Mỗi tháng tốn 5 triệu đồng gửi xe: Chịu sao nổi?

Google News

Dù giá giữ xe tăng sốc nhưng người dân vẫn phải 'cắn răng' để gửi.

Sau một tuần Hà Nội áp dụng mức giá dịch vụ trông giữ xe mới, mức giá trông giữ xe đã tăng đồng loạt 1,5-3 lần. Đặc biệt tại khu vực trung tâm, giá trông giữ xe tăng lũy kế theo giờ.

Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương mới này của TP Hà Nội nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng người dân đã gánh quá nhiều loại phí, nay tăng giá giữ xe sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người nghèo. Mặt khác, tăng giá giữ xe chưa chắc đã hạn chế được ô tô cá nhân mà trước mắt chỉ làm lợi cho các bãi giữ xe móc túi khách hàng.

Sốc vì giá gửi xe tăng khủng

Theo Quyết định số 44/2017 do Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, từ ngày 1/1/2018 mức giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội chính thức tăng mạnh, đặc biệt là đối với ô tô.

Cụ thể, tại khu vực trung tâm, giá giữ ô tô hai giờ đầu là 50.000 đồng/xe, sang tiếng thứ ba, tư tăng dần theo mức là 35.000 đồng/xe/giờ. Bắt đầu từ tiếng thứ năm trở đi 45.000 đồng/xe/giờ. Riêng phí gửi cả ngày 300.000 đồng/xe.

Ngoài ra, giá giữ xe vào ban ngày và ban đêm lần lượt với xe đạp là 3.000-5.000 đồng, trước là 2.000 đồng; xe máy 5.000-8.000 đồng/lượt, so với trước đây 3.000 đồng.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại một số tuyến phố trung tâm như Nguyễn Xí, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo… cho thấy giá trông giữ xe dưới chín chỗ theo tháng (cả ngày, đêm) có thể lên tới 3-4 triệu đồng mỗi ô tô. Đặc biệt với xe 10-24 chỗ ngồi phí gửi có thể từ 3,6 triệu đến 5 triệu đồng mỗi ô tô.

Có mặt tại điểm đỗ xe Ipaking - tìm chỗ đỗ xe bằng điện thoại di động - tại khu vực tuyến phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm vào sáng 8-1, chúng tôi chứng kiến lượng ô tô gửi vẫn khá tấp nập. Chị NTL, nhà tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, cho biết giá xe trước đây 20.000 đồng/giờ, nay tăng lên 50.000 đồng/giờ.

“Nếu gửi xe lâu thì mức tiền gửi sẽ tăng lũy kế, mất nhiều hơn. Tôi thường gửi 1-2 giờ nên mức tăng này chấp nhận được nhưng nếu gửi lâu thì rất tốn kém” - chị NTL nói và cho biết thêm mức giá trông giữ theo tháng tại khu vực nhà chị đã tăng thêm 1,5 triệu đồng/tháng, tăng gấp 1,5 lần so với trước.

 Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá vé theo quy định mới là quá cao. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Có hạn chế được ô tô vào trung tâm?

Khảo sát tại các điểm trông giữ xe khác tại khu vực quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy… nhận thấy mức phí gửi xe cũng tăng. Trong đó tăng cao nhất là vé gửi xe theo tháng với mức tăng 1-2 triệu đồng/tháng, tức khoảng 1,5-3 lần so với trước.

Anh NVH, người quản lý một bãi gửi xe tư nhân tại khu vực đường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, cho biết từ cuối tháng 12-2017, có khá nhiều người đến đặt chỗ gửi ô tô tại bãi xe vì khu vực này sát với sông Hồng, xa trung tâm, có giá gửi xe mềm hơn. “Đến nay bãi chúng tôi đã kín chỗ rồi, mức giá đều tăng hơn 1 triệu đồng/ô tô/tháng so với trước” - anh H. cho biết.

Chiều 9-1, chị T., đại diện đơn vị khai thác điểm đỗ xe Iparking tại Hà Nội, cho hay sau khi TP Hà Nội áp dụng biểu giá trông giữ xe mới, lượng xe gửi tại 123 điểm đỗ Iparking không giảm so với trước. “Khách hàng của Iparking đa phần lên trung tâm làm việc, gặp gỡ đối tác khoảng 1-2 tiếng rồi đi ngay chứ không ai gửi lâu. So với trước họ mất thêm không nhiều vì vậy lượng ô tô gửi tại Iparking không thuyên giảm mấy” - chị T. cho hay.

Trong khi đó một số khách hàng cho hay giá gửi xe tại một số điểm thu đúng quy định nhưng có điểm chênh gấp 2-3 lần. Mức giá này quá cao khiến nhiều người dân bức xúc. Thậm chí có người cho biết giá trông ô tô trước đây 20.000 đồng/giờ, nay tăng 35.000 đồng/giờ. Như vậy mỗi ngày đi làm gửi xe tám tiếng tốn trên 340.000 đồng.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho hay việc TP áp dụng tăng giá trông giữ xe là một trong những biện pháp hạn chế bớt phương tiện cá nhân vào khu vực nội thành.

“Cùng với việc đầu tư hạ tầng giao thông, tăng cường phương tiện giao thông công cộng thì quản lý phương tiện giao thông đường bộ bằng biện pháp kinh tế sẽ góp phần hạn chế một lượng xe lớn vào khu vực trung tâm nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường… cho TP” - ông Viện nói.

Ông Viện cũng cho hay cùng với việc áp dụng biểu giá trông giữ xe, Hà Nội cũng tăng cường thanh kiểm tra xử lý các điểm trông giữ sai phép, phát triển điểm trông giữ xe bằng công nghệ thông tin như phần mềm Iparking để chống thất thu ngân sách.

Ngăn chặn tình trạng “tát nước theo mưa”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 10-1, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nói: “Việc tăng giá trông giữ xe có hai mặt. Về mặt tích cực thì đây là biện pháp quản lý bằng kinh tế nhằm hạn chế phương tiện cá nhân vào khu vực lõi TP. Về mặt tiêu cực thì nó ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân, họ phải trả thêm tiền để đỗ xe trong khu vực lõi của TP”.

Ông Liên cũng cho biết bản thân ông ủng hộ việc tăng giá trông giữ xe nhưng TP phải có biện pháp quản lý để ngăn chặn hiện tượng “tát nước theo mưa”, tăng giá giữ xe ồ ạt tại các điểm trông giữ xe khiến người dân bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, ông Liên cũng cho rằng cùng với việc tăng giá gửi xe tại khu vực lõi của TP thì Hà Nội cũng cần thực hiện nhanh lộ trình đã đề ra về phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường giao thông công cộng.

“Trước mắt phải tăng cường các điểm kết nối giao thông công cộng tạo thuận tiện cho người dân đi lại. Cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Có như vậy họ mới dần bỏ phương tiện cá nhân” - ông Liên phân tích.



Theo TRỌNG PHÚ/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)