Nhận hối lộ nhiều lần hơn 13 tỷ đồng
2 tội danh bị cáo Lê Đức Thọ bị xét xử là “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Vậy diễn biến phạm tội của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre ra sao?
|
Bị cáo Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (người nhắm mắt ngồi hàng sau bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Như Phương). |
Đối với tội “Nhận hối lộ” của bị cáo Lê Đức Thọ và “Đưa hối lộ” của các bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979, nguyên Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Xuyên Việt Oil), Vũ Trung Thành (SN 1981, nguyên Giám đốc 1 ngân hàng thương mại Chi nhánh Thanh Xuân) chủ yếu trong việc xin phê duyệt hạn mức tín dụng (HMTD) cho Xuyên Việt Oil tại 1 ngân hàng Chi nhánh TP.HCM và Chi nhánh Chương Dương.
Đầu năm 2018, Hạnh quen Thọ do Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với ngân hàng Chi nhánh TP.HCM. Tháng 10/2018, Lê Đức Thọ được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT 1 ngân hàng, có thẩm quyền thay mặt HĐQT phê duyệt cấp giới hạn tín dụng (GHTD) trên 3.000 tỷ đồng cho khách hàng.
Để được Thọ tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp GHTD, kéo dài thời gian duy trì GHTD cho Xuyên Việt Oil tại ngân hàng, tháng 1/2019, Hạnh và Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992, Phó Giám đốc Xuyên Việt Oil) đến gặp Thọ tại phòng làm việc của Thọ tại trụ sở ngân hàng, số 108 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Tại cuộc gặp, Hạnh xin Thọ hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ Xuyên Việt Oil được cấp GHTD 7.000 tỷ đồng.
Lê Đức Thọ nhận lời và đề nghị Hạnh cung cấp đủ hồ sơ để xem xét giải quyết. Kết thúc cuộc gặp, Hạnh đưa Thọ 100.0000 USD. Ngày 18/4/2019, Lê Đức Thọ thay mặt HĐQT ngân hàng ký nghị quyết 107/NQ-HĐQT-NHCT2.1 phê duyệt cấp GHTD 7.000 tỷ đồng cho Xuyên Việt Oil.
Lần đưa và nhận hối lộ lần thứ 2 giữa Hạnh và Thọ, có sự giúp sức của Vũ Trung Thành. Vào đầu năm 2019, Thành được bổ nhiệm làm Giám đốc 1 ngân hàng-Chi nhánh Chương Dương, Thành tiếp cận và đề nghị Hạnh nối lại quan hệ tín dụng với ngân hàng-Chi nhánh Chương Dương, biết Thành có mối quan hệ tốt với lãnh đạo ngân hàng và Lê Đức Thọ nên Hạnh đồng ý. Khi được Hạnh hỏi nên gặp ai tại ngân hàng để xin hỗ trợ, giải quyết cấp GHTD năm 2020-2021 cho Xuyên Việt Oil, Thành nói Hạnh nên gặp nhờ Thọ giúp đỡ.
Để chuẩn bị tiền đưa cho Lê Đức Thọ, Hạnh chỉ đạo Phương chuyển 21 tỷ đồng cho Thành để nhờ mua giúp 900.000 USD. Đầu tháng 1/2020, Hạnh và Thành xin gặp và được Thọ đồng ý. Thành liên hệ Nguyễn Như Nguyện–Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Anh Quang Hà Vũ để mua 900.000 USD, hướng dẫn Nguyện nhận 21 tỷ đồng.
Lối sống… xa hoa lãng phí
Ngày 9/1/2020, Hạnh cùng Phương đến gặp Thành để nhận 900.000 USD do Nguyện bán. Sau đó, Hạnh và Thành, Phương và Vũ Văn Hải-Phó phòng khách hàng doanh nghiệp ngân hàng-Chi nhánh Chương Dương đến trụ sở chính của ngân hàng tại TP Hà Nội. Khi Hạnh hỏi đưa bao nhiêu tiền cho Thọ, thì Thành cho rằng nên đưa 200.000 USD - 300.000 USD, Hạnh thống nhất đưa Thọ 300.000 USD, nhưng sau đó tự quyết định đưa Thọ 500.000 USD.
|
HĐXX phiên tòa sơ thẩm TAND TP.HCM xét xử vụ án nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhận hối lộ. |
Khi đến trụ sở ngân hàng, Thành cùng Hạnh vào phòng làm việc của Lê Đức Thọ. Trong cuộc gặp gỡ, Hạnh xin Thọ tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil được ngân hàng cấp GHTD 5.000 tỷ đồng năm 2020–2021, và tiếp tục chia sẻ GHTD cho ngân hàng- Chi nhánh Chương Dương, mở rộng điều kiện về tín chấp cho Xuyên Việt Oil là 30%. Lê Đức Thọ đồng ý giúp và đề nghị Hạnh cung cấp đủ hồ sơ để giải quyết, kết thúc cuộc gặp Hạnh cho Thọ 500.000 USD.
Do Xuyên Việt Oil chưa cung cấp đủ hồ sơ đề nghị cấp GHTD năm 2020–2021, nên Hạnh tiếp tục đề nghị Thọ cho kéo dài thời gian duy trì GHTD, Thọ đồng ý. Ngày 25/5/2020, Lê Đức Thọ thay mặt HĐQT ngân hàng ký ban hành Nghị quyết 207/NQ-HĐQT-NHCT2.1 phê duyệt kéo dài GHTD 5.000 tỷ đồng đối với Xuyên Việt Oil đến hết ngày 31/8/2020.
Ngoài nhận hối lộ 600.000 USD của Hạnh, trong thời gian giữ chức Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT ngân hàng, Thọ còn được Hạnh nhiều lần tặng tiền với mục đích làm quen, tạo mối quan hệ, gồm: 470.000 USD và 1 đồng hồ Patek Philippe trị giá 1.163.350.110 đồng. Tổng số tiền 1.070.000 USD Thọ nhận của Hạnh (gồm khoản Hạnh tặng và đưa hối lộ cho Thọ), Thọ khai gửi 440.000 USD tại nhà em trai là Lê Anh Tuấn (Tuấn đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an vào ngày 15/12/2023), số tiền còn lại Thọ chi tiêu cá nhân.
Chỉ trong việc phê duyệt GHTD cho Xuyên Việt Oil tại ngân hàng, Lê Đức Thọ nhận hối lộ 600.000 USD của Mai Thị Hồng Hạnh; đối với Vũ Trung Thành có hành vi giúp sức cho Hạnh, nhưng Thành chỉ chịu trách nhiệm hình sự số tiền 300.000 USD trong số 500.000 USD mà Hạnh đưa cho Thọ tại lần đưa hối lộ thứ 2.
Lợi dụng chức vụ gây ảnh hưởng, trục lợi hơn 22 tỷ đồng
Ngoài ra bị cáo Lê Đức Thọ còn “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Vào ngày 3/7/2021, Lê Đức Thọ được điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (nhiệm kỳ 2020-2025). Để nâng cao uy tín bản thân, Thọ nhiều lần đề nghị Hạnh lập chi nhánh hoặc công ty con của Xuyên Việt Oil tại Bến Tre để nộp thuế nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh; Thọ hứa tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ Hạnh được thực hiện các dự án bất động sản, cảng biển, du lịch tại Bến Tre.
Ngày 7/12/2021, theo đề nghị của Thọ, Hạnh lập Công ty Cổ phần Việt Oil (Công ty Việt Oil), đăng ký kinh doanh tại phường 5, TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) do Hạnh làm Tổng Giám đốc. Hạnh đề nghị Thọ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Việt Oil được vay vốn ngân hàng, Thọ đồng ý và đề nghị Hạnh vay vốn tại ngân hàng Chi nhánh Bến Tre.
Tiếp đó, Thọ nhiều lần gặp, gọi điện cho Nguyễn Thanh Trường-Giám đốc 1 ngân hàng tại Bến Tre yêu cầu Trường liên hệ Hạnh để tìm hiểu nhu cầu vay vốn của Công ty Việt Oil, hỗ trợ giải quyết nhanh về hồ sơ, thủ tục. Khi biết ngân hàng Bến Tre dự kiến thu phí 100 triệu đồng đối với tài khoản số đẹp cấp cho Công ty Việt Oil, Thọ yêu cầu Trường làm tờ trình Hội sở ngân hàng xin miễn phí mở tài khoản cho Công ty Việt Oil và được chấp thuận.
Ngày 20/1/2022, ngân hàng Bến Tre có tờ trình đề xuất Tổng Giám đốc ngân hàng phê duyệt cấp GHTD 400 tỷ đồng cho Công ty Việt Oil với tỉ lệ tài sản đảm bảo 50%, tín chấp 50%, nhưng không được phê duyệt vì lý do Xuyên Việt Oil (công ty mẹ của Công ty Việt Oil) đang được cấp tín dụng với tỉ lệ tài sản đảm bảo là 80%, tín chấp là 20%. Lúc này, Hạnh yêu cầu tỉ lệ tín chấp từ 40% trở lên thì mới đồng ý vay vốn.
Sau đó Trường gặp, báo cáo Lê Đức Thọ và được Thọ yêu cầu khẩn trương thẩm định, lập hồ sơ trình Hội sở ngân hàng phê duyệt GHTD theo đề nghị của Hạnh. Theo yêu cầu của Thọ, ngày 15/2/2022, ngân hàng Bến Tre có tờ trình thẩm định, đề xuất Tổng Giám đốc ngân hàng xem xét phê duyệt cho Công ty Việt Oil vay 400 tỷ đồng, tỉ lệ tín chấp 40%, và được phê duyệt vào ngày 1/3/2022. Từ ngày 3/3/2022 đến 3/8/2022, ngân hàng Bến Tre giải ngân vốn vay 20 lần cho Công ty Việt Oil, tổng số tiền 892.266.093.637 đồng.
Truớc, trong và sau khi tác động Nguyễn Thanh Trường và ngân hàng Bến Tre giải quyết cho Công ty Việt Oil vay, Lê Đức Thọ đã 3 lần được Hạnh đưa tiền, tài sản. Lần 1 vào đầu năm 2022, Hạnh tặng Thọ 1 bộ gậy golf trị giá 1,1 tỷ đồng và 1 đồng hồ hiệu Patek Philippe Plus trị giá 421.000 USD; lần 2 vào ngày 28/3/2022, Hạnh đưa cho Thọ 200.000 USD; lần thứ 3 vào tháng 5/2022, Hạnh mua tặng Thọ xe ôtô hiệu Mercedes Ben-S450 Luxury trị giá 6.669.880.000 đồng.
Ngoài tiền, tài sản nhận được do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thúc đẩy Nguyễn Thanh Trường và ngân hàng Bến Tre giải quyết khoản vay cho Công ty Việt Oil, trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Lê Đức Thọ còn được Hạnh nhiều lần tặng tiền và quà, gồm: 200.000 USD và 300 triệu đồng; 3 đồng hồ Patek Philippe.
Trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và lợi dụng nguyên là Chủ tịch HĐQT ngân hàng để giải quyết cho Công ty Việt Oil vay vốn tại ngân hàng ở Bến Tre, Lê Đức Thọ hưởng lợi 200.000 USD và một số tài sản (1 bộ gậy golf trị giá 1,1 tỷ đồng; 1 đồng hồ hiệu Patek Philippe trị giá 421.000 USD; xe ôtô hiệu Mercedes S450 Luxury, trị giá 6.669.880.000 đồng).