|
Do áp lực nên nhiều người đánh nhau trong ngày Tết. |
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, tổng số ca đánh nhau trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán đến khám là 4.976 trường hợp, số ca phải nhập viện điều trị nội trú là 3.019 trường hợp, tăng 10,5 % so với 7 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. Đáng chú ý hơn, trong 7 ngày Tết có tới 18 trường hợp tử vong vì đánh nhau.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trong số gần 5.000 người đánh nhau phải đến bệnh viện có 554 người được xác định liên quan đến rượu, bia.
|
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học. |
Trao đổi với PV về hiện tượng đáng báo động này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho biết, ông rất bất ngờ về số người đánh nhau nhập viện và số người bị đoạt mạng trong ngày Tết.
Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình nêu lý do bất ngờ khiến hàng nghìn người đánh nhau nhập viện trong ngày Tết mà ít người bàn đến.
“Phải chăng ngày nay áp lực nhiều quá, người ta mang theo mối lo tài chính, mối lo tình cảm, người ta mang theo ấm ức đến tận ngày Tết?”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình đặt câu hỏi.
Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội phân tích, lý do nghỉ dài ngày, người Việt ngày càng hung hăng, văn hóa ứng xử kém không phải là nguyên nhân chính dẫn đến đánh nhau mà vấn đề chính là do con người có những áp lực nhưng không có chỗ "xả".
Đối với ngày thường, mọi người bận rộn đi làm ăn, họ lo lắng cơm áo gạo tiền của cá nhân và gia đình. Những mối lo ấy được đưa vào trong các câu chuyện để giải tỏa trong lúc sum vầy ngày Tết. Lúc này, do vui mừng quá chớn hoặc do không giải tỏa hết ấm ức nên một số người tung nắm đấm, nhất là những người trẻ tuổi.
Ngoài ra, trong nhiều gia đình mặc dù con cái đã lớn nhưng dịp tết vẫn phải nghe giáo huấn liên quan đến cá nhân từ ông bà, cha chú, mà không phải lời giáo huấn nào cũng là đúng, là hay. Từ đó cũng có thể xảy ra mâu thuẫn.
Để giảm thiểu tình trạng đánh nhau trong dịp Tết, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, trước hết mỗi cá nhân cần giải quyết áp lực từ gia đình, công sở theo hướng khoan hòa.
Bên cạnh đó, người Việt cần thay đổi theo hướng tôn trọng cá nhân và quyền con người…
Trong khi đó, chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển cho rằng, chốt của việc đánh nhau trong những ngày Tết là do con người không hấp thụ giáo dục về tính nhân văn, ứng xử hòa bình, nhân ái… Trong gia đình, trong trường học không được giảng dạy về nhân cách.
Để ngăn chặn và hạn chế việc đánh nhau cần phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên; các cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc ẩu đả, đánh nhau và xử lý nghiêm, công khai để giáo dục, răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm.