Cụ thể, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam về việc xác minh, làm rõ công tác thông tin báo chí nêu liên quan đến vụ việc cà phê tại tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước, chiều ngày 24/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký quyết định thành lập Tổ công tác xác minh, làm rõ thông tin báo chí nêu liên quan tới vụ việc phụ phẩm cà phê nhuộm đen bằng pin tại tỉnh Đắk Nông và tiêu thụ tại tỉnh Bình Phước.
Tổ công tác xác minh này sẽ làm nhiệm và quyền hạn theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm và theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ NN-PTNT.
Quyết định cũng nêu rõ, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông và Bình Phước cần cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo bằng văn bản về các nội dung Tổ công tác yêu cầu, bố trí lãnh đạo, chuyên viên của các đơn vị liên quan làm việc với Tổ công tác.
|
Bộ NN-PTNT quyết định thành lập Tổ công tác xác minh vụ phụ phẩm cà phê nhuộm đen bằng pin gây xôn xao dư luận thời gian qua. |
Với các cơ sở có liên quan phải cung cấp hồ sơ, tài liệu việc thực hiện các quy định pháp luật về các nội dung theo yêu cầu của Tổ công tác.
Thời gian Tổ Công tác hoạt động là 10 ngày. Sau đó, Tổ công tác phải thực hiện báo cáo ngay lên Bộ khi hoàn thành công tác xác minh thông tin để làm căn cứ Bộ báo cáo Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam.
Trước đó, như VietNamNet đưa tin, chiều 15/4, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Đắk Nông) phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan có hành vi trộn phế phẩm cà phê, bột đá xay, hóa chất hòa với bột than từ lõi pin để sản xuất ra một loại hỗn hợp sản phẩm để bán ra thị trường.
Tại kho, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cà phê bên trong có lẫn đất, đá, trong đó có khoảng 15 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện 2 chậu chứa 35kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10kg.
Qua đấu tranh, chủ cơ sở khai đã mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn, sau đó mua các cục pin về đập lấy lõi hòa với nước để nhuộm cà phê. Sau khi nhuộm, cà phê được sấy khô, đóng bao bán ra thị trường. Chủ cơ sở cũng khai, từ đầu năm đến nay đã bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê nhuộm đen bằng lõi pin.
Thế nhưng, nguồn tin riêng của VietNamNet cho biết, trong quá trình điều tra củng cố hồ sơ, bước đầu xác định cơ sở nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan đã trộn phế phẩm cà phê với bột đá, ngâm pin Con Ó với mục đích chế biến thực phẩm, dùng trộn với tiêu.
Thực tế, trước sự việc trên, nhiều chuyên gia trong ngành cũng đặt dấu hỏi về việc phế phẩm cà phê được nhuộm bằng pin và mục đích của hành động này là gì?