Không đất đai, không việc làm ổn định, bà Hồng phải sống chật vật, làm mướn kiếm tiền để nuôi sống bản thân. Thế nhưng, chỉ trong vòng mấy năm nay thôi, người đàn bà này đã liên tiếp cưu mang đến 3 phận đời bất hạnh.
Người thân chì chiết cho rằng, bà chỉ biết chăm lo, cung phụng người dưng còn cuộc sống của họ hàng bà chẳng hề để ý. Lúc đó, bà Hồng chỉ cười và bảo rằng: “Ông trời đã gắn cho tôi nhiệm vụ phải giúp người nghèo khổ thì mình phải gắng sức làm cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay”.
“Nghiện” cưu mang những phận đời cơ nhỡ
Trong căn nhà lá nằm trơ trọi bên cạnh các vuông tôm, bà Nguyễn Thị Thu Hồng (53 tuổi, ngụ ấp 2, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đang cặm cụi chống xuồng đốn dừa nước để kịp bán vào chợ sáng. Trong ngôi nhà tranh nhỏ ấy hiện tại có đến 4 miệng ăn mà chỉ có mình bà là lao động chính. Có khách, người đàn bà nở nụ cười thân thiện dắt khách vào nhà và bảo: “Mấy chú vào nhà uống nước, nha tôi nhỏ vậy chứ có đến 4 người”.
|
Cụ Nguyễn Thị Chình đang được bà Hồng chăm sóc, dưỡng nuôi. |
Mỗi ngày như vậy, bà Hồng chỉ kiếm được vài chục ngàn từ việc bán dừa nước đủ để cả nhà sống hết một ngày. Những hôm bị bệnh, không đi làm được thế là cả nhà phải mượn gạo, hái rau vườn đắp đổi cho qua bữa.
Bà kể lại, trước đây khi sống một mình, bà thường đến chùa để nghe các nhà sư thuyết giảng về phật pháp. Tin lời phật bà về nhà ăn chay và mong muốn làm được điều gì đó để giúp ích cho đời. “Tôi chỉ sống có một mình thì cơm ngày 2 bữa là xong nên làm ra được bao nhiêu tôi tình nguyện mang ra để giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó hơn mình. Trông thấy nhiều người không nhà không cửa, bệnh thì không ai lo, tôi không thể cầm lòng”, bà Hồng nói.
5 năm trước trong một dịp viếng chùa, tình cờ bà Hồng gặp được một người phụ nữ có cùng hoàn cảnh như mình có tên là Lê Thị Trúc. Dù đã hơn 40 tuổi đầu, nhưng bà Trúc vẫn ở vậy, sớm hôm chùa chiền bỏ mặc mọi sự ngoài tai. Như một mối lương duyên, hai người đàn bà không chồng này bắt tay nhau làm bạn và cùng đồng tâm thiện nguyện, cưu mang những hoàn cảnh bơ vơ.
Khi về nhà sống chung, bà Hồng thì miệt mài làm lụng để nuôi sống bản thân cùng người bạn có cùng hoàn cảnh với mình. Một lần nọ, trông thấy một đứa bé chưa đầy tháng tuổi mà cha mẹ bỏ đi, bà Trúc đã nhận bé làm con nuôi và hứa sẽ suốt đời chăm sóc bé. “Chúng tôi hai người phụ nữ sống cùng một nhà nên cũng buồn, thấy bé cần sự giúp đỡ nên chúng tôi sẵn lòng. Từ ngày có bé Ngọc (tên đứa bé) căn nhà chúng tôi như vui hẳn lên. Mỗi khi đi làm về mệt, nghe tiếng bé bi bô, mọi mỏi mệt dường như tan biến”, bà Hồng vui vẻ nói.
Thế là từ một người sống đơn thân, hiện tại trong căn nhà của bà Hồng có thêm một người phụ nữ cùng một đứa bé mà họ đã gọi là con và tự nhận mình là mẹ. Cuộc sống ngày một khó khăn, bà Hồng phải cật lực để duy trì cuộc sống trong đói nghèo.
Không dừng lại ở đó, cách đây một năm khi bà Hồng mang dừa nước bán ở chợ, vô tình bắt gặp một bà lão gầy còm, ngồi co ro nép mình giữa cái ồn ào của chợ búa. Sau khi bắt chuyện làm quen, bà Hồng được biết cụ bà 64 tuổi kia có tên là Nguyễn Thị Chình đang bị con cái bỏ rơi, đi lang thang để tìm chốn nương nhờ. Cám cảnh đời cụ bà tội nghiệp, người đàn này đã tiếp tục cưu mang một phận đời cơ nhỡ mà không hề toan tính, nghĩ suy.
Bà Hồng cho biết: “Tôi gặp cụ Chình trong một ngày mưa lạnh, trông thấy tôi cụ giơ tay ra tỏ vẻ khẩn cầu, tôi quyết định mang cụ ấy về nhà nuôi và phụng dưỡng”.
Vì là phụ nữ lại không lập gia đình nên bà Hồng không được bố mẹ mình cho đất đai sản xuất, thành thử để có miếng ăn bà phải chật vật làm mướn suốt ngày. Thấy những hoàn cảnh không chốn nương thân, bà đã về nhà xin gia đình mượn tạm một miếng đất cất lên một mái nhà tranh để cưu mang những phận đời cơ nhỡ. Bà xem đó là một gia đình nhưng 4 thành viên trong nhà bà hiện tại không một ai có quan hệ họ hàng, ruột thịt.
Khi kết bạn với bà Trúc, người phụ nữ này xem người cùng cảnh ngộ ấy là một người bạn thân nhất của đời mình. Khi nhận bé Ngọc dưỡng nuôi, người đàn này đã tự đặt ra cho mình một nhiệm vụ là phải cho bé học hành, lo lắng chuyện tương lai. Và khi nhận cụ Chình trong lúc cô đơn, bà Hồng tự nhận cụ bà này là mẹ và chuyện phụng dưỡng cụ Chình đối với bà cũng là một lẽ đương nhiên, một bổn phận làm con đối với mẹ già.
Nói về bà Hồng, cụ Chình tâm sự: “Tôi may mắn gặp được Hồng, nhiều lúc tôi thầm nghĩ nếu không gặp được Hông tôi không biết sẽ sống ra sao. Hồng gọi tôi là mẹ và hứa sẽ chăm sóc cho tôi đến suốt đời. Hơn một năm sống cạnh Hồng, tôi mới hiểu thì ra giữa cuộc sống đầy toan tính cũng có một người có tấm lòng nhân hậu như Hồng”.
Ước mơ mua một miếng đất đất để chôn… người dưng
Căn nhà mà bà Hồng đang ở là phần đất mà bà mượn tạm của gia đình để có chỗ che nắng, che mưa. Trong số hơn 10 anh chị em chỉ có mình bà là chưa lập gia đình và cũng không được chia đất làm kế sinh nhai, bà cũng chưa từng than trách một lời nào. Chỉ khi thấy những phận đời cơ nhỡ, bà mới nén lòng mượn đất của mẹ để dựng tạm căn nhà cưu mang cho họ.
|
Ngôi nhà lá giản đơn của bà Hồng. |
Bà bảo, giờ phải ráng làm lụng để mua được miếng đất nhỏ, sau này cụ Chình đến tuổi già thì cũng có đất để chôn. “Tôi mới gọi bà Chình là mẹ được hơn một năm nhưng tôi luôn suy nghĩ bà ấy chính là mẹ của tôi và tôi phải có trách nhiệm làm tròn chữ hiếu đối với bà”, bà Hồng tâm sự.
Còn đối với bé Ngọc, bà Hồng mong muốn nhà nước sẽ sớm tách hộ khẩu cho bà để bà danh chính ngôn thuận làm giấy khai sinh cho bé. Người đàn bà có một ước mơ đó là lo lắng cho bé Ngọc nên người để sau này gặp lại cha mẹ đẻ, bé sẽ cảm thấy tự hào vì được dưỡng nuôi trong một gia đình đầy ắp tình yêu thương.
Bà cho biết: “Dù cực khổ cách mấy tôi cũng chịu được miễn sao lo được cuộc sống tốt cho những người mình đã nhận cưu mang. Có người nói tôi bị đãng trí tự dưng đi nhận người dưng và ra công nuôi dưỡng nhưng tôi không màng. Bản thân mình thấy công việc mình đang làm có ý nghĩa thì vẫn cứ làm, ai muốn nói sao mặc kệ”.
Nhắc đến cách sống và tấm lòng của bà Hồng, nhiều người lấy làm thắc mắc vì trên đời này hiếm có một người nào chỉ quan tâm đến người khác mà không thiết nghĩ đến bản thân. Nhiều người thương bà thì bảo, những việc làm ấy xuất phát từ tấm lòng của một người biết yêu thương đồng loại. Nhưng cũng có nhiều người ác cảm với bà, họ cho rằng bà bị “hâm” nên mới làm như vậy. Gạt đi những suy nghĩ đó, hằng ngày người đàn bà này lại lam lũ làm việc để kiếm tiền mua gạo về nuôi một em bé bị bỏ rơi, một cụ bà bị cháu con ruồng rẫy.
Thấy cách sống “lạ” của bà Hồng, người thân hết lời khuyên răn bà nên lập gia đình rồi sinh con đẻ cái lo lắng chuyện lai. Những lúc đó bà Hồng chỉ biết ậm ừ cho qua vì bà nghĩ: “Nếu tôi không giúp họ thì biết có ai cưu mang họ không, một ngày tôi còn sống tôi sẽ không để cho những người có hoàn cảnh trở trêu hiện diện trước mắt mình”.
Quanh năm suốt tháng, bà Hồng tất bật chuyện mưu sinh, làn da của bà đen sạm, mái tóc óng ả ngày nào nay đã được cắt ngắn chẳng khác một người đàn ông. Tối ngày quẩn quanh lo lắng cuộc sống cho những người dưng mà đôi khi bà quên mất mình còn một mẹ già đang sống cùng một người con thứ.
Nhắc đến con, bà Năm Cầm (mẹ đẻ bà Hồng) tỏ vẻ giận hờn: “Suốt đời nó chỉ biết làm mọi cho người ta trong khi mẹ nó thì nay yếu mai đau nó cũng không màng”. Giận thì nói vậy chứ thật ra từ sâu thẳm tâm hồn người mẹ, bà Năm vẫn hướng về con, bà chỉ thương con cực khổ chứ tấm lòng “vì người khác” của con bà đã thuộc nằm lòng.
Nhắc đến mẹ, bà Hồng xúc động: “Một ngày không làm việc thì con nuôi, mẹ nuôi của tôi sẽ bị đói, thật sự tôi rất ít có thời gian thăm mẹ của mình. Nhưng tôi tin rằng, mẹ tôi sẽ hiểu mà tha lỗi cho tôi, những việc tôi làm dần dần mẹ tôi cũng sẽ cảm thông, thấu hiểu”. Kết thúc buổi trò chuyện, người đàn bà này lại vội vã chống xuồng đốn dừa nước để còn kịp bán vào buổi chợ sớm mai. Và hôm nay lại là một ngày vất vả đối với bà nhưng bà vẫn nở nụ cười lạc quan ẩn chứa niềm vui của một con người suốt đời sống vì người khác.
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):