Ngày đi làm trở lại sau khi cách ly Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - "Sức khỏe của tôi bình thường và hiện đã đi làm trở lại, không ai trong đoàn công tác của Bộ bị dương tính với Covid-19. Công việc vẫn được điều hành một cách bình thường, đáp ứng được yêu cầu", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Sáng nay (23/3), trước khi giải trình các ý kiến của đại biểu về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại phiên làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gửi lời cảm ơn sự động viên, thăm hỏi của mọi người tới đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trở về từ Ấn Độ và Anh.

Bộ trưởng Dũng cho biết: "Sức khỏe của tôi bình thường và hiện đã đi làm trở lại. Không ai trong đoàn công tác của Bộ bị dương tính với Covid-19. Công việc vẫn được điều hành một cách bình thường, đáp ứng được yêu cầu".

Theo ông Dũng, hiện đang tập trung trình Chính phủ về các giải pháp ứng phó với phòng chống dịch bệnh Covid-19, duy trì sản xuất, duy trì tăng trưởng theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Ngay di lam tro lai sau khi cach ly Covid-19, Bo truong Nguyen Chi Dung noi gi?-Hinh-4
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sáng nay. 

Sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thay mặt ban soạn thảo giải trình về Luật Đầu tư sửa đổi, Bộ trưởng khẳng định đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung và hiện chỉ còn 2 vấn đề lớn.

Đối với việc kinh doanh đòi nợ, trên thực tế không có đơn vị nào sử dụng hình thức này một cách lành mạnh, chủ yếu xã hội đen lợi dụng cho vay nặng lãi, ép trả lãi cao, gây mất an ninh trật tự. Mặt khác, những đóng góp của lĩnh vực này cho nền kinh tế cũng không đáng bao nhiêu.

Theo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường. Cần quy định điều kiện kinh doanh chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống Tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh.

Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Về vấn đề này có hai loại ý kiến, trong đó ý kiến thứ nhất: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành và đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này...

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng góp ý về một số điểm được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm như việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Có ý kiến cho rằng cần rà soát để bảo đảm đúng ý nghĩa của tinh thần Hiến pháp, công khai, minh bạch, tránh lạm dụng sinh ra nhiều giấy phép con. Có ý kiến đề nghị cần phải đánh giá tác động, giải trình, làm rõ hơn về cơ sở đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Mặt khác, cần cân nhắc thận trọng trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để bảo đảm thực chất, tạo điều kiện thuận lợi và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho nhà đầu tư và tuân thủ theo khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật.

>>> Xem thêm video: Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xét nghiệm 3 lần đều âm tính
Nguồn VTC14. 

Hoàng Sơn

>> xem thêm

Bình luận(0)