“Tôi đã phạm sai lầm vì xách thuê ma túy nhưng mỗi khi cầm cuốn sách lên đọc, tôi lại nhủ lòng trong cái rủi vẫn có cái may”, Phan Văn Đanh tâm sự. Hiện phạm nhân này đang cải tạo bản án 19 năm tù tại trại giam Quyết Tiến.
19 năm tù cho một lần nhẹ dạ
Không muốn nhắc lại sai lầm của mình song Đanh bảo đó là cái giá của sự kém hiểu biết, của lòng tham muốn sung sướng có tiền mà không chịu bỏ sức lao động nên phải trả giá đắt là đương nhiên.
“Tôi đã trả một cái giá quá đắt”, Đanh bộc bạch suy nghĩ của mình khi trò chuyện với chúng tôi.
Theo lời kể của phạm nhân này thì Đanh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. 19 tuổi Đanh lấy vợ và ba năm sau thì anh ta đã là bố của hai đứa trẻ. Vợ Đanh, một phụ nữ nhan sắc trung bình nhưng chăm chỉ. Hiện 2 con của Đanh đã yên bề gia thất. Đanh không biết mình đã lên ông chưa vì hai năm trở lại đây không gặp người thân.
|
Đanh chăm chỉ làm công việc của mình |
Nói về việc mù chữ, Đanh bảo do gia đình nghèo, bữa đói nhiều hơn bữa no nên việc cắp sách tới trường là xa xỉ.
“Thời đó chuyện đi học hay không có quan trọng như bây giờ đâu. Anh em tôi đùm bọc nhau, không biết chữ nhưng ai cũng khỏe mạnh cả, rồi cũng lấy vợ được hết”, Đanh kể.
Sống ở vùng biên giới nên vợ chồng Đanh thường hay qua lại biên giới làm thuê, đến mùa làm rẫy thì quay về, gặt lúa, tra ngô xong lại đi tiếp. Hỏi Đanh thu nhập có cao không, người đàn ông dân tộc Nùng này thật thà: “Cũng chỉ đủ lo mấy đám giỗ với sắm vài thứ lặt vặt trong nhà thôi”.
Hỏi sao đi làm thuê lại bị bắt về tội ma túy, Đanh ngượng ngập: “Tại tôi tham mấy triệu đồng”.
Theo lời Đanh thì hôm đó ông ta đang ngồi chơi thì có một người đàn ông tới nhờ cầm hộ chiếc túi bên trong có 2 bánh ma túy ra cổng chợ, đưa cho một thanh niên tên là Minh. Tuy nhiên, khi Đanh mới đi được một đoạn thì bị bắt.
Nhớ lại ngày bị bắt, Đanh bảo, cho đến bây giờ vẫn run và cảm thấy xấu hổ.
“Tôi ú ớ một lúc mới nói được. Xung quanh dân làng kéo đến mỗi lúc một đông. Tiếng người nói, tay chỉ chỏ làm tôi không dám ngẩng mặt”, Phan Văn Đanh nhớ lại.
Người đàn ông này cho biết, đã rất hoảng sợ và sau đó là hối hận, nhất là khi đứng trước vành móng ngựa, nhìn vợ con ngồi rúm ró một góc phía dưới.
Cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về
Bị kết án 19 năm tù giam, Phan Văn Đanh về trại giam Quyết Tiến cải tạo. Người đàn ông này bảo đã đón gần chục cái Tết trong tù và lần nào nhận tiêu chuẩn Tết là bánh chưng, giò và bánh kẹo đều cảm giác nôn nao nhớ cái Tết của dân tộc mình. Đanh bảo nhà nghèo nhưng Tết đến cũng có gà có thịt trâu và rượu. Vào đây, Đanh chỉ thấy nhớ những lần cùng vợ con súng sính áo quần đi chợ Tết.
“Vào đây được học hành, được cán bộ giảng giải tôi mới thấy mình là người có lỗi với gia đình chứ ngày ở nhà, tôi đâu có quan tâm tới ai. Tiền tôi kiếm được thì tôi tiêu, thích thì cho vợ còn không đưa cũng chẳng sao. Việc mua sắm cái gì thì vợ con phải lo”, Đanh tâm sự.
Nói về chuyện được tham gia lớp xóa mù chữ trong trại giam, Đanh bảo, ngày đầu đi học thì sợ nhưng sau lại thấy hay hay rồi thích học. Nam phạm nhân này cho biết từ ngày đọc thông viết thạo lại hay lên thư viện mượn truyện về xem.
Nói về lá thư đầu tiên tự mình viết ra, gửi về cho gia đình, Phan Văn Đanh bảo, ban đầu còn đắn đo mãi, đến khi được bạn tù động viên mới dám cầm bút viết. Đến Đanh đã rơm rớm nước mắt vì xúc động.
“ Tôi hí hoáy cả buổi tối mới viết được vài dòng, đến lúc nhận được thư con, thấy con viết chữ cũng to như tôi viết thì tôi hiểu rằng nó muốn cho tôi dễ đọc”, Đanh kể. Hỏi ông ta giờ đã viết được nhiều chưa, Đanh cười bảo cũng được gần một trang giấy.
“Tôi viết cho quen và thấy thích viết thôi chứ muốn nói gì thì đợi đến lúc được nói chuyện qua điện thoại với con thì trao đổi luôn chứ viết ra thì lâu lắm”, Đanh thật thà.
Đanh bảo từ ngày biết chữ, đầu óc như được mở mang nên hiểu rằng không được học hành là một thiệt thòi lớn. Chính vì thế mà lá thư nào gửi về, Đanh cũng khuyên con trai đừng sai lầm như mình mà hãy cố gắng lao động, tích cóp tiền của để sau này cho con cái đi học, đừng để chúng nó thất học.
Ngày mới về trại giam thi hành án, Đanh cải tạo lao động ở đội nông nghiệp nhưng vì không quen với việc cấy lúa, lội ruộng nên Đanh làm việc không hiệu quả. Đanh bảo lúc đầu sợ nên giao việc gì làm việc nấy, không dám xin nên mất 3 năm bị xếp loại trung bình. Đến khi bạo dạn hơn, Đanh xin chuyển đội và được về lao động ở đội làm hàng mã. Từ khi đầu gối hay bị đau, Đanh được chuyển về lao động ở đội vệ sinh thì tháng nào cũng được xếp loại khá. Đanh đã 2 lần được xét giảm án với tổng số thời gian được giảm là 14 tháng. Hai năm nay, Đanh được quản giáo giao cho làm tự quản, có nhiệm vụ đôn đốc, nhắc nhở các phạm nhân trong tổ làm việc.
Do điều kiện nhà xa nên Đanh ít được người nhà thăm gặp. Người đàn ông này bảo, lần gặp người nhà gần đây nhất cách đây 2 năm, còn thư từ thì mỗi năm cũng vài lá. Đanh không trách người nhà vì hiểu hoàn cảnh gia đình, chỉ mong mọi người ở nhà khỏe mạnh.
“Trong này tôi không thiếu thứ gì cả. Ốm đau còn được bác sỹ khám bệnh và cấp thuốc. Những chuyện này ở nhà làm gì có được”, Đanh kể. Ông ta bảo, chỉ cầu mong được khỏe mạnh để tháng nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, năm nào cũng được giảm án, sớm trở về với gia đình. Ông ta cho biết, sau này ra trại sẽ về phụ giúp vợ con chăn nuôi trồng trọt chứ không đi làm thuê như trước kia nữa.