Vụ việc hàng chục người dân ở xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vây đánh một người đàn ông vì nghi là "bố mìn" bắt cóc trẻ em đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, vào trưa ngày 11/9, đối tượng Nguyễn Hoàng Hiệp (SN 1984, trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi đến nhà anh Nguyễn Cát Mạnh (trú tại xóm Cổ Trai, xã Đại Xuyên), thấy con gái anh này là cháu Nguyễn Bảo Thi (SN 2012) đang đứng chơi đã tiến lại ôm cháu bé rồi bỏ chạy.
Phát hiện sự việc trên, anh Mạnh đã hô hoán người dân truy đuổi. Mặc dù đối tượng đã bỏ chạy nhưng người dân kịp thời vây hãm, bắt giữ để thông báo cho cơ quan chức năng về hành vi bất thường.
Theo lời khai ban đầu của Hiệp, đối tượng này có ý định tới xóm Cổ Trai, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội để trộm cắp tài sản.
|
Đối tượng Nguyễn Hoàng Hiệp. |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công an xã Đại Xuyên, lời khai ban đầu của đối tượng là rình mò để trộm tài sản. Trên thực tế và theo nhận định ban đầu của công an địa phương, đối tượng có khả năng lợi dụng gia đình vắng người sẽ thực hiện hành vi xâm hại trẻ em.
Đáng chú, Nguyễn Hoàng Hiệp đã có 3 tiền án, trong đó có 2 tiền án về tội “Cướp tài sản” và 1 tiền án về tội “Hiếp dâm” và mới ra tù từ năm 2018.
Dư luận quan tâm, nếu hành vi bắt cóc trẻ em đối tượng Nguyễn Hoàng Hiệp là thật thì đối tượng này sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật? Theo lời khai của đối tượng, hắn có ý định trộm cắp tài sản nhưng chưa thực hiện hành vi thì có bị xử lý theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, Bộ Luật hình sự 2015 có những quy định nghiêm khắc đối với loại tội phạm này.
Cụ thể, điều 151 Bộ luật Hình sự quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi quy định, nếu một người thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện các hành vi nêu tại điểm a, điểm b.
Trong trường hợp phạm tội với những tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 151 BLHS 2015 thì người này có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tại điều 153 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi nêu rõ, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 153 BLHS 2015 thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tại điều 169 Bộ Luật hình sự 2015 về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định, người có hành vi bắt cóc người dưới 16 tuổi, dùng người bị bắt làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 169 BLHS 2015.
Người có hành vi này có thể sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Trường hợp người bắt cóc phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 169 BLHS 2015 thì có thể bị phạt tù từ 10năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết, trường hợp đối tượng khai đột nhập vào xóm Cổ Trai, xã Đại Xuyên với mục đích trộm cắp tài sản nhưng vì lý do khách quan mà chưa thực hiện được hành vi phạm tội thì đối tượng này sẽ bị áp dụng phạm tội chưa đạt.
Theo điều 15 Bộ Luật hình sự quy định, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Tại Điều 14. Chuẩn bị phạm tội quy định, chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.
Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
>>> Xem thêm video: Nghẹt thở giải cứu 2 cháu bé khỏi các đối tượng buôn ma túy