động về cơ sở, gặp cán bộ và nhân dân, tìm hiểu vấn đề, khơi gợi để mọi người đề xuất. Trước những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, ông đều lấy thực tiễn để kiểm định và kết luận… Nhờ đó, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điển hình như: Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp với một số cơ quan, tổ chức xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 2/1/2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Đây là Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị nhằm cụ thể hóa và phát triển những chủ trương nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng về công tác tư pháp. Nghị quyết đã đáp ứng yêu cầu nâng cao vai trò của tư pháp trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; sự mong đợi của nhân dân và các cơ quan tư pháp, đưa nền tư pháp của đất nước ta lên một bước mới, tạo điều kiện tăng cường hợp tác quốc tế về công tác tư pháp.
Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu với Bộ Chính trị về nhiều dự án luật quan trọng, nhất là các dự án về tổ chức bộ máy, thiết chế chính trị, quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, về lĩnh vực tư pháp, phát triển kinh tế.
Thời gian đó, trước tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp, ông đã chủ động phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ xây dựng trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 6/3/2002 “Về một số việc cần làm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay”. Chỉ thị của Ban Bí thư ra đời nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền và các cơ quan nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; tạo sự chuyển biến bước đầu trong công tác này.
Và trước thực trạng nhiều vụ án lớn, phức tạp, được Ban Bí thư, Bộ Chính trị chỉ đạo xử lý, đồng chí đã tích cực, chủ động đôn đốc nắm tình hình, trao đổi với các cơ quan tố tụng, các cấp ủy địa phương có liên quan, nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư phương hướng xử lý. Những đóng góp của Ban Nội chính Trung ương thời gian này góp phần khẳng định quan điểm của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong giai đoạn mới thông qua việc xử lý hàng loạt vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, như: Vụ án Năm Cam, vụ Minh Phụng-EPCO, vụ Tân Trường Sanh, vụ Vũ Xuân Trường, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ PMU18…; một số vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra tại Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
Trong suốt quá trình gắn bó với ngành Nội chính Đảng, ông luôn trăn trở và dành nhiều tâm huyết, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, ông nhấn mạnh: “Cán bộ chủ chốt của các cấp ủy cần gương mẫu thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực và không khoan nhượng với bất cứ trường hợp tham nhũng nào khi bị phát hiện, xử lý, kể cả người thân của mình; đồng thời, tăng cường giáo dục, nhắc nhở vợ (chồng), con và nhân viên công tác gần gũi với mình, không để họ lợi dụng uy tín của mình để tham nhũng”.
Có thể khẳng định, từ những kết quả đạt được, Ban Nội chính Trung ương nói riêng và ngành Nội chính Đảng nói chung đã khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có sức lan tỏa lớn, giúp Đảng thực hiện ý nguyện của mình với dân, đem đến cho dân sự bình đẳng, công bằng, sự quang minh chính trực. Giúp dân tin Đảng và đồng hành cùng Đảng. Trong đó, có dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả rõ nét của ông - người cán bộ nội chính mẫu mực Trương Vĩnh Trọng.
Một nhà nông thực thụ
Sau khi nghỉ hưu, ông sinh sống ở quê nhà huyện Giồng Trôm, Bến Tre và tiếp tục đóng góp xây dựng cho quê hương. Đặc biệt đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre, ông luôn là tấm gương sáng về người cán bộ, đảng viên cao niên; một cán bộ cấp cao nhưng rất bình dị, gần gũi với nhân dân.
Sau khi nghỉ hưu, ông bắt tay vào công việc ruộng vườn và trở thành một nhà nông thực thụ. Bất kỳ ai khi đã tiếp xúc với nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại quê nhà ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đều ngạc nhiên trước cách làm vườn bài bản của ông với một vườn cây xanh tốt.
Theo lời những người sinh sống gần đó, họ đã quen với hình ảnh mỗi buổi sáng “chú Hai Nghĩa” xem tin tức xong thì ra vườn xúc đất trồng cây, ra ao cho cá ăn và làm tất cả các công việc như một lão nông thực sự từ bón phân, tỉa cành đến xúc đất... 11 giờ trưa mới nghỉ. Chiều lại ra vườn cặm cụi cho đến tận 5 giờ mới nghỉ.
|
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng làm vườn tại quê nhà. Ảnh: Thanh niên
|
Bước vào khu vườn nhà “chú Hai Nghĩa”, các lối đi trong vườn là cây cảnh, cây thuốc, phía trong có rất nhiều loại cây ăn trái như dừa xiêm, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, ổi, xoài, đu đủ, bơ... và cây dược liệu. Ngoài ra còn có khu chăn nuôi gia cầm, ao thả cá... Và các luống rau trong vườn nhà chính là món ăn hằng ngày không thể thiếu trong bữa ăn gia đình “chú Hai Nghĩa” và là đặc sản dùng để đãi khách.
Dù vui sống cuộc sống thanh nhàn, yên bình ở quê nhà, nhưng mỗi khi nhận được thông tin về sự thay đổi, phát triển của địa phương nào đó là “chú Hai Nghĩa” có mặt tận nơi, xem xét và đóng góp ý kiến để lãnh đạo địa phương có cách xử lý thích hợp. Vì vậy, nhắc đến nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, người dân đều bày tỏ sự yêu thương, ngưỡng mộ…
Tối 19/2, Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết Ban Bí thư T.Ư đảng, đã quyết định Ban Lễ tang Nhà nước gồm 21 đồng chí; đồng chí ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Lễ tang nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, tên thường gọi là Hai Nghĩa.
Lễ tang nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng sẽ được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp Nhà nước. Linh cữu ông Trương Vĩnh Trọng sẽ được quàn tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre.
Để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của Chính phủ, Lễ viếng ông Trương Vĩnh Trọng sẽ được tổ chức tại 2 địa điểm: Lễ viếng tại Bến Tre sẽ được tổ chức tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre từ 8 giờ đến 19 giờ ngày chủ nhật (21/2). Lễ truy điệu và an táng được tổ chức từ 8 giờ đến 11 giờ, thứ 2 (22/2) tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre.