Mạo danh nhân viên điện lực, y tế lừa đảo: Người dân phải làm gì để tránh sập bẫy?

Google News

Gọi điện thoại đến đường dây nóng ANTĐ, bà T.T.M ở khu Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phản ánh, những ngày gần đây, bà liên tục nhận được cuộc gọi từ số máy lạ thông báo gia đình bà nợ tiền điện, nếu không đóng ngay sẽ bị cắt điện…

Muôn kiểu lừa đảo
Cũng theo bà M, khi thấy điện thoại có cuộc gọi đến, bà nhấn nút nghe thì phía bên kia đầu dây là hộp thư trả lời tự động: “Bạn đang sử dụng điện cao bất thường, nợ tiền điện rất nhiều nên chúng tôi sẽ cắt điện trong thời gian tới. Để biết thông tin chi tiết, vui lòng bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn”.
“Vì sợ bị cắt điện, tôi bấm số 9 thì một nhân viên tổng đài đề nghị cung cấp tên và địa chỉ để kiểm tra. Sau đó, người này cho biết tôi đang nợ gần 10 triệu đồng tiền điện và dọa nếu tôi không chuyển tiền gấp tới số tài khoản họ đưa, bên đó sẽ gửi hồ sơ sang công an” – bà M chia sẻ.
Mao danh nhan vien dien luc, y te lua dao: Nguoi dan phai lam gi de tranh sap bay?
Trang web giả mạo thương hiệu EVN .
Trước tình trạng các cuộc gọi giả mạo ngành điện xuất hiện trên cả nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng Công ty Điện lực đã cảnh báo đến khách hàng sử dụng điện nên cảnh giác. Nếu nhận được cuộc gọi mạo danh “điện lực" hoặc xưng danh là “công ty điện lực” nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực, hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch thì khách hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân của mình. Bên cạnh đó, khách hàng cần thông báo ngay cho ngành Điện qua các kênh CSKH để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, ngành điện cũng khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình; không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Không chỉ mạo danh công ty điện lực, một số đối tượng còn giả mạo Uỷ ban phòng chống dịch Covid-19 đề nghị khai báo y tế, hỏi các triệu chứng như ho, sốt… nhưng kèm theo đó là tra hỏi về thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, số tài khoản, địa chỉ nhà…
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị tù chung thân
Có thể nói, hiện tượng giả mạo nhân viên điện lực, ngân hàng, thanh tra, nhân viên y tế, cán bộ tư pháp... nhằm lừa đảo, thu thập thông tin cá nhân ngày càng phổ biến với thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Về chế tài xử lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi lừa đảo thông qua việc mạo danh là nhân viên điện lực, y tế... để chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt tiền đến 2 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu lừa đảo số tiền từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đã phạm tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…
Mức hình phạt sẽ tăng lên, từ 12 - 20 năm, hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Để hạn chế những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra tiếp theo, Luật sư Thanh Hà cho rằng, bên cạnh việc cảnh báo đến khách hàng về hành vi của một số đối tượng giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điện lực, y tế… cũng cần phối hợp với cơ quan điều tra để cung cấp chứng cứ, truy vết đối tượng có hành vi lừa đảo để xử lý trước pháp luật, thu hồi những tài sản của khách hàng đã bị đối tượng phạm tội chiếm đoạt.
Về phía người dân, không nên thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc chuyển tiền vào tài khoản khi chưa xác minh thông tin, khi bị lừa cần nhanh chóng gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an để nhờ hỗ trợ giải quyết, thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt.
Đồng thời, mỗi cá nhân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết.
Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội - Luật sư Thanh Hà khuyến cáo.
Theo PV/ANTĐ

>> xem thêm

Bình luận(0)