Lâu nay, khi nhắc đến chuyện điều tra các vụ án xảy ra ở địa bàn rừng núi, người ta thường nghĩ đến khó khăn do sự phức tạp của địa hình, khác biệt về ngôn ngữ rồi phong tục tập quán... Song, còn có một khó khăn khác, ít người biết đến nhưng cũng là “đặc sản” của các vụ án nơi “rừng thiêng nước độc” đó chính là phương tiện liên lạc.
Khi mà công nghệ đã ở thời 4.0 thì ở nhiều vùng rừng núi hẻo lánh, sóng điện thoại vẫn chưa thể với tới, chứ chưa nói đến sóng 3G. Bởi thế mà có nhiều vụ án, phương tiện liên lạc chủ yếu vẫn là xe máy và đôi chân mềm dẻo của những người trinh sát. Với cánh phóng viên săn tin “nóng” như chúng tôi thì đây cũng là trở ngại trong quá trình tác nghiệp.
Cuốc bộ để chuyển thông tin ra bên ngoài
Những năm gần đây, có một số vụ án “kinh thiên động địa” xảy ra ở nơi “rừng sâu núi thẳm”, nguyên nhân bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày. Có thể kể đến như vụ án xảy ra ở thôn Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đối tượng Đặng Văn Hùng đã nhẫn tâm cướp đi mạng sống của 4 người thân trong một gia đình chỉ vì tranh chấp một khe nước.
|
Địa hình nơi truy tìm đối tượng Tẩn Láo Lở. |
Hay trường hợp “người rừng” Tẩn Láo Lở (trú tại Bát Xát, Lào Cai), vì mối thù cách đó đã nhiều năm cũng tàn nhẫn gây ra vụ trọng án xôn xao dư luận...
Đặt chân đến hiện trường các vụ án phần nào thấu hiểu được cuộc sống khốn khó của những người dân nơi đây. Những cung đường Tây Bắc quanh năm mây mù che phủ, với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước phần nào đã vợi bớt khó khăn nhưng nhiều nơi vẫn chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ...
Từ trung tâm thị trấn Mậu A vào đến thôn Cài khoảng 40km, đường quanh co, khúc khuỷu lúc lên thì dốc dựng đứng, lúc xuống thì sâu thăm thẳm chỉ có những người dân bản địa quen đường mới có đủ bản lĩnh điều khiển xe máy.
Giữa các cánh rừng âm u, điện thoại di động cũng trở thành những cục gạch vì không có sóng; còn 3G thì càng trở nên xa xỉ. Muốn trao đổi thông tin ra bên ngoài chỉ có cách duy nhất là đi bộ hàng chục kilômet ngược ra, tìm một vị trí thuận lợi để gọi điện thoại nhưng sóng cũng chập chờn, tiếng được tiếng mất rồi lại tắt. Còn với dân phóng viên muốn truyền được thông tin thì phải trở ra xa hơn...
Chiều 13-8-2015, cuộc họp báo dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, khi đó đang là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (hiện nay là Bí thư Tỉnh ủy) đã diễn ra tại UBND xã Lâm Giang, huyện Văn Yên thông tin về vụ trọng án xảy ra tại thôn Cài, 4 người trong cùng một gia đình bị sát hại rất dã man.
Sau một chặng đường dài từ Hà Nội lên Yên Bái rồi ngược vào địa bàn, lúc này cánh phóng viên chúng tôi đều đã thấm mệt nhưng trước thông tin chính thống được phát ngôn từ vị Chủ tịch UBND tỉnh và từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái, ai cũng mong được tiếp cận nguồn tin sớm nhất. Nếu bình thường, việc chuyển tin ra bên ngoài sẽ được tiến hành trực tiếp về tòa soạn nhưng hôm đó tất cả đều không thực hiện được, bởi tại đây sóng điện thoại cũng chẳng có.
Có một kỷ niệm mà đến giờ tôi còn nhớ mãi... Sau gần một ngày, hầu hết các máy điện thoại đều đã hết pin, trong khi hội trường chỉ có duy nhất một chiếc phích cắm điện, nên khi vừa thấy ổ điện, anh em mừng như “bắt được vàng”, thay phiên nhau cắm.
Những ngày đó, thị trấn Văn Yên bỗng trở thành nơi “đổ bộ” của cánh phóng viên. Vào thời điểm ấy, rất nhiều thông tin trên Báo CAND với sự giúp đỡ của Thượng tá Vũ Mạnh Hà, Trưởng Ban điện tử được xử lý mau lẹ, kịp thời đến được với bạn đọc. Lượng truy cập Báo CAND điện tử tăng vọt. Chính điều đó là động lực giúp chúng tôi quên hết mệt mỏi...
Suốt đêm 13-8-2015, cùng với lực lượng Cảnh sát cơ động, cánh phóng viên chúng tôi cũng theo các chốt chặn tuần tra trên các cung đường, những cửa ngõ có thể ra vào Yên Bái. Có mặt vào thời điểm đó, mới thấy được áp lực của nghề báo đối với mỗi phóng viên căng thẳng đến nhường nào.
Sáng 14-8-2015, thông tin Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự và Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái vào hiện trường vụ án khiến cánh phóng viên sôi sục, anh em ai cũng muốn thông qua đó nắm bắt thông tin về đối tượng gây án.
Có một câu chuyện mà sau khi kể lại cho thấy sự vất vả của cán bộ Công an tỉnh Yên Bái và các trinh sát. Đó là sau khi băng rừng, vượt suối vào hiện trường vụ án, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu đã quyết định ứng tiền để mua mấy chiếc xe Win phục vụ việc đi lại của anh em. Đây cũng là con ngựa sắt có thể giúp anh em trinh sát linh hoạt trong việc đi lại...nhanh chóng thông tin ra bên ngoài.
Sau gần 3 ngày ăn rừng nằm suối, lần theo dấu vết của kẻ gây thảm án, Công an tỉnh Yên Bái phối hợp với Công an huyện Văn Yên, các lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân bắt đầu phát hiện những dấu vết của Hùng... ban đầu là từ một chiếc bật lửa vứt lại giữa vùng rừng núi. Song ở giữa nơi rừng xanh, núi thẳm anh em chẳng có cách nào để liên lạc được ra bên ngoài nên các lực lượng chỉ có cách là lần theo dấu vết để lại.
Sáng 15-8-2015, một người dân ở thôn 2, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tình cờ nhìn thấy 2 bóng người lạ, có đặc điểm như thông báo của cơ quan Công an, đã thông tin sự việc đến lực lượng Công an xã sở tại.
Khoảng 9h30 ngày 15-8- 2015, tôi nhận được điện thoại của Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu. Bằng linh cảm, tôi biết tin vui đã đến...Vậy là chỉ vơ vội chiếc ba lô, tôi lao lên đường.
Với sự ưu ái của Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, tôi là phóng viên đầu tiên tiếp cận đối tượng Đặng Văn Hùng và cũng là người được tiếp xúc với đối tượng này, khi anh ta được đưa về Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái.
Với sự phối hợp của trưởng ban điện tử, Báo CAND là một trong những ấn phẩm đầu tiên đưa thông tin và hình ảnh về việc bắt giữ Hùng. Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu cảm giác lúc đó như thế nào, xen lẫn niềm vui của cán bộ Công an tỉnh Yên Bái khi bắt giữ được kẻ thủ ác là niềm tự hào của người làm báo...
Treo rọ làm phương tiện liên lạc
“Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”... thi thoảng những cuộc điện thoại của tôi với Đại tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai mới kết nối được nhưng bập bõm phải gọi đi gọi lại hàng chục lần mới diễn đạt được một phần nội dung... Đó là khoảng thời gian căng thẳng, các lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh Lào Cai căng mình lần theo Tẩn Láo Lở kẻ gây ra vụ thảm án ở huyện Bát Xát giữa khu rừng già âm u.
|
Chiếc lồng gà đón sóng điện thoại. |
Khi đi ở khu vực rừng già, nếu mặc áo mưa đi bộ leo rừng thì nóng nực. Nhưng nếu không thì toàn bộ công cụ, phương tiện mang theo người sẽ ướt đẫm sương. Bởi thế, trong quá trình làm nhiệm vụ, Thiếu tá Trần Xuân Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Bát Xát và đồng đội của anh thường hạn chế mang theo nhiều đồ đạc.
Tẩn Láo Lở thường xuyên đi đêm thì các tổ công tác lại phải đi từ sáng sớm để dấu vết chân và vết cỏ của tổ công tác sau một ngày đến đêm trở thành vết cũ, như vậy Lở khó phát hiện. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thời gian sẽ bị kéo dài hơn, điện thoại cũng chẳng còn pin.
Thiếu tá Trần Xuân Dũng nhớ lại: Tại căn nhà của ông Sèo Và Chính nằm ở đầu làng, nơi anh em tá túc và cũng là nơi họp án, anh và đồng đội đã tìm ra được một vị trí có sóng...
Tại đây, họ nảy ra sáng kiến, treo một chiếc lồng gà trên cây nhội ở góc sân để chờ sóng. Vì thế, có câu chuyện mà đến giờ, các cán bộ Công an huyện Bát Xát còn nhớ mãi, khi tiếng chuông điện thoại reo cùng lúc 4-5 đồng chí cùng chạy ra vì cứ tưởng điện thoại của mình. Có lúc mải làm việc chiếc điện thoại bị ướt đẫm sương đêm cũng không dùng được...
Khi có thông tin về đối tượng Tẩn Láo Lở, Đội trưởng Trần Xuân Dũng muốn thông tin ra bên ngoài những cũng chẳng biết liên lạc bằng cách nào. Vì thế, anh phải chạy bộ 3 km đường rừng để ra báo cáo tình hình...giúp bắt giữ đối tượng. Với anh em trinh sát là vậy, với cánh phóng viên như chúng tôi cũng vất vả không kém.
Trong chuyên án này, chúng tôi được tiếp cận Lở, sau khi đối tượng bị bắt giữ, đưa trở lại hiện trường vụ án để tiến hành thu giữ vật chứng có liên quan. Cuốc bộ ngược dốc cho đến khi đôi bàn chân mỏi nhừ, những phương tiện cần thiết mang theo người bỗng trở nên nặng chịch, chúng tôi mới vào đến hiện trường vụ án.
Vắt ở đâu nhảy ra, những chiếc áo của anh em chỉ trong phút chốc đã loang lổ những vết máu. Chiếc hang của Tẩn Láo Lở nằm sâu trong rừng vầu, bên trong được chuẩn bị kỹ lưỡng cho một hành trình trốn chạy dài lâu.
Gần buổi sáng, theo chân các trinh sát trở vào hiện trường vụ án, chúng tôi lại phải nhanh chóng ra bên ngoài để chuyển những hình ảnh ban đầu về Tẩn Láo Lở; về cuộc sống mới của gia đình nạn nhân Tẩn Ông Nải...cũng như những hình ảnh về cuộc sống của người dân thôn Phìn Ngan, sau vụ thảm án kinh hoàng xảy ra.
Không còn những ánh mắt hoang mang sợ, nhịp sống dần trở lại với bà con vùng cao... Những hình ảnh được cánh phóng viên chúng tôi ghi lại, truyền tải đã trở thành cầu nối, giúp bạn đọc hiểu thêm về những chiến công, sự hy sinh thầm lặng của người cán bộ Công an vùng cao trong cuộc chiến bảo vệ sự bình yên của mảnh đất Tây Bắc. Với mỗi người cầm bút như chúng tôi, đó là niềm vinh dự xen lẫn tự hào.