Người khởi đầu cho làn sóng rời “bầu sữa nhà nước” là ông Lương Văn Lý, từ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Làn sóng “từ quan”
Tại TPHCM, hiệu ứng “rũ áo từ quan” rầm rộ diễn ra suốt năm 2007. Chỉ riêng Sở Giao thông Công chính TPHCM có 33 cán bộ xin nghỉ việc, chuyển ra làm ngoài.
Trả lời báo chí, ông Châu Minh Tỷ - Giám đốc Sở Nội vụ khi đó miêu tả hiện tượng bỏ nhiệm sở như làn sóng chảy máu chất xám. Lãnh đạo thành phố bất lực không thể ngăn được. Năm sau đến lượt ông Trương Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cũng làm đơn xin nghỉ việc để mở văn phòng luật mang tên ông. Ông Trương Trọng Nghĩa hiện là Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM và Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam.
|
Ông Lương Văn Lý từ “ngôi sao” quan trường trở thành doanh nhân thành đạt. |
Chuyện “từ quan” sẽ không tốn nhiều giấy mực nếu như ông Lương Văn Lý (sinh năm 1952) không phải là quan chức tốt nghiệp đại học tại Thụy Sĩ ngành công pháp quốc tế. Tại thời điểm đó, ông Lý là một trong số những “ngôi sao sáng”, thông thạo hai ngoại ngữ (Anh, Pháp). Trước khi chuyển về làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM phụ trách về đầu tư nước ngoài và các dự án ODA năm 2001, ông làm Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM với thâm niên 24 năm. Sau khi nghỉ việc, ông Lý mở Cty Tư vấn Đầu tư DNL và ngay lập tức có một số khách hàng “nặng ký” (những công ty, tổ chức đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam).
Hiện, ông Lý là cố vấn kiêm trưởng bộ phận đầu tư và thương mại của Cty Luật VLT do chính ông và đối tác thành lập. Ngoài ra, ông còn là thành viên độc lập Hội đồng quản trị Quỹ hạ tầng Vinacapital và Quỹ Blackhorse.
Tuy công ty luật 100% vốn trong nước, nhưng khách hàng phải trả phí tư vấn cao ngang ngửa công ty luật nước ngoài (một điều hiếm thấy với một công ty luật nội địa). Điều đó cũng thể hiện công việc kinh doanh của ông thành công.
Về làm nông dân
Cũng gây sốc không kém khi đột ngột đưa ra quyết định từ quan để làm nông dân đúng nghĩa là trường hợp của ông Trần Văn Quyến, nguyên Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên. Không ít người thắc mắc, tiếc nuối, kể cả hoài nghi. Bởi vì, vị trí, công việc như ông nhiều người ao ước. Tuy nhiên, với ông Quyến, quyết định này nhẹ như không: Muốn được tự do ở góc độ của một nhà khoa học.
|
Cựu PGĐ Vườn QG Cát Tiên Trần Văn Quyến đứng giữa vườn cây mà ông dày công chăm bẵm. |
Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm vào năm 1981, ông Quyến về làm việc tại Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai. Được hai năm, ông xin về công tác tại Hạt kiểm lâm huyện Tân Phú rồi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên. Về đây, rừng Cát Tiên thực sự là kho kiến thức về đa dạng sinh học và cuốn hút ông tìm tòi khám phá, trang bị thêm nhiều kiến thức về các loài cây, thú… Có thể nói, thời gian ở Vườn quốc gia Cát Tiên đã thức dậy đam mê thời trẻ của ông.
Năm 2000, ông Quyến xin thôi chức phó giám đốc và nghỉ việc. Ông Quyến kể lại, một cán bộ tổ chức nhận quyết định xin nghỉ việc của ông đã hỏi thẳng: Nội bộ có chuyện gì không, chỗ này nhiều người muốn vào sao ông lại đi? Hơn 20 năm gắn bó với rừng, đến nay hỏi lại, ông Quyến vẫn giữ quan điểm: “Môi trường cơ quan làm việc rất tốt. Nhưng nói thật, làm khoa học nhiều cái mình rất muốn, nhưng cơ chế không cho phép; cấp phó nên cũng không thể quyết định được nhiều việc”.
Cầm quyết định nghỉ việc, ông chọn nghiệp làm một nông dân, bởi núi rừng cây cỏ đã “ăn” vào máu. Dốc tiền nhà, vay mượn thêm, ông mua vài héc ta đất đồi hoang vu ở xã Núi Tượng gần với Vườn quốc gia Cát Tiên và bắt tay trồng trọt. Tự tìm tòi, nghiên cứu cây gió bầu về trồng trên vùng đất mới. Hiện, ông Quyến đã nhân rộng trang trại của mình lên 25 hécta và phát triển cây gió bầu ra khắp vùng.
Sau ông Lương Văn Lý khởi đầu làn sóng “từ quan” ở TPHCM năm 2007; tiếp theo đó là các ông Nguyễn Việt Sơn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính; ông Lê Văn Công - Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM xin nghỉ việc cùng năm. Nối gót ông Lý, một trưởng phòng của Sở Kế hoạch - Đầu tư là ông Đào Xuân Đức cũng nghỉ, về đầu quân cho Tổng Cty Thương mại Sài Gòn. Ông Lê Văn Công đầu quân cho một quỹ đầu tư nước ngoài, còn ông Nguyễn Việt Sơn mở Cty CP Đầu tư Xây dựng BMT chuyên sản xuất bê tông nhựa.