Phạm Trung H. và Lê Thị Thu P. là hai vợ chồng. Do bất đồng nên cả hai đã ly thân nhưng vẫn ở chung một nhà. Quá trình chung sống, cả hai kinh doanh xe tải và làm vườn mãng cầu, tích lũy được 20 lượng vàng 9999. Do biết vợ cất giữ nhiều tài sản nên H. nảy sinh ý định chiếm đoạt. Khoảng 17h ngày 21-10-2017, sau khi đi làm rẫy về biết vợ và con đang đi chở hàng nên H. đã phá két sắt lấy toàn bộ số tài sản gồm số vàng trên và 197 triệu đồng sau đó dùng cưa sắt cưa cửa sổ phòng nhằm tạo hiện trường giả.
Sau khi lấy được tiền, H. đem số tiền đem đi gửi ở nhà một người quen còn toàn bộ vàng đem đi chôn ở vườn của gia đình. Rạng sáng hôm sau, khi về đến nhà, chị P. phát hiện mất tài sản đã hỏi chồng, nhưng H. nói không biết gì. Chị P. lên công an trình báo. Sau khi khám nghiệm hiện trương, cơ quan công an đã mời H. lên làm việc và thú nhận toàn bộ sự việc.
Vấn đề đặt ra là Phạm Trung H. có bị xử lý về hành vi trộm cắp tài sản hay không?
|
Ảnh minh họa. |
Ý kiến bạn đọc
Phạm tội trộm cắp tài sản
Trong vụ việc này Phạm Trung H. đã phạm tội trộm cắp tài sản bởi lẽ bản chất của sự việc là người chồng cố tình muốn chiếm đoạt tài sản chứ không đơn giản là do tức giận nên mới gây chuyện. Cụ thể, Phạm Trung H. đã tạo hiện trường giả, đem vàng chôn giấu. Mặc dù tài sản là của chung nhưng khi chị Lê Thị Thu P. nắm giữ tức chị ta phải chịu trách nhiệm về khối tài sản đó. Với hành vi ngụy tạo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, theo tôi đủ cơ sở để kết luận Phạm Trung H. đã phạm tội trộm cắp tài sản.
Nguyễn Hồng Hà (Ba Chẽ - Quảng Ninh)
Chưa đủ cơ sở buộc tội
Tội trộm cắp phải thỏa mãn hai điều kiện: Lén lút và lấy tài sản của người khác. Về hành vi lén lút thì Phạm Trung H. đã hoàn thành, nhưng điều gây tranh cãi là tài sản này có phải của người khác hay không? Trên thực tế, hai vợ chồng chưa ly hôn, tức tài sản này vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Vì thế, trong trường hợp này không thể xác định phần tài sản của người khác (người vợ) là bao nhiêu. Để xác định thì cần phải có thỏa thuận của hai vợ chồng hoặc một bản án của tòa. Hai người vẫn chưa ly hôn và chưa xác định được phần của mỗi người trong tài sản bị lấy nên không thể xác định người chồng “trộm” bao nhiêu trong số tài sản bị lấy để định tội danh. Vì vậy, dù người chồng có lén lút lấy nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để buộc tội cho anh ta là trộm cắp tài sản của vợ.
Hoàng Duy Tuấn (Tam Điệp - Ninh Bình)
Không phạm tội
Trong vụ việc này, Phạm Trung H. không phạm tội trộm cắp tài sản. Theo quy định của pháp luật, tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Lén lút tức phải vào một căn nhà không phải của mình, đằng này tuy ly thân nhưng hai vợ chồng vẫn ở cùng một nhà; tài sản này cũng là tài sản chung nên không thể nói người chồng lén lút lấy tài sản. Theo tôi, ở đây Phạm Trung H. đang công khai lấy tiền của mình. Việc anh ta tạo hiện trường có thể chỉ là bộc phát tức thời, vì vậy không thể dựa vào đó mà cho rằng người chồng phạm tội trộm cắp tài sản.
Hoàng Anh Minh (Việt Trì - Phú Thọ)
Bình luận của luật sư
Hiện nay, tình trạng ly thân diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 chưa có quy định về vấn đề này nên ta có thể hiểu ly thân là việc sống riêng giữa vợ và chồng trong một khoảng thời gian nhất định; cả hai vợ chồng không ăn chung, ở chung, không sinh hoạt vợ chồng. Mục đích của ly thân là để giảm thiểu những bất hòa, căng thẳng, áp lực trong cuộc sống hôn nhân… Trong thời gian ly thân hai người vẫn là vợ chồng được pháp luật công nhận, có quyền và nghĩa vụ nhất định đối với nhau và đối với con cái. Do đó, chế định về tài sản của vợ chồng trong thời kỳ ly thân cũng được hiểu đó là tài sản trong thời kỳ hôn nhân, trong đó có tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng được quy định như sau:
Về tài sản chung của vợ chồng, Điều 33, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1, Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Về tài sản riêng của vợ, chồng, Điều 43, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ chồng theo quy định tại các Điều 38, 39, và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 33 và khoản 1, Điều 40 của Luật này.
Như vậy, trong thời kỳ ly thân thì tài sản chung của vợ chồng vẫn bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động… nếu như không có thỏa thuận nào khác giữa hai vợ chồng về tài sản đó là tài sản riêng của mỗi người thì đó là tài sản chung. Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập quan hệ sở hữu đối với tài sản đó, để xác định hành vi lén lút lấy tiền, vàng của Phạm Trung H. có cấu thành tội phạm hay không.
Theo chúng tôi, trong trường hợp này Phạm Trung H. và Lê Thị Thu P. đang ở tình trạng ly thân, nhưng không phải vì vậy mà tài sản chung của vợ chồng không còn tồn tại hay bị chia tách. Để có thể kết luận Phạm Trung H. có phạm tội trộm cắp tài sản hay không thì cần xác định xem số tài sản mà H. lấy có thuộc đối tượng của tội trộm cắp tài sản hay không. Sẽ có hai trường hợp xảy ra như sau: Nếu tài sản mà H. lấy trộm là tài sản riêng của P. thì H. sẽ bị kết tội trộm cắp tài sản theo khoản 1, Điều 138. Còn nếu tài sản mà H. lấy trộm là tài sản chung của vợ chồng thì H. sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Bộ luật Hình sự chỉ quy định tội trộm cắp đối với hành vi “Trộm cắp tài sản của người khác” (Điều 173, Bộ luật Hình sự 2015), chứ không có quy định nào đối với hành vi xâm phạm tài sản chung hợp nhất, trong đó có phần tài sản của chính mình. Trong Bộ luật Hình sự, đối với các tội về xâm phạm sở hữu cũng đều quy định như vậy. Nghĩa là phải xâm phạm tài sản của người khác thì mới cấu thành các tội phạm này.
Bộ luật Hình sự đã quy định rõ hành vi trộm cắp là lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Không cần biết sở hữu chủ tài sản là ai, chỉ khi nào không phải của mình mà lén lút lấy thì mới là phạm tội trộm cắp. Tiền, vàng của vợ chồng trong trường hợp này là loại tài sản chung hợp nhất của người giữ (vợ) và người lấy về (chồng) chứ không phải tài sản của người thứ ba nào khác. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó quyền sở hữu của mỗi người chủ sở hữu không xác định được (theo khoản 1, Điều 217 và khoản 1, Điều 219, Bộ luật Dân sự), nghĩa là không biết rõ tiền hay vàng, vàng miếng hay nữ trang, giấu cất ở đâu.
Nếu cứ suy luận người chồng lấy tài sản chung là trộm của vợ; thì việc người vợ giành cất giữ hết tài sản chung, tùy tiện chi xài, tự do sử dụng… phải chăng cũng là hình thức ăn trộm? Do đó, trong trường hợp này, đối với tài sản chung hợp nhất chưa chia của Phạm Trung H. và Lê Thị Thu P. không phải là tài sản riêng của người khác và không phải đối tượng điều chỉnh của Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong trường hợp này, Phạm Trung H không phạm tội trộm cắp tài sản.