Nghi vấn ông Ngô Nhật Phương làm “lộ bí mật Nhà nước”
Sau 6 ngày xét xử và nghị án, chiều 1/10, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty VN Pharma.
Liên quan vụ án trên, điều dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ bản án của các bị cáo mà còn đặt câu hỏi về việc ông Ngô Nhật Phương – người làm chứng, người liên quan trong vụ án có tiết lộ văn bản mật của Bộ Y tế như đại diện Viện Kiểm sát cáo buộc?
|
Ông Ngô Nhật Phương. Ảnh: PLO |
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, quá trình điều tra vụ án, Bộ Y tế đã gửi cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an công văn đóng dấu mật về nguồn gốc, chất lượng lô thuốc H-Capita. Việc quản lý, khai thác, sử dụng nội dung công văn này phải được tuân thủ theo các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Thời điểm tháng 6/2018, khi công văn chưa được giải mật, ông Ngô Nhật Phương đã trực tiếp giao nộp cho cơ quan điều tra một số tài liệu liên quan đến nguồn gốc lô thuốc.
Đại diện VKS đã kiến nghị HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra xác minh tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước liên quan đến đến các tài liệu mật của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Ngô Nhật Phương khẳng định không biết gì về các nội dung mật của Bộ Y tế. Đồng thời khẳng định, các văn bản của ông là do bạn hàng kinh doanh dược ở Ấn Độ cung cấp. Ngay chiều 30/9, ông Phương có đơn gửi TAND TP.HCM, VKS cùng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Liên quan nội dung nghi vấn ông Ngô Nhật Phương làm “lộ bí mật Nhà nước”, HĐXX đã quyết định chuyển các tài liệu trên cho cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an giải quyết theo thẩm quyền.
Hình phạt cao nhất 15 năm tù
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết, theo quy định pháp luật thì trong quá trình tố tụng, nếu phát hiện ra các đương sự trong vụ án hoặc người khác có dấu hiệu tội phạm, có hành vi phạm tội khác thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải xem xét xử lý.
Trong trường hợp tòa án cho rằng, các vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Toà án có quyền khởi tố vụ án hoặc chuyển thông tin cho cơ quan điều tra xem xét xác minh làm rõ để cơ quan điều tra khởi tố. Viện kiểm sát cũng có quyền đề nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ các hành vi có dấu hiệu tội phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Bởi vậy, trong vụ án trên nếu Viện kiểm sát có căn cứ cho thấy có người đã làm lộ bí mật nhà nước thì hoàn toàn có quyền đề nghị tòa án xem xét hoặc yêu cầu cơ quan điều tra xác minh làm rõ để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn Luật bảo vệ bí mật nhà nước và cho biết, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài liệu, thông tin là bí mật nhà nước có trách nhiệm giữ bí mật, bảo vệ theo quy định pháp luật. Luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước. Lộ bí mật nhà nước là trường hợp người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết, Bộ Luật hình sự quy định về tội danh và hình phạt đối với hành vi làm lộ bí mật nhà nước trong hai trường hợp cố ý và vô ý làm lộ bí mật nhà nước cụ thể ở điều 338 về Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước:
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ngày liệu mà người làm chứng cung cấp trong vụ án này có phải là tài liệu mật không, ai có trách nhiệm quản lý tài liệu này, ai có hành vi làm lộ tại điều này, việc làm lộ là cố ý hay vô ý để làm cơ sở xác định có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự hay không, nếu có thì khởi tố theo tội về lỗi cố ý hay lỗi vô ý như các tội danh mà bộ luật hình sự đã quy định nêu trên.
Trong trường hợp bị xử lý hình sự thì với lỗi vô ý hình phạt có thể lên đến 7 năm tù, còn trường hợp lỗi cố ý làm lộ bí mật nhà nước thì hình phạt có thể lên đến 15 năm tù.
Luật bảo vệ bí mật Nhà nước quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước bao gồm: Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ; Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật; Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu; Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước; Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép; Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.
Theo quy định tại khoản 11, điều 7 luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định: Phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực sau đây chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc quy định: Thông tin về y tế, dân số; thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; Chủng, giống vi sinh vật mới phát hiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người; mẫu vật, nguồn gen, vùng nuôi trồng dược liệu quý hiếm; Quy trình sản xuất dược liệu, thuốc sinh học quý hiếm; Thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số. Bên cạnh đó, bí mật trong lĩnh vực y tế còn được quy định chi tiết theo Thông tư 67/2015/TT-BCA ngày 15/12/2015 của bộ công an.