Công an TP Đà Nẵng mới đây đã khởi tố Nguyễn Quang Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI (Công ty GFDI) cùng 4 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Điều tra xác định, Công ty GFDI được Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cấp phép, có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, hoạt động tư vấn quản lý, tư vấn đầu tư. Ngoài Hội sở tại Đà Nẵng, công ty này còn có 11 chi nhánh khác tại các tỉnh, thành.
Đáng chú ý, từ tháng 5/2018, GFDI tiến hành huy động vốn bằng hình thức ký hợp đồng vay tiền của khách hàng tại Đà Nẵng và một số địa phương khác. Để khách hàng cho công ty vay tiền, Nguyễn Quang Hoàng chỉ đạo cho các chi nhánh, phòng kinh doanh, nhân viên kinh doanh quảng cáo…, đưa ra thông tin gian dối rằng toàn bộ dòng tiền của khách hàng sẽ được GFDI sử dụng đầu tư các dự án có khả năng sinh lời cao như F&B (Nhà hàng Làng Nghệ Đà Nẵng; Nhà hàng Làng Nghệ Quảng Trị); Sản xuất hàng tiêu dùng và Thương mại như Seneco, Enzy Food, K-Products; sản xuất phim điện ảnh… Công ty này cũng cam kết với khách hàng sẽ hoàn trả tiền gốc, lãi đúng theo hợp đồng đã ký.
|
Tổng Giám đốc GFDI Nguyễn Quang Hoàng khi bị bắt. |
Hoàng chỉ đạo Công ty GFDI xuất bản các ấn phẩm quảng cáo, chạy nhiều chương trình marketing để giới thiệu về các dự án đầu tư trên, đồng thời đưa ra các hạn mức lãi suất cho vay hấp dẫn, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng như: Gói 1 tháng (lãi suất 1,5% - 2%/1 tháng), 3 tháng (lãi suất 2,5%/1 tháng), 6 tháng (lãi suất 3%/ 1 tháng), từ 9 tháng trở lên (lãi suất 3,5%/1 tháng).
Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền từ khách hàng, Hoàng sử dụng sai mục đích và sử dụng chính vào các chi phí cho hoạt động kêu gọi vay tiền cũng như trả lãi cho các hợp đồng đến hạn. Kết quả thống kê ban đầu xác định, Nguyễn Quang Hoàng đã chiếm đoạt của 7.541 khách hàng với tổng số tiền hơn 3.700 tỷ đồng.
Dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự.
Với hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người (hơn 7,5 ngàn người), với số tiền chiếm đoạt hơn 3700 tỷ đồng là đặc biệt lớn nên các bị can trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tố tụng để điều tra làm rõ vụ việc, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, các chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội, làm rõ vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt là cơ quan điều tra sẽ làm rõ dòng tiền, tài sản do phạm tội mà có của các bị can và các tài sản của các bị can để đảm bảo thi hành án.
Đối với những nạn nhân đầu tư vào doanh nghiệp này, họ cần sớm liên hệ với cơ quan điều tra, cung cấp các thông tin tài liệu và trình bày về quá trình giao dịch, chuyển tiền, nhận lãi và các vấn đề có liên quan để được tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại.
Theo quy định của pháp luật, người bị hại có quyền đề nghị mức xử lý đối với đối tượng phạm tội, đồng thời có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả để đảm bảo quyền lợi của người bị hại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu bị can hoặc những người thân thích của bị can tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả. Trong trường hợp bị can, bị cáo không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc những người thân thích không bồi thường khắc phục thay thì tòa án sẽ tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả khi giải quyết vụ án.
Các tài sản do phạm tội mà có, tài sản có liên quan đến tội phạm và các tài sản khác thuộc quyền sở hữu hợp pháp của các bị cáo cũng sẽ bị niêm phong, kê biên để đảm bảo thi hành án.
Với những vụ án mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người như vậy, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, việc đảm bảo quyền lợi cho những người bị hại là không thể đầy đủ được. Nếu các bị can còn tiền, còn tài sản để bồi thường, quyền lợi của những người bị hại mới được đảm bảo phần nào. Nếu số tiền tài sản còn lại không đủ chưa biết đến khi nào người bị hại mới được bồi thường khắc phục. Vụ việc trên sẽ là bài học cho nhiều người khi thiếu kiến thức đầu tư, thiếu kinh nghiệm và bị các đối tượng lừa đảo do ham lợi nhuận, lãi suất cao.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Đây không phải là một vụ án đầu tiên cơ quan điều tra khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn trái phép. Trước đó những vụ việc xảy ra đối với kinh doanh sâm Ngọc Linh, bất động sản Nhật Nam và nhiều doanh nghiệp khác đã cho thấy, khi doanh nghiệp đưa ra chiêu trò để huy động vốn mà không có hoạt động sản xuất kinh doanh gì hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ là hình thức phông bạt để lừa đảo, các nhà đầu tư cần thận trọng.
Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với các hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp. Khi phát hiện ra doanh nghiệp huy động vốn trái phép, cần phải có giải pháp ngăn chặn, cảnh báo và xử lý kịp thời để tránh những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Bởi khi đối tượng huy động vốn của hàng ngàn người, với hàng ngàn tỷ đồng mới xử lý, khi đó hậu quả sẽ rất nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài đến xã hội.
Cảnh sát xác định được 24 tài sản và rất nhiều tài khoản có liên quan đến dòng tiền
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã rà soát, xác định được 24 tài sản và rất nhiều tài khoản có liên quan đến dòng tiền bị chiếm đoạt nhằm phục vụ công tác bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của các bị can gây ra.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng Cảnh sát kinh tế) Công an thành phố Đà Nẵng đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án nhằm tiếp tục làm rõ vai trò của các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời, tiếp tục rà soát và có biện pháp thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt nhằm khắc phục cho người dân.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng trước các thủ đoạn kêu gọi vay mượn tài sản, huy động vốn của các nhóm đối tượng tương tự vụ việc xảy ra tại Công ty GFDI, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời thông báo cho những ai là nạn nhân trong vụ việc nói trên, đề nghị liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng qua số điện thoại 0694260254 (Trực ban hình sự) hoặc số điện thoại 0934660178 gặp đồng chí Đỗ Văn Nam – Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế hoặc liên hệ trụ sở Công an nơi gần nhất để trình báo.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người phụ nữ suýt mất 700 triệu đồng cho đối tượng xưng công an lừa đảo