Lừa lấy mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng
Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao với nhiều chiêu trò lừa lấy mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nhiều người ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều người vì nhẹ dạ, cả tin đã bị các đối tượng này lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Mới đây, tại tỉnh Đồng Tháp nhiều người bán cây cảnh trên mạng xã hội đã bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo bằng thủ đoạn giả vờ mua cây cảnh online, lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.
Theo một người bán cây cảnh trên mạng xã hội cho biết, cuối tháng 8/2019, có người hỏi mua gốc mai với giá 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, thay vì chuyển tiền, người mua đã gửi một đường link yêu cầu anh nhập tài khoản ngân hàng, mã OTP và số điện thoại. Sau đó, chúng lập tài khoản Momo liên kết với tài khoản ngân hàng của anh để rút gần 12 triệu đồng.
Cũng bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa lấy mã OTP của một người phụ nữ bán cây cảnh chiếm đoạt 28 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
|
Ảnh minh họa. |
Công an tỉnh Đồng Tháp cảnh báo, thời điểm cuối năm, nhu cầu mua bán cây cảnh, hoa cảnh trên mạng xã hội sẽ tăng cao. Bà con cần cẩn trọng việc mua bán, không nên cung cấp tài khoản ngân hàng, mã OTP để tránh bị lừa đảo mất tiền oan.
Thủ đoạn lừa đảo này tuy mới ở tỉnh Đồng Tháp nhưng đã xảy ra tại nhiều địa phương từ vài năm trở lại đây, không chỉ lừa những người bán cây cảnh, các đối tượng tội phạm công nghệ cao còn giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo lấy mã OTP.
Vào tháng 9/2019, chị Đ.C.L. (ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khoảng 16h30 ngày 26/9/2019, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 037.796.155 xưng là nhân viên ngân hàng. Ngay khi bắt đầu cuộc điện thoại, người này đọc chính xác tên khách hàng, cũng như số tài khoản cùng chứng minh nhân dân của chị L.
Khi chị L. xác nhận đó là số tài khoản của mình tại ngân hàng T, chứng minh nhân dân của mình thì được người đàn ông này cho biết, tài khoản của chị đang bị "treo" nên cần khởi động lại. Thông tin này khá khớp với những gì chị L. đang gặp phải trong vài ngày qua khi liên tiếp không thể nhận được tiền chuyển khoản từ các ngân hàng khác, ngoài Techcombank từ đối tác, bạn bè.
Sau đó, đối tượng yêu cầu chị L. đọc số thẻ và mã số OTP từ ngân hàng chuyển đến để khởi động lại tài khoản, sửa lỗi treo chuyển khoản. Tưởng là nhân viên ngân hàng, chị L. đã đọc mã OTP cho người đàn ông này, sau đó phát hiện tài khoản bị trừ khoảng 12 triệu đồng. Đáng chú ý, khi điện thoại lại cho đối tượng thì hắn là đối tượng lừa đảo.
Không chỉ chị L. là nạn nhân, mới đây Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua đã nhận được phản ánh của nhiều nạn nhân về việc bị một số đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện lừa đảo để chiếm đoạt số tài khoản, mã OTP và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
|
Một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt mã OTP ngân hàng bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ.
|
Thủ đoạn của các đối tượng này là giả danh nhân viên ngân hàng, hoặc giả danh đơn vị trúng thưởng gọi điện thoại thông báo rằng đã may mắn trúng thưởng các chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng của ngân hàng hoặc đang có khoản tiền mới chuyển nhưng do lỗi nên đang bị treo hệ thống. Để được hỗ trợ xác minh thông tin và xử lý, khách hàng cần phải truy cập vào website của ngân hàng để cung cấp số CMND, thông tin tài khoản…
Thực chất, website mà các đối tượng hướng dẫn chủ tài khoản truy cập đều là giả mạo nhằm thu thập thông tin tài khoản cá nhân. Sau khi có thông tin tài khoản, mật khẩu truy cập, các đối tượng sẽ truy cập vào website ngân hàng (trang chính thống) để chiếm đoạt quyền quản trị. Khi hệ thống ngân hàng gửi tin nhắn mã OTP về số điện thoại của các nạn nhân, trang website giả mạo hoặc các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP trên.
Nếu nạn nhân thiếu cảnh giác gửi mã OTP, các đối tượng sẽ đổi mật khẩu để chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng và chuyển đến các tài khoản ngân hàng (của cá nhân kinh doanh thẻ cào, tiền ảo, tiền game…) để rút tiền hoặc nạp tiền vào tài khoản ví điện tử như MoMo, VTCPay….
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng zalo, facebook để rao bán tiền giả, bán xe nhập lậu và đề nghị người mua đặt cọc và chiếm đoạt tiền.
Nạn nhân bị mắc bẫy vì tham?
Mới đây, ngày 5/11, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội) vừa phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá thành công ổ nhóm dùng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Các đối tượng phạm tội gồm: Nguyễn Văn Ân, Đỗ Văn Điệp, Nguyễn Sỹ Lành, Đinh Văn Hà, Đinh Công Cường (đều trú tại thị trấn Nam Phước và xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, với thủ đoạn lừa đọc mã OTP, giả mạo nhân viên ngân hàng để rút tiền từ tài khoản ngân hàng: Đỗ Văn Điệp đã chiếm đoạt 140 triệu đồng của chị N (Hoàng Mai, Hà Nội), chiếm đoạt 60 triệu đồng của chị M (Đông Dư, Gia Lâm) bằng cách chuyển tiền tới tài khoản của Đinh Công Cường và thuê Cường rút tiền để hưởng lợi 20% số tiền lừa đảo.
Nguyễn Văn Ân chiếm đoạt 20 triệu đồng của chị L (Trực Ninh, Nam Định và chiếm đoạt 20 triệu đồng của chị M (Nam Trực, Nam Định), ngoài ra Ân còn chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại khác.
Với thủ đoạn lập tài khoản facebook, zalo rao bán tiền giả hoặc xe nhập lậu: Đinh Văn Hà thông qua facebook "Hùng Hải Hưng" đã gây ra 40 vụ, chiếm đoạt 40 triệu của những người thiếu hiểu biết, tham lợi khi họ đặt cọc mã thẻ điện thoại từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng/vụ và gây ra 4 vụ chiếm đoạt 70 triệu đồng khi rao bán xe mô tô nhập lậu. Nguyễn Sỹ Lành thông qua tài khoản zalo "Huỳnh Thanh Tâm" và tài khoản facebook "Văn Tưởng" thực hiện trót lọt 3 lừa đảo chiếm đoạt được 41 triệu đồng.
Do vậy, người dân nên nâng cao kiến thức về loại tội phạm này, tuyệt đối không cung cấp thông tin về thẻ ngân hàng, số tài khoản, thông tin Internet banking với các đối tượng trên mạng. Nếu nghi ngờ, cần liên hệ ngay với số điện thoại hotline của các ngân hàng để kiểm tra thông tin và báo công an nơi gần nhất khi có dấu hiệu nghi vấn.
Mời độc giả xem video Cảnh báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội: