Sáng 12/3, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), người ngồi ghế 1A cùng hạng thương gia với bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 ở ghế số 5K, cho biết: "Tôi ổn! Hết cách ly, tuần sau tôi sẽ đi làm".
Hiện ông Nguyễn Chí Dũng vẫn điều hành công việc của Bộ từ xa và sẽ hết thời hạn tự cách ly để đi làm vào ngày 16/3.
|
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI. |
Liên quan đến những tin đồn gần đây về mình cũng như đoàn công tác của Bộ KH&ĐT, ông Dũng cho rằng có thể vì "một số người muốn phá hoại nhưng cũng có thể do họ thiếu thông tin, đưa tin thiếu chính xác".
"Trong lúc này, điều quan trọng nhất là mọi người phải bình tĩnh. Việc đưa tin thất thiệt, gây hoảng loạn, thậm chí còn tạo tác động lớn hơn cả dịch bệnh", ông nói.
Trước đó, ngày 11/3, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có tiếp xúc với nguồn bệnh, có nguy cơ mắc bệnh, nhưng vì xét nghiệm của Bộ trưởng đã cho 2 lần kết quả âm tính với Covid-19 nên người tiếp xúc với ông nguy cơ rất thấp, gần như là an toàn.
Video "Cập nhật Covid-19 ngày 12/3: Italy ghi nhận 196 ca tử vong". Nguồn: VTC Now.
Trước đó, sau khi về nước (vào rạng sáng ngày 2/3) trên chuyến bay có bệnh nhân thứ 17 dương tính với Covid-19, ngày 6/3, ông Dũng đã có chuyến công tác vào Nghệ An, làm việc với một số lãnh đạo địa phương.
21h ngày 6/3, ngay sau khi Hà Nội công bố bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Trúc Bạch, Bộ trưởng Dũng và đoàn công tác được cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau hai lần xét nghiệm âm tính với Covid-19, sức khỏe ông Nguyễn Chí Dũng bình thường, khỏe mạnh. Những người tiếp xúc trước khi ông Dũng được cách ly cũng là an toàn, không phải thực hiện lệnh cách ly.
Dù được xét nghiệm và cho hai lần cho kết quả âm tính nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn tự cách ly 14 ngày theo quy định.
Nói về sự lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, các chuyên gia thừa nhận rằng còn rất nhiều điều chưa rõ về chủng virus này, nhưng 4 yếu tố có thể đóng vai trò then chốt làm lây lan bệnh dịch, đó là: khoảng cách và thời gian tiếp xúc giữa bạn và người bệnh, khả năng người đó truyền các giọt bụi nước có chứa virus sang bạn, và số lần bạn dùng tay chạm lên mặt. Ngoài ra, tuổi tác và tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn cũng là những yếu tố quyết định.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù mức độ lây lan của virus Covid-19 là "siêu kinh khủng", giống như cấp số nhân, nhưng không phải ai tiếp xúc với người bệnh hay tiếp xúc với người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cũng thể mắc bệnh...
Cùng chung tay chặn đứng dịch bệnh Covid-19!
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch Covid-19.