Sáng 6/11, sau khi thẩm vấn, tranh luận kín, HĐXX Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP HCM) đã tuyên án vụ án "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" đối với bị cáo Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng). Theo đó, tòa phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị cáo Linh, tuyên y án sơ thẩm 18 tháng tù đối với bị cáo.
Ít giờ sau khi bị tòa phúc thẩm tuyên y án 18 tháng tù về tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi”, Nguyễn Hữu Linh đã viết đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Qua đó, dư luận đặt câu hỏi: "Vì sao bị cáo Nguyễn Hữu Linh không bị bắt giam ngay sau phiên toà mà vẫn được tự do ra về. Giám đốc thẩm thì xử sau khi đệ đơn bao lâu, nếu vẫn bị y án thì sẽ như thế nào?".
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn Phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật thì bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày tòa án cấp phúc thẩm mới phát hành bản án và bản án cấp phúc thẩm sẽ được tống đạt cho bị cáo, tòa án cấp sơ thẩm và cơ quan thi hành án hình sự.
|
Nguyễn Hữu Linh bị tuyên 18 tháng tù giam tuy nhiên chưa bị thi hành án ngay. |
Sau khi nhận được bản án phúc thẩm thì tòa án cấp sơ thẩm sẽ ra Quyết định thi hành án. Khi có quyết định thi hành án thì tòa án, cơ quan thi hành án hình sự sẽ tổ chức thi hành quyết định này, sẽ ban hành lệnh bắt giam và bắt để thi hành án đối với Nguyễn Hữu Linh. Tại thời điểm có quyết định thi hành án và có lệnh bắt để thi hành án thì ông Linh sẽ bị bắt để chấp hành hình phạt 18 tháng tù theo nội dung bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã tuyên.
Việc thi hành án hình sự, tổ chức thi hành án hình sự đối với bản án hình sự tuyên phạt 18 tháng tù với Nguyễn Hữu Linh sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Luật thi hành án hình sự năm 2010 (có hiệu lực đến ngày 01/01/2020) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Thẩm quyền và thủ tục đưa ra thi hành bản án và quyết định của Tòa án quy định tại điều 364 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể như sau: Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.
Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã.
|
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn Phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
|
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì ông Chánh án tòa án quận 4, TP HCM sẽ có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc có thể ủy thác cho Chánh án tòa án nơi ông Linh đang cư trú ra quyết định thi hành án.
Sau khi Tòa án Cấp phúc thẩm (tòa án thành phố Hồ Chí Minh) ban hành bản án phúc thẩm và giao cho tòa án cấp sơ thẩm ( Toà án quận 4) thì chánh án tòa án cấp sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày tính từ ngày (06/11/2019), ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày tòa án cấp sơ thẩm nhận được bản án phúc thẩm.
Trong trường hợp tòa án quận 4 ủy thác cho tòa án tại Đà Nẵng (Nơi Nguyễn Hữu Linh cư trú) ra quyết định thi hành án thì Chánh án tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ ra quyết định thi hành án trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được bản án và văn bản ủy thác. Sau khi có quyết định thi hành án thì trong thời hạn bẩy ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, ông Nguyễn Hữu Linh phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện để thi hành bản án nêu trên.
Về nguyên tắc thì bản án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành ngay theo trình tự, thủ tục nêu trên. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án thì ông Nguyễn Hữu Linh vẫn có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm (là Chánh án tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại hồ thành phố Hồ Chí Minh) xem xét lại 2 bản án này theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc thủ tục Tái thẩm.
Việc có đơn đề nghị xem xét lại hai bản án (Sơ thẩm và phúc thẩm) theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm là quyền của bị cáo. Tuy nhiên, việc người có thẩm quyền kháng nghị có đồng ý chấp nhận yêu cầu theo đơn đề nghị hay không thì phải căn cứ vào các quy định pháp luật. Trong thời gian chờ xem xét đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì người phải thi hành án vẫn phải chấp hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 370 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Còn thủ tục tái thẩm là thủ tục xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có “tình tiết mới” mà trước đó tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đều không biết, chưa xem xét. Tình tiết mới này phải có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án và có thể làm thay đổi bản chất của vụ án.
Như vậy, nếu ông Linh có đơn khiếu nại hai bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì phải xuất trình các tài liệu, chứng cứ và có những lập luận để chứng minh có đủ căn cứ để xem xét lại hai bản án này theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc thủ tục tái thẩm theo quy định của pháp luật. Việc xem xét lại hai bản án này sẽ phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định. Việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu thì phải căn cứ vào các quy định của bộ luật tố tụng hình sự.
|
Hình ảnh cắt từ clip. |
Luật sư Cường bày tỏ, theo quan điểm cá nhân tôi thì cơ hội để hủy bỏ 2 bản đã kết tội ông Linh để tuyên bố ông Linh không phạm tội là không cao, nếu không muốn nói rằng không có căn cứ gì.
Bởi hành vi của ông Linh thể hiện rất rõ ràng qua clip hình ảnh (nhiều lần xông vào ôm, hôn vào phần mặt, vào cổ của bé gái 9 tuổi mà ông này không hề quen biết, hành vi ôm hôn thể hiện trong thang máy khi chỉ có hai người, việc ôm hôn xảy ra ngay sau khi người bảo vệ bấm thang máy ra ngoài, hành động rất nhanh chóng, quyết liệt, vồn vã khiến đứa trẻ sợ hãi, hoảng loạn bỏ chạy và còn ngã ra sàn), hình ảnh clip này đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thể hiện rất rõ nét thái độ, cử chỉ, hành vi của ông Linh và nạn nhân. Với thông tin hình ảnh như vậy thì ông Linh không thể chối cãi được hành vi và thái độ của mình.
Nếu hành vi ôm hôn, biểu lộ cảm xúc quý mến là với trẻ em quen biết, trước mặt đông người, một cách công khai và làm cho cháu bé cảm thấy vui vẻ thì mới được gọi là cưng “nựng”. Tuy nhiên, hành vi này diễn ra trong một không gian, thời gian vắng vẻ riêng tư như vậy, thái độ vồn vã, hoảng sợ như vậy thì không thể nói rằng đây là nựng được.
>>> Xem thêm video: Tòa tuyên án, Nguyễn Hữu Linh vẫn chưa bị bắt