Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “Thật sự tôi bị choáng khi đọc được thông tin báo Tuổi Trẻ đăng việc diễn viên Công Lý lên bìa sách luật".
Phản cảm và bôi bác
Luật sư Đức nói Bộ luật dân sự là một trong những bộ luật căn bản điều chỉnh hầu hết mọi quan hệ xã hội nên Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 là cuốn sách bắt buộc phải có và được đọc thường xuyên tại văn phòng của ông.
Ông cũng đánh giá người làm xuất bản ai cũng biết trang bìa 1 là cực kỳ quan trọng để thu hút sự quan tâm của người mua, nhất là xuất bản phẩm có nội dung Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 đã có nhiều nhà xuất bản phát hành.
“Có lẽ vì nội dung không có gì mới nên nhà xuất bản phải “sáng tạo” hình thức khác người để dễ cạnh tranh. Tuy nhiên việc đưa lên trang bìa một quyển sách phổ biến và tuyên truyền pháp luật hình ảnh một người gần như lõa thể, đứng trên quả cầu lửa, hai tay cầm hai cán cân (có lẽ phiên bản của biểu tượng thần Công lý?) thì thật là bôi bác” - ông Đức nhận định.
Ông Đức nói: "Không hiểu vì tình cờ hay cố ý mà gương mặt được lắp ghép vào hình người lõa thể lại là của một diễn viên hài nổi tiếng có nghệ danh khá ấn tượng: Công Lý. Công lý thì luôn gắn bó với pháp luật!
Tôi không suy diễn nhà xuất bản nghĩ gì khi sử dụng những hình ảnh trên cho một cuốn sách nghiêm túc rất cần thiết cho các sinh viên, các nhà nghiên cứu, hoạt động liên quan đến pháp luật và cả những công dân bình thường. Nhưng rõ là phản cảm và dễ đưa đến những bình luận tiêu cực.
Dù sao đi nữa, tôi vẫn phải tìm mua cuốn sách viện dẫn (cho dù tủ sách của văn phòng tôi đã có nội dung Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành 2014) bởi lẽ đây là chứng cứ buồn cho một giai đoạn thiếu văn hóa trong xuất bản".
|
Bìa sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 có gương mặt của diễn viên hài Công Lý. |
Một cách phản biện xã hội?
Trong khi đó, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng để ra được một cuốn sách, có nộp lưu chiểu đàng hoàng hẳn nhiên phải có một ban biên tập, một hội đồng duyệt của nhà xuất bản hẳn hoi. Ngoài ra, còn có Cục Xuất bản, họ cũng là những người có trình độ, nghiêm túc khi làm việc và hẳn nhiên, họ có tri thức và đây là ý thức chủ quan của họ.
“Việc bìa cuốn sách có thể coi là không phù hợp “thuần phong mỹ tục” nhưng tôi nghĩ những người làm ra cuốn sách có lý của họ khi làm. Nếu không thì cuốn sách không thể nào ra được đến thị trường, đến tay bạn đọc, bày bán công khai ở nhà sách.
Vì thế, dưới góc độ những người làm văn hóa, họ có cách nhìn nhận về ngành luật khác với chúng tôi chăng? Bởi vậy, tôi chấp nhận cái nhìn đó như một cách phản biện của xã hội” - luật sư Bùi Quang Nghiêm đánh giá.
Còn theo luật sư Vũ Thái Hà, “việc in hình ảnh diễn viên Công Lý cắt ghép, cởi trần, mặc quần nhỏ trên trang bìa là thiếu nghiêm túc, có thể nói là báng bổ pháp luật. Việc đưa hình ảnh phản cảm này trên trang bìa không thể được gọi là thiếu sót mà hẳn là có dụng ý nào đó”.
Theo luật sư Thái Hà: “Nó không thể không khiến bạn đọc liên tưởng tới câu mà người ta hay đùa: Công Lý chỉ là một diễn viên hài. Thật khó có thể tin các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực xuất bản lại có thể để một ấn phẩm có trang bìa phản cảm như thế này được phát cả nghìn cuốn và bán ra thị trường”.
“Theo tôi, cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan tới việc cho in ấn, phát hành cuốn sách này một cách nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật về xuất bản” - luật sư Hà đề nghị.