Lòng căm hận của gã lên đến đỉnh điểm sau khi tìm gặp không được Năm Cam, Hải “bánh” nghĩ đến sự trả đũa. Nhưng từ lâu, mọi di biến động của Hải đều được các trinh sát theo dõi sát sao. Vì vậy, khi cơ hội chín muồi, cuộc vây bắt Hải diễn ra trong khuôn viên 1 quán nhậu diễn ra chóng vánh khiến hắn không kịp trở tay. Vậy là, Hải “bánh” - nút thắt quan trọng nhất trong vụ án Dung Hà - đã phải tra tay vào còng số 8. Những ngày sau đó, Hải được các điều tra viên khai thác nhằm tìm ra ẩn số trong vụ án Dung Hà.
|
Hải “bánh” sa lưới. |
Hải ngồi trước bàn thẩm vấn đối diện với điều tra viên. “Vì sao đương sự không chạy trốn?”, một điều tra viên hỏi. Hải trả lời: “Trốn cũng không thoát”. Điều tra viên đào sâu vấn đề: “Dám tổ chức một vụ án ghê gớm mà không tính tới phương án thoát lui sao?”. Hải nhướn đôi mắt sụp xuống, thần sắc của gã hiện rõ nét mưu mô, gian xảo. Hải bánh chỉ nhận tội “Gây rối trật tự công cộng”. Điều tra viên hỏi đến cái chết của Dung Hà, Hải im như thóc.
Linh cảm của một tên tội phạm từng vào tù ra khám, sống lăn lóc trên chốn giang hồ mách bảo, với công an thì gây rối trật tự công cộng là chuyện nhỏ, điều tra y về những điều khác mới là quan trọng. Cho nên, những lần hỏi cung sau đó Hải chỉ trả lời cầm chừng và tránh né rất khôn ngoan những câu hỏi của điều tra viên về vụ Dung Hà bị bắn chết. Hơn thế nữa, y còn khóc tức tưởi đóng kịch khi nói đến chuyện này. Điều tra viên hỏi xem số điện thoại, gã nghĩ có lẽ cơ quan điều tra chưa tìm được chứng cứ rõ ràng để buộc tội y nên mới hỏi “loanh quanh” như vậy, chứ y không nghĩ đến cái sự “loanh quanh” đó là nghiệp vụ củng cố thêm chứng cứ buộc y phải nhận tội. Kiểm tra hóa đơn tính cước điện thoại di động số của Hải, phát hiện trước và sau khi Dung Hà bị bắn, gã liên tục gọi đến số máy của Giang (nhân tình của Hải-PV).
Xác minh các cuộc gọi của Anh Thư, người yêu và cũng là quản lý tiệm cắt tóc gội đầu Vân’s, phát hiện Hải dùng máy điện thoại của Anh Thư liên lạc thường xuyên với Long “tây”, Hưng “phi nhon”, Trường “xoăn” (những gã đồng phạm trong vụ án Dung Hà). Những cuộc gọi này diễn ra liên tục trong thời gian rất ngắn, thể hiện sự phối hợp hành động và mệnh lệnh của hắn.
Trong lúc xét hỏi, Hải tận dụng mọi thời cơ gạ gẫm, gã gợi ý sẽ “hậu tạ” điều tra viên một cách xứng đáng nếu chỉ gói gọn hành vi phạm pháp của y vào tội “Gây rối trật tự công cộng”. Điều tra viên nghiêm mặt: “Câm ngay. Nếu không đương sự sẽ bị thêm tội đưa hối lộ”. Hải “bánh” chống chế: “Thưa! Đó là thiện chí của tôi”. Điều tra viên nạt: “Thiện chí gì?”. “Thưa! Thiện chí muốn được hưởng khoan hồng ạ!”, Hải đối đáp. Điều tra viên nhìn nhìn thẳng vào mặt Hải thấy rất rõ sự lo lắng của y về một điều gì đó. “Tôi không ghi nhận đó là thiện chí, mà là cách đối phó của những kẻ không còn lối thoát. Đương sự hãy tập trung trả lời những câu hỏi của tôi”, điều tra viên sắc sảo trả lời.
Thời gian trôi qua chậm chạp, ròng rã gần 1 tháng vừa thuyết phục, vừa cho Hải thấy nhiều chứng cứ gã liên quan đến việc giết Dung Hà, khiến hắn không biết cách nào để trả lời cho suôn sẻ. Một câu hỏi có lúc điều tra viên phải hỏi đi hỏi lại đến vài lần, gã mới trả lời tương đối đầy đủ về chứng cứ cán bộ điều tra muốn gã phải thú nhận. Cuối cùng điều tra viên cho gã nghe lại băng ghi âm những gì gã đã trao đổi với đồng bọn do tổng đài cung cấp theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Gã đớ người, ngồi bất động như trời trồng. Cuối cùng, Hải cúi đầu khai nhận về các mối quan hệ của gã với Năm Cam, Dung Hà, Tống Viết Hòa, Trường “xoăn”, Hưng “phi nhon” và Lê Công Hải (tức Hải “bén”).
Lần theo lời khai của Hải, tại một địa điểm bí mật, trinh sát trong ban chuyên án nhận ra Hải “bén” đang ngồi trong góc khuất quán cà phê. Chiếc thẻ ngành chìa ra trước mặt Hải “bén”, tên tội phạm đã có lệnh truy nã về tội “Cố ý gây thương tích”, “Tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép” trước khi xảy ra vụ án Phan Lê Sơn và Dung Hà. “Lê Công Hải, anh đã bị bắt”, giọng trinh sát dõng dạc. Hải “bén” ú ớ, chưa kịp nói gì, trinh sát đã tra tay hắn vào còng dẫn giải đi.
Lập kết hoạch trả đũa báo chí
Những đòn đánh hiểm của Ban chuyên án Z5-01 đang khiến toàn bộ hoạt động phi pháp của băng nhóm Năm Cam dần lộ sáng. Điều đó khiến cho ông trùm Năm Cam lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Phát súng đầu, báo Thanh Niên viết bài vạch trần mối quan hệ giữa Nam Cam với Trần Mai Hạnh (Ủy viên Trung ương Đảng - Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam) thời điểm đó từng là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội đang tiếp xúc với cử tri. Lúc viết bài đó, Hoàng Hải Vân (phóng viên báo Thanh niên) trích dẫn một số câu nói của ông Sáu Dân - cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong đó có câu: “Tôi đem chức Thủ tướng ra thế chấp...”. Trước khi giao bài cho tòa soạn Hải Vân mang đến cho Thủ tướng xem lại để tránh chuyện “tam sao thất bản”.
Lẽ ra bài báo này được đăng trước đó một tuần, nhưng vì “lộ” thông tin, nên lúc báo chuẩn bị lên khuôn in thì có người gọi điện đến khuyên “dừng lại”. Tổng biên tập Nguyễn Công Khế phải tạm thời cho lấy ra, không phải vì sợ, mà để kiểm tra vì sao thông tin bị “lộ”. Công Khế bảo với Hải Vân “sẽ đăng vào thời gian thích hợp”. Thời gian thích hợp đó là ngày 2.5, vì trước đó là ngày lễ mừng chiến thắng 30.4 và Quốc tế Lao động.
Nguyễn Công Khế bảo với Phó tổng biên tập nội dung: “Cho đăng đi, không có cách nào khác, không thể chấp nhận việc đứng về phía tội ác, không thể làm ngơ trước chuyện hại nước, hại dân được, nếu cần tôi sẵn sàng nghỉ làm Tổng biên tập, chấp nhận về nhà...”. Các phóng viên, biên tập viên, họa sĩ trình bày và nhân viên kỹ thuật của tòa soạn báo Thanh niên nghe những lời đó của Tổng biên tập mà thấy nghề báo thật cao quý. Có chuyện tướng Tư Bốn cung cấp thông tin cho báo Thanh Niên, nhưng yêu cầu không được đăng lên báo, đăng chuyện đó lên là không có lợi, vì có thể ai đó sẽ bảo rằng sở dĩ tướng Tư Bốn và Tổng biên tập Nguyễn Công Khế “làm mạnh” vụ này là vì hai ông có mối thâm thù cá nhân với Năm Cam. Tư Bốn bảo với Công Khế: “Chuyện chúng muốn giết tôi với ông là chuyện nhỏ không đáng nói, chuyện chúng làm bất ổn thành phố và gây mất niềm tin của nhân dân vào chính quyền mới là chuyện lớn”.
Sự thực được phơi bày trên mặt báo khiến Năm Cam điêu đứng. Năm Cam nhìn điếu thuốc để ngang gạt tàn đang tự cháy dần. Khói thuốc bay lơi lả, tạo thành những dòng mảnh, ban đầu lúc lắc, sau thẳng băng một dòng loang ra dần, rồi tan vào không gian. Y nghĩ, mình cũng như vậy, cuộc đời đã cháy hơn đoạn giữa và sắp sửa cháy sạch rồi đây. Năm Cam nhặt điếu thuốc, đưa lên môi, rít một hơi thật dài. Ánh lửa đầu điếu thuốc lóe sáng dữ dội. Rồi y đứng dậy, dụi mạnh điếu thuốc vào gạt tàn. Năm Cam rút kinh nghiệm lần bị bắt trước, y cố tránh làm bất cứ việc gì ồn ào gây sự chú ý của dư luận. Năm Cam nghĩ nên tìm cơ hội để mở rộng quan hệ với giới báo chí trong lúc này sẽ phần nào giúp hắn cứu vớt được chút nào thanh thế. Năm Cam nghĩ đến Quang Thắng, Hoàng Linh và những nhà báo y từng mua chuộc.
Nhưng Năm Cam thừa hiểu chơi với nhà báo lúc này không phải chuyện dễ, bởi những kẻ thân tín người thì thân bại danh liệt, người thì đang bị công an theo dõi. Năm Cam tự nhủ: “Thứ trưởng Bộ Công an còn bị phó Tổng cục Cảnh sát triệu tập thì mở rộng quan hệ với báo chí lúc này thì có nhằm nhò gì”. Những suy nghĩ quanh quẩn khiến Năm Cam có cảm giác sắp sửa giống mấy người vô gia cư lang thang ăn xin ngoài đường. Ý nghĩ đó bám riết lấy Năm Cam. Hắn lại nghĩ kẻ thù mạnh và đáng ghét nhất hàng ngày như xát muối vào mắt Năm Cam là Nguyễn Công Khế.
Để trả thù, Năm Cam mua chuộc Hữu Phú (phóng viên báo Thanh niên) mở một tiệm hớt tóc thanh nữ trên đường Nguyễn Trãi, loại hình tươi mát này rất cần quan hệ hữu hảo với giới xã hội đen. Năm Cam ngỏ ý giúp đỡ ủng hộ Hữu Phú, gã phóng viên này nhận làm tay trong cho Năm Cam ở báo Thanh niên. Năm Cam lên kế hoạch sẵn, nhằm một lúc nào đó “thịt” Tổng biên tập Nguyễn Công Khế như đã từng làm với Lâm “chín ngón”. Tổng biên tập một tờ báo lớn tránh sao khỏi đụng chạm với các doanh nghiệp làm ăn lôm côm. Y chờ cơ hội có chuyện tương đối cụ thể, hướng được sự nghi ngờ của công an qua hướng khác sẽ ra tay. Tóm lại, tính mạng của Nguyễn Công Khế nằm trong tầm ngắm thủ tiêu của Năm Cam.
Thoạt đầu, Năm Cam cho người bám lộ trình từ nhà của Nguyễn Công Khế trên đường Trần Phú (quận 5) đến tòa soạn báo Thanh niên trên đường Cống Quỳnh (quận 1). Y phát hiện Công Khế thường đi Hà Nội họp hành, và như thế, bọn sát thủ của Sơn “bạch tạng”, Thắng “tài dậu” xem ra có vẻ thích hợp trong việc khử Công Khế hơn.
Năm Cam đe dọa đặt bom tòa soạn báo Thanh niên. Bộ Công an cho cán bộ, chiến sĩ bí mật bảo vệ tòa soạn, do Thượng tá Dương Minh Ngọc chỉ huy. Tổng biên tập Nguyễn Công Khế cũng đã nói với tướng Trịnh Thanh Thiệp (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) những phân vân của mình về Dương Minh Ngọc, bởi cán bộ công an này vốn có quan hệ rất tốt với Năm Cam.
Còn nữa...