Cổ tức là phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của công ty sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định. Mặt khác, “phần thưởng” này cũng phần nào phản ánh sức khỏe tài chính của mỗi công ty.
Đặc biệt, việc chia cổ tức bằng tiền mặt được rất nhiều nhà đầu tư ưa chuộng so với chia cổ tức bằng cổ phiếu, bởi tâm lý ưa thích “tiền tươi thóc thật”.
Doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức trong năm Nhâm Dần cao nhất là May Xuất khẩu Phan Thiết (PTG) với tỷ lệ 120%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 12.000 đồng, được chia làm 2 đợt chi trả.
Điểm đáng chú ý của doanh nghiệp này là thị giá cổ phiếu quá thấp. Đầu năm 2022, giá cổ phiếu PTG chỉ là… 200 đồng/cp, nghĩa là nếu mua được mã này từ khi ấy, nhà đầu tư không những thu hồi vốn mà còn có lợi nhuận gấp 60 lần, tương ứng tỷ suất cổ tức 6.000%, đây là mức cao nhất thị trường hiện nay.
Tuy doanh nghiệp này có tỷ suất cổ tức hấp dẫn nhất, nhưng để mua được cổ phiếu này lại là chuyện gần như… không dễ. Trên thị trường, PTG hầu như không có thanh khoản, từ đầu năm chỉ có vài phiên giao dịch vào cuối tháng 11 với khối lượng trung bình khoảng hơn 500 đơn vị.
Cổ đông lớn đa phần là gia đình của Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Nghi và Phó Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Quốc Bình, với tổng tỷ lệ nắm giữ hơn 57,16%, tương đương gần 2,9 triệu cổ phiếu. Lượng cổ phiếu trôi nổi khá thấp và hầu như không có giao dịch.
Doanh nghiệp tiếp theo là Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO (ICN) trả cổ tức 105%. Cổ đông ICN nếu như bỏ tiền mua cổ phiếu từ đầu năm 2022 (giá đóng cửa 59.545 đồng/cp) sẽ được hưởng tỷ suất cổ tức 17%. Tổng Công ty IDICO - CTCP (IDC) đang là công ty mẹ của Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO và nắm giữ 6,12 triệu cổ phiếu ICN, con số này tương ứng 51% vốn của doanh nghiệp. Ước tính, IDC nhận được con số khủng từ cổ tức.
Trong năm qua, Lương thực Bình Định (BLT) là doanh nghiệp trả cổ tức có tỷ lệ cao tiếp theo, với tỷ lệ 102,8%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 10.280 đồng. Trong đó, 2,8% là cổ tức đợt 2/2021 và 100% là tạm ứng cổ tức năm 2022.
Xét trên giá đóng cửa phiên đầu tiên của năm 2022 là 19.530 đồng/cp, tỷ suất cổ tức của doanh nghiệp này rơi vào khoảng 52%. Nhưng cũng giống như PTG, khá khó để nhà đầu tư có thể giao dịch và nắm giữ cổ phiếu này.
Các doanh nghiệp khác trong năm Nhâm Dần đều chi trả cổ tức ở mức 100% là Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) – đây là một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Hoá Chất Đức Giang (DGC). PAT chỉ mới giao dịch trên UPCoM hồi giữa tháng 6/2022 với giá mở bán 120.000 đồng/cp, đóng cửa chạm 160.000 đồng/cp. Nếu như mua cổ phiếu PAT ở thời điểm này thì tới cuối năm, nhà đầu tư được hưởng cổ tức với tỷ suất 6,25%.
Bia và Nước giải khát Hạ Long (HLB) cũng đã trả cổ tức tỷ lệ 100% trong năm qua. Tuy nhiên, với thị giá rơi vào khoảng 177.000 đồng/cp tại phiên đầu năm 2022, tỷ suất cổ tức cổ đông được hưởng chỉ rơi vào khoảng 5,6%.
|
Một số doanh nghiệp chia cổ tức mạnh tay cho cổ đông. |
Ngoài ra, Mía Đường Sơn La (SLS) cũng chi trả cổ tức với tỷ lệ 100% - cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 10.000 đồng, tương ứng tỷ suất cổ tức so với giá đóng cửa đầu năm là 6,8%.
Theo thống kê, kể từ khi niêm yết trên sàn HNX vào năm 2012, SLS luôn chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt cho cổ đông. Những năm gần đây, tỷ lệ chi trả thường trên 50%. Năm 2021, Công ty đã chia cổ tức tỷ lệ 80% bằng tiền mặt; năm 2020 tỷ lệ 70%, năm 2019 tỷ lệ 50%... Tuy nhiên trên thị trường, cổ phiếu SLS cũng có thanh khoản thấp, khối lượng giao dịch chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Tiếp theo trong danh sách doanh nghiệp phóng khoáng trả cổ tức là Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) với tỷ lệ 98%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận được 9.800 đồng, gồm 2 đợt là trả cổ tức đợt 2/2021 và đợt 1/2022. Với giá đóng cửa phiên đầu năm là 74.885 đồng/cp, nhà đầu tư nếu mua cổ phiếu NCT ở thời điểm này sẽ được hưởng cổ tức với tỷ suất 13%.
Được biết, NCT có truyền thống chi trả cổ tức khá “hậu hĩnh”, những năm gần đây đều duy trì mức cổ tức từ 75-95%. Thậm chí, có năm, tỷ lệ cổ tức của doanh nghiệp này lên đến 100%. Gần đây nhất, trong 2 năm 2020-2021 NCT trả cổ tức bằng tiền mặt, với năm 2020 là 75% và năm 2021 lên tới 83%.
Doanh nghiệp tiếp theo chi trả cổ tức tỷ lệ 85% là Siêu Thanh (ST8), tương đương 1 cổ phiếu nhận được 8.500 đồng. Tỷ suất cổ tức so với giá đóng cửa phiên đầu năm ở mức cao, lên tới 87%. Với 25,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ST8 đã chi 218,4 tỷ đồng cho đợt cổ tức này.
Được biết, ST8 là nhà phân phối chính thức các giải pháp thiết bị văn phòng cho nhãn hiệu RICOH (Nhật Bản) với hệ thống mạng lưới rộng khắp cả nước.
Một số doanh nghiệp cũng trả cổ tức khá hậu hĩnh lên tới 60% cho cổ đông như CTCP Thủy điện - Điện Lực 3 (DRL), CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP), CTCP Dây Cáp điện Việt Nam (CAV), CTCP Cảng Đồng Nai (PDN), Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB),…