Từ lâu, lễ mừng thọ đầu năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Việc làm này, đối với gia đình là thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Còn đối với chính quyền là thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tri ân với những người cao tuổi.
Trong những ngày đầu Tết cổ truyền, các làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ lại nhộn nhịp với lễ mừng thọ các cụ cao niên được tuổi chẵn chục từ 70 tuổi trở lên. Tại xã Giao Thanh (huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định), hàng năm, cứ đến ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và Hội NCT xã sẽ long trọng tổ chức lễ mừng thọ tập thể cho các cụ. Thông lệ này đã được địa phương duy trì từ nhiều năm nay.
Đúng 7h sáng, các cụ và con cháu đã tập trung đông đủ tại nhà văn hoá của xã. Trong không khí vui tươi của những ngày đầu xuân hoà chung cùng ngày lễ mừng thọ đầy ý nghĩa, ai nấy trên gương mặt đều thể hiện rõ niềm vui, niềm phấn khởi.
|
Đại diện lãnh đạo địa phương trao giấy chúc thọ cho các cụ ông, cụ bà tại lễ mừng thọ.
|
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Trọng Phẩm, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã cho biết, mừng thọ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây". Ý thức được vai trò, tầm quan trọng của người cao tuổi đối với sự phát triển của địa phương và những tấm gương sáng để xã hội và con cháu noi theo, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền, Hội NCT và nhân dân xã đã thường xuyên chăm sóc các cụ cả về tinh thần và vật chất để các cụ được luôn sống vui sống khoẻ và hạnh phúc.
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trên địa bàn xã Giao Thanh có 158 cụ tròn tuổi được tổ chức mừng thọ. Trong đó có 1 cụ trên 100 tuổi, 1 cụ 100 tuổi, 6 cụ 95 tuổi, 10 cụ 90 tuổi, 14 cụ 85 tuổi, 22 cụ 75 tuổi và 76 cụ 70 tuổi.
|
Mừng thọ đầu năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt.
|
Cụ Phạm Thị Tâm (xóm Thanh Nhân) mừng thọ 85 tuổi cho biết: “Hôm nay được chính quyền xã tổ chức lễ mừng thọ, tôi rất vui và vinh dự. Tôi xin cảm ơn chính quyền xã, Hội người cao tuổi đã luôn quan tâm, động viên và giúp đỡ đến những người cao tuổi chúng tôi. Điều mà tôi cảm thấy vui và mong muốn nhất là được sống sum vầy, đông đủ bên các con, các cháu.”
Sau khi được chính quyền trao bằng chúc thọ của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, con cháu lại rước các cụ về nhà để tiếp tục tổ chức mừng thọ ở gia đình. Đối với gia đình có điều kiện sẽ làm vài mâm cơm liên hoan, cắt bánh sinh nhật, tặng cụ tranh mừng thọ hay những món đồ kỉ niệm. Còn đơn giản hơn thì dùng nước trà, bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá vẫn vui mà đỡ tốn kém. Dịp này cũng là lúc đại gia đình có cơ hội đoàn tụ, quây quần bên nhau sau một năm dài làm việc vất vả.
Truyền thống tốt đẹp này mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, nhằm động viên tinh thần các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích và là tấm gương sáng để giáo dục con cháu.
>>>
Mời độc giả xem thêm video Mê mẩn “mâm cỗ” ngày Tết phải mất 3 tháng mới “nấu” xong: