Như Tri thức và Cuộc sống đã đăng, bà Bế Tuyết Vân (trú tại khu 8, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) phản ánh Ban Quản lý xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông - Sở GTVT Lạng Sơn (chủ đầu tư) và Công ty TNHH Công trình 156 Hà Nội (nhà thầu) tổ chức thi công dự án xử lý điểm đen giao thông trên Quốc lộ 4A đoạn Km19+800 – Km20+680, QL 4A, tỉnh Lạng Sơn có hành vi đổ đất, đá thải lên đất hành lang ATGT và một phần đất trồng rừng của gia đình bà gây ô nhiễm môi trường, cản trở lối vào khu đất sản xuất và khiến nhiều cây trồng bị đất đá đè. Ngày 17/4, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Hoàng Đức Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông - Sở GTVT Lạng Sơn cho biết, đã yêu cầu đơn vị thi công dọn dẹp đất, đá làm rơi xuống phần diện tích đất sản xuất của bà Bế Tuyết Vân.
|
Khối đất đá của dự án xử lý điểm đen giao thông trên Quốc lộ 4A đoạn Km19+800 – Km20+680, QL 4A, tỉnh Lạng Sơn đổ tràn vào đất rừng sản xuất. |
Theo ông Hoàng Đức Thuận, việc đổ đá tại vị trí giáp phần diện tích đất của bà Bế Tuyết Vân là tập kết vật liệu chứ không phải là đổ thải.
“Theo kế hoạch ban đầu của dự án, vị trí đổ đá là ở Km27 Quốc lộ 4A theo giấy xác nhận của Phòng TNMT huyện Văn Lãng, nhưng thực tế vị trí Km27 chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng nên không thể đổ đá vào đó được. Vậy nên, để công trình được thực hiện, đá được tập kết ở vị trí cắt cua Tuy Ngai, giáp với phần đất nhà bà Vân. Đá này sẽ làm vật tư dự phòng bão lũ hoặc dự án nào cần đến đá”, ông Thuận lý giải.
Tuy nhiên, khi PV Báo Tri thức và Cuộc sống đặt vấn đề về việc khối lượng đá của dự án xử lý điểm đen giao thông trên Quốc lộ 4A được đổ ở vị trí khác so với kế hoạch ban đầu và chưa được cơ quan chức năng nào phê duyệt, chấp thuận, liệu có phải chủ đầu tư, nhà thầu đang đổ thải, tập kết vật liệu không phép, ông Hoàng Đức Thuận khẳng định: “Vị trí góc cua Tuy Ngai (phần giáp đất rừng sản xuất của hộ bà Bế Tuyết Vân – PV) được xác định làm vị trí tập kết vật tư dự phòng bão lũ được ký giữa Sở GTVT và Chi cục Đường bộ từ những năm 2018, 2019”.
Về việc khối lượng đất, đá đè gãy chết một số cây trồng của hộ bà Bế Tuyết Vân, ông Hoàng Đức Thuận cho biết, trước tiên sẽ chủ động kiểm đếm, sau đó làm việc với hộ dân để thống nhất cách thức xử lý hài hòa.
Trước đó, phản ánh đến Báo Tri thức và Cuộc sống, bà Bế Tuyết Vân cho biết, ngày 15/4, bà phát hiện xe tải chở đá thuộc dự án Công trình xử lý điểm đen tai nạn giao thông trên Quốc lộ 4A, trên địa bàn huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn do Công ty TNHH Công trình 156 Hà Nội thi công, Ban Quản lý xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông (Sở GTVT Lạng Sơn) làm chủ đầu tư có đổ đất, đá thải lên đất hành lang ATGT và một phần đất trồng rừng của gia đình bà. Việc này gây cản trở giao thông đi vào khu đất trồng rừng, đặc biệt đất đá đổ xuống đè nhiều cây keo do gia đình trồng.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, bà đã thông báo đến chính quyền, công an địa phương và đề nghị Công ty TNHH Công trình 156 Hà Nội đến giải quyết. Tuy nhiên, đơn vị thi công dù đã được thông báo, mời đến hiện trường để xác minh, làm rõ nhưng không đến.
Bà Vân đề nghị, Ban Quản lý xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông (Sở GTVT Lạng Sơn), Công ty TNHH Công trình 156 Hà Nội thông tin rõ vị trí đổ thải đất đá của dự án xử lý điểm đen tai nạn giao thông trên Quốc lộ 4A và có phương án bồi thường cho loạt cây bị đè gãy chết. Trường hợp, vị trí đổ thải không đúng, đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu dự án khôi phục lại hiện trạng ban đầu để không ảnh hưởng đến việc sản xuất trồng cây và gây ô nhiễm môi trường.
Được biết, khối lượng đá đổ vào phần tiếp giáp đất rừng sản xuất của bà Bế Tuyết Vân có nguồn gốc từ việc nổ mìn phục vụ thi công Công trình xử lý vị trí điểm đen TNGT Km19+800 – Km20+680, QL 4A, tỉnh Lạng Sơn.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Văn bản số 14447/BGTVT-MT ngày 5/12/2016 của Bộ GTVT về việc tăng cường thực thi pháp luật về quản lý chất thải trong hoạt động giao thông, trong đó quy định:
– Thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về các bãi đổ thải; lập bình đồ các bãi đổ thải; tổ chức hướng dẫn và giám sát nhà thầu thi công thực thi.
- Vận chuyển, đổ chất thải thi công (như bùn, đất đào, bùn, đất, cát, sỏi, nạo vét; phế liệu, phế thải xây dựng;….) đúng vị trí bãi đổ thải đã thỏa thuận, đúng phương pháp và khối lượng quy định.
- Lập hồ sơ theo dõi việc vận chuyển, đổ chất thải thi công (thể hiện rõ: Khối lượng, ca máy, chuyến xe, vị trí nhận chất thải, vị trí đổ thải)...
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt 2 cán bộ "làm luật" cho xe qua cửa khẩu Lạng Sơn giá 100-300 triệu đồng: