Lợi gì từ thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư?

Google News

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, sau khi trừ đi chi phí, nộp lại ngân sách, từ đó sẽ cân đối lại các mục tiêu của nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

Sau khi đưa vào hoạt động nhiều tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng tiền ngân sách, trong đó có các đoạn cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho thu phí. Nhiều ý kiến trái chiều về việc này, trong đó có lo ngại “phí chồng phí”.
Từ đây, dư luận cũng quan tâm mức thu dự kiến ra sao và nguồn thu sẽ được sử dụng vào mục đích gì?
Loi gi tu thu phi duong cao toc do Nha nuoc dau tu?
Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45.
Thông tin về vấn đề trên, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, trên thế giới nói chung và ở các quốc gia đang phát triển nói riêng, khả năng nguồn lực của quốc gia nào cũng thế, việc đầu tư hạ tầng gần như là không đáp ứng nổi. Chúng ta đã huy động rất nhiều giải pháp cũng như phương pháp, từ PPP đến nguồn lực của các doanh nghiệp để đầu tư, trong đó có giải pháp là Nhà nước đầu tư rồi thu phí để hoàn vốn.
Sơ bộ đến năm 2025, nếu đầu tư được hệ thống kết cấu hạ tầng hơn 900 nghìn tỷ đồng thì cũng chỉ cân đối được 234 nghìn tỷ đồng. Khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc như cao tốc Bắc-Nam phía đông và một số dự án đường cao tốc khác, đây đều là những dự án quan trọng quốc gia. Tại các nghị quyết của Quốc hội đã giao cho Chính phủ nghiên cứu các giải pháp để đầu tư xong rồi thu phí để hoàn vốn.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ GTVT đã xây dựng các đề án và trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ lần này cũng đưa vào. Đó là Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới, song song với việc đầu tư xây dựng các quốc lộ. Ở đây, người dân có quyền lựa chọn đi quốc lộ hoặc đi cao tốc.
"Hiện nay chúng tôi đã tính toán các lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc, một là nhanh hơn, hai là tiết kiệm nhiên liệu hơn. Từ các chi phí tiết kiệm nhiên liệu, chi phí vận hành khai thác, Nhà nước sẽ thu phí với các lợi ích mang lại đó, đồng thời cũng sẽ bảo đảm sự chi trả của người dân. Mục đích của nguồn thu này là bổ sung lại nộp vào ngân sách, để phục vụ đầu tư kết cấu hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của Trung ương", thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thông tin.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, sau khi trừ đi chi phí thu phí, chi phí vận hành, nộp lại ngân sách, từ đó sẽ cân đối lại các mục tiêu của nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương. Đối với các tuyến cao tốc mà Nhà nước đầu tư cơ bản, hiện nay đang đầu tư đều theo chủ trương và nghị quyết của Quốc hội phê duyệt.
>>> Mời độc giả xem thêm video GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ về vai trò của đầu tư trọng điểm đối với nghiên cứu khoa học:
 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)