Cho đến nay, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (LHH VN) đã trải qua 6 kỳ đại hội với nhiều thành công và để lại những dấu ấn trong sự phát triển của LHH VN.
Đại hội thành lập LHH VN (nhiệm kỳ 1983 – 1988)
Ngày 26/3/1983, tại Hà Nội, đại biểu của 15 hội thành viên đã tiến hành Đại hội thành lập LHH VN. Đại hội đã thông qua Điều lệ LHH VN và bầu ra Ban Chấp hành T.Ư do GS.VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Ngày 29/7/1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 121/HĐBT về việc cho phép LHH VN chính thức thành lập và hoạt động.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu tham dự Đại hội. |
Đại hội đại biểu toàn quốc LHH VN lần thứ II (nhiệm kỳ 1988 – 1993)
Đại hội diễn ra vào ngày 12/5/1988, tại Hà Nội, với sự tham gia của trên 100 đại biểu đại diện 23 hội thành viên. Đại hội đã bầu ra 49 ủy viên Hội đồng T.Ư, đại diện cho tất các các hội thành viên, Cơ quan thường trực LHH VN và các cơ quan hữu quan. Hội đồng T.Ư đã bầu ra Đoàn chủ tịch gồm 9 ủy viên do GS.TS Hà Học Trạc làm Chủ tịch; GS.VS Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch danh dự.
|
GS.TS Hà Học Trạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam nhiệm kỳ II đọc báo cáo tại Đại hội. |
Đại hội đại biểu toàn quốc LHH VN lần thứ III (nhiệm kỳ 1993 - 1998)
Đại hội diễn ra vào ngày 27 - 28/9/1993, tại Hà Nội với sự tham gia của 184 đại biểu đại diện 42 hội thành viên. Đại hội thông qua báo cáo của Hội đồng T.Ư khóa II cùng các văn kiện quan trọng khác. Đại hội bầu ra Hội đồng T.Ư khóa III gồm 95 ủy viên. Hội đồng T.Ư khóa III tiếp tục suy tôn GS.VS Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch danh dự; GS.TS Hà Học Trạc làm Chủ tịch.
|
Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam nhiệm kỳ III ra mắt Đại hội. |
Đại hội đại biểu toàn quốc LHH VN lần thứ IV (nhiệm kỳ1999 - 2004)
Đại hội diễn ra vào ngày 7 - 9/1/1999, tại Hà Nội với sự tham gia của 213 đại biểu đại diện 63 hội thành viên. Đại hội thông qua các văn kiện của Hội đồng T.Ư khóa III và Điều lệ (bổ sung, sửa đổi). Đại hội bầu ra Hội đồng T.Ư khóa IV gồm 133 ủy viên. Hội nghị Hội đồng T.Ư lần thứ nhất bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 17 ủy viên do GS.VS Vũ Tuyên Hoàng làm Chủ tịch.
|
GS.TS Hà Học Trạc thay mặt Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam nhiệm kỳ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Đảng và Nhà nước do Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình trao tặng. |
Đại hội đại biểu toàn quốc LHH VN lần thứ V (nhiệm kỳ 2004 - 2009)
Với tinh thần "Trí tuệ - Hợp tác - Phát triển", đại hội diễn ra vào ngày 27 - 28/12/2004, tại Hà Nội có với sự tham gia của 432 đại biểu thay mặt cho 92 hội thành viên. Đại hội bầu ra Hội đồng T.Ư nhiệm kỳ V gồm 212 ủy viên. Trong nhiệm kỳ này, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch. Khi GS.VS Vũ Tuyên Hoàng mất, PGS.TS Hồ Uy Liêm là Quyền Chủ tịch.
|
Toàn cảnh Đại hội. |
Đại hội đại biểu toàn quốc LHH VN lần thứ VI (nhiệm kỳ 2010 - 2015)
Đại hội diễn ra vào ngày 27 - 28/4/2010, tại Hà Nội với sự tham gia của 677 đại biểu đại diện cho 125 hội thành viên. Đại hội bầu ra Hội đồng T.Ư nhiệm kỳ VI gồm 144 ủy viên. Hội đồng T.Ư đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 23 thành viên do GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN & Môi trường Quốc hội làm Chủ tịch.
|
Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam nhiệm kỳ VI ra mắt Đại hội. |
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Chủ tịch LHH VN khóa V đánh giá về 6 kỳ đại hội:
|
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng. |
Địa chỉ tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo
Năm 1983, Đại hội thành lập LHH VN đã gây tiếng vang lớn đáp ứng nguyện vọng của giới trí thức. Nhiệm kỳ đầu tiên này đã xác định rõ mục đích của LHH VN là tập hợp trí thức để phát huy tốt hơn nữa tiềm lực KHKT của đất nước, góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Nhiệm kỳ II, LHH VN rất chú trọng vào việc củng cố và phát triển tổ chức. Trong nhiệm kỳ này, tuy điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng số lượng các hội thành viên liên tục được phát triển, vai trò của LHH VN dần được khẳng định là tổ chức quần chúng tập hợp rộng rãi tri thức.
Tại nhiệm kỳ III, LHH VN đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Ngoài số lượng các hội thành viên tăng nhanh, đây là thời điểm mà LHH VN chú ý đẩy mạnh các hoạt động phổ biến kiến thức; tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Trong nhiệm kỳ này, việc phản biện cho thủy điện Sơn La đã gây ra tiếng vang lớn và tạo sự uy tín cho LHH VN.
Nhiệm kỳ IV tiếp tục có bước chuyển mới khi khẳng định LHH VN là một tổ chức chính trị - xã hội chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, nhiệm kỳ này cũng xác định rõ, phổ biến kiến thức; tư vấn, phản biện và giám định xã hội là các nhiệm vụ quan trọng của LHH VN, tạo ra “thương hiệu” riêng của LHH VN.
Nhiệm kỳ V tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng LHH VN là một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh. Đây cũng là nhiệm kỳ đánh dấu sự phát triển về mặt tổ chức. Ngoài số lượng các hội thành viên tăng nhanh còn sự xuất hiện các tổ chức KHCN trực thuộc LHH VN.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ngày 06/8/2008 “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) ngày 16/4/2010 “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của LHH VN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, LHH VN đã có bước phát triển quan trọng, hoàn thành mục tiêu phát triển tổ chức Liên hiệp hội cấp tỉnh ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt công tác.
Trải qua 6 nhiệm kỳ, 6 lần đại hội, LHH VN đã thực sự phát triển và trưởng thành, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình, trở thành địa chỉ tin cậy để tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam.